THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:31

Tịch thu phương tiện của tài xế say xỉn chưa khả thi

 

Trao đổi với báo chí chiều 30/3, đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Giao thông vận tải) cho biết Bộ Công an, Bộ Tư pháp đều cho rằng đề xuất của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia có căn cứ pháp lý nhưng “vênh” với một số quy định của pháp luật hiện hành và chưa đảm bảo tính khả thi vào thời điểm hiện nay.

Tịch thu phương tiện của tài xế say xỉn chưa khả thi vào lúc này (Ảnh MH Internet)

Theo vị này, sau khi nghe dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các nội dung liên quan đến quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, ngày 30/3, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải  Đinh La Thăng đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn nghiên cứu, đánh giá thêm về quy định xử phạt đối với tài xế vi phạm nồng độ cồn. Trước mắt chưa áp dụng việc tịch thu phương tiện như đề xuất của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vào hồi đầu tháng 3 vừa qua. 

Trước đó, PV Báo LĐXH đã thông tin: Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ cho biết: Bên cạnh đề xuất xử lý hình sự đối với lái xe say xỉn, Tổng cục Đường bộ cũng đề nghị hình sự hóa đối với hành vi chở hàng quá tải trọng trên 150% đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà tái phạm. Theo ông Huyện, việc chở quá tải trọng đã có quy định nhưng trong quản lý giám sát, xử lý còn buông lỏng buông lỏng. “Tình trạng xe chở hàng quá tải trọng diễn ra phổ biến và hết sức nghiêm trọng; nhiều xe chở quá 100% - 200% tải trọng hoặc bị xử phạt nhưng vẫn tái phạm; tình trạng các tuyến đường có nhiều xe quá tải đi qua bị hư hỏng nghiêm trọng”.

Tại văn bản gửi Chính phủ cuối tháng 2, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã đề nghị Chính phủ thí điểm tịch thu phương tiện với người điều khiển xe vi phạm nồng độ cồn. Theo đó, nếu lái xe có nồng độ cồn trên 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/l khí thở, sẽ bị tước giấy phép 2 năm và tịch thu phương tiện; Đồng thời phải thi lại Luật giao thông đường bộ trước khi cấp lại giấy phép. Hình thức xử phạt này áp dụng cho cả người vi phạm điều khiển môtô, xe gắn máy (xe máy điện) và các loại xe tương tự môtô, xe gắn máy. 

 Được biết, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ liên quan khẩn trương nghiên cứu đề xuất của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định trước tháng 4/2014.

 Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ quy định người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/1 lít khí thở thì mức phạt là 10 đến 15 triệu đồng với người điều khiển ôtô và phạt từ 2 đến 3 triệu đồng với người điều khiển xe môtô; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng.

Trong cuộc họp chiều 30/3 về tình hình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Giao thông vận tải, ông Đinh La Thăng lưu ý việc xây dựng văn bản phải đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống, những vấn đề nhạy cảm, vấn đề lớn phải có lộ trình và thực hiện tuần tự.

“Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật làm sao để thể hiện được trong tất cả các văn bản này tinh thần đổi mới quyết liệt của ngành giao thông vận tải, theo đúng tinh thần Hiến pháp 2013 cũng như công tác cải cách hành chính tại tất cả các cơ quan trong ngành. Mỗi văn bản ban hành phải có thời gian để tuyên truyền, phổ biến, vận động, tạo dư luận xã hội khi đưa vào thực hiện những điều khoản sửa đổi, hoặc các văn bản mới điều chỉnh hành vi nhằm đưa pháp luật vào cuộc sống một cách hiệu quả nhất”- ông Thăng yêu cầu.

PHẠM TUẤN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh