Tiền Giang: Đa dạng hóa sinh kế giúp người nghèo ổn định cuộc sống
- Dược liệu
- 18:37 - 25/12/2022
Để tiếp tục thực hiện các mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025, ngay từ đầu năm 2022, phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã được chính quyền địa phương, các ngành, các cấp trong tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai hiệu quả, gắn kết với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", phong trào “Tiền Giang chung sức xây dựng nông thôn mới”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức và thực hiện.
Các chương trình giảm nghèo được triển khai đồng bộ, có sự phân công trách nhiệm từ Ban Chỉ đạo các cấp và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Việc thực hiện tốt các nhóm chính sách đã giúp cho người nghèo giảm bớt khó khăn, có điều kiện để tiếp nhận các dịch vụ xã hội, từng bước nâng cao nhận thức, tiếp thu khoa học kỹ thuật áp dụng vào cuộc sống và lao động sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo. Các chính sách an sinh xã hội và chính sách trợ giúp người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề lao động nông thôn… được lồng ghép triển khai đồng bộ, kịp thời, từ đó tạo điều kiện cho người nghèo phát triển kinh tế gia đình để vươn lên thoát nghèo.
Như trường hợp chị Võ Thị Xem (ấp Phú An, xã Phú Quý), 5 năm trước, gia đình chị thuộc diện khó khăn, ít đất sản xuất, vợ chồng chị chủ yếu đi làm thuê để vừa trang trải cuộc sống, vừa nuôi hai con ăn học. Hội LHPN xã Phú Quý đã hướng dẫn hỗ trợ chị Xem vay vốn từ các chương trình ưu đãi và Ngân hàng Chính sách; tạo điều kiện để chị tham gia vào Tổ hợp tác Trồng trọt, chăn nuôi của xã, được tham dự các lớp tập huấn hướng dẫn chuyển giao khoa học - kỹ thuật; đồng thời vận động hội viên hỗ trợ hạt giống, hoa màu để chị tăng gia sản xuất. Với sự nỗ lực, chịu khó, đến nay kinh tế gia đình chị đã thay đổi, thu nhập ổn định từ trồng hoa màu, trung bình mỗi năm trên 50 triệu đồng, gia đình cũng đã xây được ngôi nhà mới khang trang.
Hay như các gia đình: Bà Phan Thị Mai ở ấp Mỹ Phú, xã Phước Thanh, huyện Châu Thành, trước đây là hộ nghèo, kinh tế gia đình khó khăn. Từ nguồn vốn vay ưu đãi giảm nghèo để trồng khóm và thuê đất trồng sen, gia đình bà hiện đã có thu nhập ổn định, thoát nghèo. Gia đình ông Phan Bá Duy ở ấp Mỹ Phú, xã Thiện Trí, huyện Cái Bè đã thoát nghèo nhờ vào số vốn vay ưu đãi 30 triệu đồng để chăm sóc vườn sầu riêng và 20 triệu đồng cho sinh viên vay để nuôi con học đại học. Gia đình ông Châu Văn Sáu ở xã Phú Cường, huyện Cai Lậy vay chương trình hộ mới thoát nghèo với số tiền 100 triệu đồng để nuôi bò và dê sinh sản, hiện gia đình ông đã có thu nhập ổn định và thoát nghèo bền vững…
Thực tế cho thấy, mô hình sinh kế cho người nghèo đã đem lại hiệu quả thiết thực, giúp nhiều gia đình nghèo vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Đến cuối năm 2022, tổng hợp sơ bộ kết quả điều tra rà soát, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều ở tỉnh là 3,29%; trong đó, hộ nghèo là 1,27%, hộ cận nghèo là 2,02%. Trên địa bàn tỉnh không còn huyện nghèo và các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển.
Trong năm 2023 và những năm tiếp theo, Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình các cấp trong tỉnh tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, chính sách, tạo cơ hội cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ sinh kế, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, có điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững, vươn lên khá, giàu. Đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh các xã đặc biệt khó khăn; giảm khoảng cách về thu nhập, mức sống giữa các vùng và các nhóm dân cư. Tổ chức tốt việc lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án trên địa bàn; đẩy mạnh các hình thức huy động nguồn lực từ cộng đồng, doanh nghiệp để thực hiện mục tiêu giảm nghèo đề ra.