THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 10:49

Đẩy mạnh giảm nghèo gắn với chính sách an sinh xã hội

 

Kết quả thực hiện các dự án, chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã tác động tích cực đến nhận thức, trách nhiệm và đem lại hiệu quả thiết thức cho người nghèo. Về tín dụng ưu đãi hộ nghèo, toàn tỉnh đã giải quyết cho 17.629 lượt hộ nghèo vay hơn 221,3 tỷ đồng để phát triển sản xuất. Có 48.222 hộ học sinh, sinh viên vay hơn 306,8 tỷ đồng để trang trải chi phí học tập, 2.354 hộ nghèo vay hơn 18,8 tỷ đồng để xây dựng nhà ở.

Các địa phương tiếp tục giúp đồng bào dân tộc thiểu số quản lý và sử dụng có hiệu quả trên 15.000 ha đất sản xuất và 86.431 ha rừng đã giao khoán quản lý, bảo vệ. Mức giao khoán 200.000 đồng/ha/năm, bình quân 7,24 triệu đồng/hộ/năm. Cung cấp 70.742 giống cây cao su/120 ha. Thực hiện chính sách đầu tư ứng trước cho 3.259 hộ/6.106,7 ha cây bắp lai và 515 hộ/310,7 ha cây lúa nước, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao, miền núi.

 Công tác khuyến nông, lâm, ngư được chính quyền các cấp trong tỉnh quan tâm. Các địa phương đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân về trồng lúa nước, bắp lai, tiêu, điều, thanh long, cao su, bông vải; kỹ thuật nuôi trồng thuỷ hải sản và chăn nuôi bò, dê, heo, gà... Các mô hình hỗ trợ sản xuất, phát triển ngành nghề như: mô hình đan lát bẹ chuối, lục bình; mô hình trồng nấm rơm; mô hình đan lát mây tre... tiếp tục được duy trì và nhân rộng. Có trên 4. 260 hộ nghèo được hưởng lợi. Công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn được quan tâm, ngân sách tỉnh đầu tư hơn 45,86 tỷ đồng hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho 30.780 lao động nông thôn, trong đó có người nghèo tham gia các lớp: Điện cơ, điện dân dụng; mộc dân dụng; chăn nuôi, thú y; trồng và chăm sóc cây cao su, cây thanh long, rau an toàn, kỹ thuật bảo vệ thực vật... Sau học nghề, phần đông người lao động có việc làm và có thu nhập cải thiện đời sống.

Về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng tại các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Trung ương hỗ trợ trên 28,34 tỷ đồng đầu tư xây dựng 69 công trình, gồm: 1 công trình điện, 3 công trình trạm y tế, 19 công trình đường giao thông, 4 công trình chợ, 24 công trình trường học, 3 công trình nhà văn hóa và các công trình phúc lợi khác. Chương trình 135, 134 và các chương trình mục tiêu của quốc gia, của tỉnh, đã đầu tư gần 182 tỷ đồng, xây dựng 125 công trình gồm: 12 công trình thủy lợi, 22 công trình giao thông, 33 công trình hệ thống nước sinh hoạt, 25 công trình trường học và các công trình phúc lợi khác cho các xã thuần dân tộc có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Các công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng có hiệu quả.

Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm đúng múc, đã cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 297.445 người nghèo với kinh phí là hơn129,1 tỷ đồng, cấp cho 11.994  người thuộc hộ cận nghèo với kinh phí là 4,88 tỷ đồng và cấp cho 62.262 người thuộc hộ mới thoát nghèo với kinh phí gần là 25,8 tỷ đồng. Có 556.334 lượt người nghèo khám chữa bệnh BHYT với kinh phí thực hiện miễn giảm hơn 73,6 tỷ đồng. Thực hiện chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên với kinh phí gần 68,6 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số ở các cấp tiểu học, trung học cơ sở và học sinh mẫu giáo theo Quyết định số 93/2008/QĐ-UBND ngày 31/10/2008 của UBND tỉnh với kinh phí hơn 16,1 tỷ  đồng.

Hỗ trợ 3.814 hộ xây dựng nhà ở (hộ nghèo 3.611 hộ, cận nghèo 203 hộ) với kinh phí hơn 100 tỷ đồng. Chất lượng công trình bảo đảm cả ba phần: Nền, khung, mái. Hỗ trợ tiền điện cho 62.882 lượt hộ nghèo với số tiền gần hơn 21,2 tỷ đồng. Trợ cấp khó khăn cho 24.272 hộ nghèo với kinh phí hơn 6 tỷ đồng. Hỗ trợ trực tiếp  cho 116.252 người nghèo với số tiền hơn 9,5 tỷ đồng. Có 28.699 người thuộc diện bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng và 450 đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội.

Theo Sở LĐ-TB&XH Bình Thuận, bằng các biện pháp tích cực thông qua các dự án, chính sách nêu trên, trong 3 năm qua (2011-2013) toàn tỉnh giảm được 10.141 hộ nghèo, bình quân mỗi năm giảm 3.380 hộ nghèo, tương ứng tỷ lệ giảm 1,5%. Trong năm 2014 toàn tỉnh giảm tỷ lệ hộ nghèo 1,5%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh (khóa XII) đề ra là giảm từ 1,5 – 1,7%/năm.

Tuy nhiên, chương trình giảm nghèo ở Bình Thuận cũng gặp phải những khó khăn, hạn chế không nhỏ. Số hộ nghèo giảm khá nhưng chưa thật vững chắc, phần lớn số hộ thoát nghèo có mức thu nhập nằm sát chuẩn nghèo nên nguy cơ tái nghèo rất cao. Số hộ phát sinh nghèo mới và tái nghèo hàng năm có xu hướng gia tăng, nhất là các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng thường xuyên bị hậu quả của thiên tai, dịch bệnh.  Sự chênh lệch về mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa miền xuôi với miền núi, vùng cao ngày càng giãn cách. Một bộ phần người nghèo có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước, thiếu nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Đây là những khó khăn, thách thức, mà trong thời gian tới tỉnh Bình Thuận sẽ cố gắng khắc phục trong chương trình giảm nghèo giai đoạn 2015-2020 đã đề ra. 

Ngọc Minh-nguồn ảnh: Internet

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh