THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 06:03

Bình Dương thực hiện nhiều chính sách góp phần giảm nghèo bền vững

Đảm bảo an sinh xã hội

Để bảo đảm thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân trong bối cảnh đại dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Trung ương, UBND tỉnh đã giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì triển khai các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, hỗ trợ tiền thuê nhà đối với người lao động đang ở trọ trên địa bàn tỉnh Bình Dương; chính sách hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang ở trọ; hỗ trợ cho người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và người đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng trên địa bàn tỉnh Bình Dương bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; hỗ trợ người lao động làm việc tại đơn vị, doanh nghiệp nhưng không đảm bảo về đối tượng và các điều kiện để thụ hưởng các chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ...

Phiên chợ 0 đồng hỗ trợ người nghèo lúc gặp khó khăn.

Phiên chợ 0 đồng hỗ trợ người nghèo lúc gặp khó khăn.

Trong đại dịch Covid -19, thực hiện theo Quyết định số 18/2021/QĐ-UBND ngày 06/09/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc hỗ trợ cho người có công cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và người đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng trên địa bàn tỉnh Bình Dương bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid -19; Kết quả có 21.169 người nghèo và người cận nghèo được hỗ trợ, tổng kinh phí là 21.196.000.000 đồng.

 

Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Bình Dương đã chi hỗ trợ cho các đối tượng là 87.752.930.000 đồng. Đã hoàn thành hỗ trợ cho 44.871 đối tượng là người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội, với tổng số tiền là 53.259.750.000 đồng. Đối với chính sách hỗ trợ người sử dụng vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động: đã tiếp nhận và giải ngân cho vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động của 13 doanh nghiệp với tổng số tiền là 1.449.680.000 đồng.

Nâng cao ý thức thoát nghèo của người dân

Giai đoạn 2016-2021, toàn tỉnh Bình Dương đã giảm được 4.958 hộ nghèo.  Đến đầu giai đoạn 2022-2025, toàn tỉnh có 4.008 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,21% trên tổng số 332.224 hộ nhân dân, trong đó hộ nghèo thuộc chỉ tiêu giảm nghèo là 2.139 hộ, chiếm tỷ lệ 0,64% và hộ nghèo không có khả năng lao động là 1.869 hộ, chiếm tỷ lệ 0,56%; tổng số hộ cận nghèo là 2.922, chiếm tỷ lệ 0,88% trên tổng số 332.224 hộ nhân dân.

Sau đại dịch Covid-19, với sự tác động mạnh mẽ về kinh tế khiến nhiều hộ gia đình ở Bình Dương gặp khó khăn nhưng không được thụ hưởng các chính sách, do đó, tỉnh đã nâng mức chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025 về thu nhập cao hơn mức chuẩn Trung ương khoảng 1,4 lần. Đây là giải pháp nhằm bảo đảm an sinh xã hội, giúp hộ có hoàn cảnh khó khăn được thụ hưởng chính sách giảm nghèo, đồng thời, giúp người nghèo "không bị bỏ lại phía sau".

Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang tổng điều tra, rà soát hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới, dự kiến số hộ nghèo sẽ tăng lên khoảng 8.000 hộ, cận nghèo 5.000 hộ. Số hộ nghèo tăng lên đồng nghĩa với việc Bình Dương phải tiếp tục chăm lo để họ có điều kiện tốt nhất vươn lên thoát nghèo, trong đó hỗ trợ vay vốn tín dụng chính sách được xem là giải pháp trọng tâm. 

Bình Dương không chỉ chăm lo người dân địa phương mà còn hỗ trợ, ưu tiên chính sách cho người nghèo các tỉnh về đây sinh sống, làm việc.

Bình Dương không chỉ chăm lo người dân địa phương mà còn hỗ trợ, ưu tiên chính sách cho người nghèo các tỉnh về đây sinh sống, làm việc.

Ông Trịnh Đức Tài, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, các giai đoạn trước, Bình Dương chú trọng hỗ trợ trực tiếp, không điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo như xây, sửa chữa nhà đại đoàn kết; hỗ trợ lương thực thực phẩm; trao sổ tiết kiệm, dạy nghề miễn phí... Nhưng giai đoạn này, Bình Dương chuyển sang việc hỗ trợ có điều kiện, có hoàn trả thông qua việc cho vay vốn phát triển kinh tế, cho học sinh, sinh viên vay, chuyển giao mô hình sản xuất kinh doanh... Đây là cách làm thay vì cho “con cá” thì trao “cần câu” để nâng cao ý thức trách nhiệm, khơi gợi động viên ý chí tự vươn lên, vượt qua khó khăn để thoát nghèo bền vững của các hộ nghèo. Cũng nhờ chính sách này, nhiều người nghèo ở Bình Dương đã thoát nghèo bền vững, không có hộ tái nghèo.

Ngoài việc hỗ trợ bằng vật chất thì sự động viên bằng tinh thần cũng là cách làm sáng tạo ở Bình Dương. Thông qua các mô hình như: “Một cán bộ kèm một hộ nghèo”, “Cán bộ, đảng viên giúp hộ nghèo”... cán bộ, đảng viên thường xuyên hỏi thăm, chia sẻ, động viên người nghèo vượt qua mặc cảm, vươn lên thoát nghèo. Bình Dương cũng chủ động rà soát, đưa hộ nghèo không có khả năng lao động vào danh sách hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng để họ có điều kiện sống tốt hơn. 

Với một nửa dân số là người nhập cư, Bình Dương không chỉ chăm lo người dân địa phương mà còn hỗ trợ, ưu tiên chính sách cho người nghèo các tỉnh về đây sinh sống, làm việc. Chỉ cần họ có giấy chứng nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo tại quê nhà sẽ được hưởng đầy đủ các chính sách. Đó cũng là cách làm để từng bước xóa nghèo và thể hiện một phần trách nhiệm của Bình Dương chăm lo những người đã đóng góp sức lực, trí tuệ để địa phương ngày càng phát triển.

Khuyến khích những hộ mới thoát nghèo vay vốn để phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống, thoát nghèo một cách bền vững và chống tái nghèo.

Khuyến khích những hộ mới thoát nghèo vay vốn để phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống, thoát nghèo một cách bền vững và chống tái nghèo.

Có thể thấy, kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo ở Bình Dương là nhờ vào sự vận dụng tốt chính sách chung, sáng tạo trong cách làm, nhưng quan trọng nhất vẫn là việc vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức và xây dựng cho người dân quyết tâm tự lực vươn lên thoát khỏi cái tên "hộ nghèo".

Chia sẻ về giải pháp trong thời gian tới, ông Trịnh Đức Tài cho biết, Bình Dương sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo; tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản về thủ tục hồ sơ để người nghèo dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn, đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo trên địa bàn có nhu cầu vay vốn sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đều được vay từ nguồn vốn do Ngân hàng chính sách xã hội quản lý với lãi suất ưu đãi theo quy định; Khuyến khích những hộ mới thoát nghèo vay vốn để phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống, thoát nghèo một cách bền vững và chống tái nghèo.

 Tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ về vốn và khoa học kỹ thuật để nông dân thực hiện các dự án khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư có vốn  sản xuất và ứng dụng khoa học kỹ thuật – công nghệ cao vào sản xuất; góp phần nâng cao đời sống vật chất, tạo tiền đề để người sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là người nghèo khắc phục những hạn chế, khó khăn trong điều kiện sản xuất hiện tại, từng bước củng cố và xây dựng các nguồn lực cần thiết và phù hợp để phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa.

Phổ biến, hướng dẫn hộ nghèo về quy trình kỹ thuật sản xuất nông nghiệp mới, quy trình phòng trừ dịch hại để họ biết xây dựng kế hoạch và bố trí sản xuất hợp lý trên cơ sở áp dụng những tiến bộ kỹ thuật tăng năng suất cây trồng, vật nuôi.

Phối hợp giữa các ngành các ngành có liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức từ thiện xã hội (như Hội Bảo trợ Người Khuyết tật – Trẻ mồ côi và Bệnh nhân nghèo, tổ chức Holt,...) trong việc triển khai nhân rộng các mô hình sinh kế có hiệu quả hiện có trên địa bàn cho hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo và thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ sinh kế, trợ cấp thường xuyên cho người nghèo.

Ngoài việc tiếp tục áp dụng các giải pháp nhằm nâng cao thu nhập cho người nghèo, tỉnh sẽ chú trọng các giải pháp hướng đến việc nâng cao khả năng tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo. Do đó, các cấp, các ngành tiếp tục phối hợp thực hiện một cách đồng bộ, có chiều sâu các chính sách giảm nghèo gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, xây dựng đô thị văn minh. Thông qua các chương trình này, đời sống vật chất, tinh thần của người dân sẽ được nâng lên, theo đó, người nghèo sẽ được thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản tại cộng đồng.

PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh