THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:27

Kiến nghị xử lý hình sự lái xe say xỉn liệu có khả thi!?

Trong văn bản gửi Bộ GTVT góp ý việc sửa đổi Bộ luật Hình sự, Tổng cục Đường bộ đã đề nghị hình sự hóa hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá quy định (vượt quá 100mlg/100ml máu hoặc vượt quá 0,5mg/1 lít khí thở).

Tổng cục Đường bộ cho hay, theo kinh nghiệm quốc tế, hành vi lái xe có nồng độ cồn vượt quá quy định bị xử lý nghiêm khắc tại nhiều nước. Ngoài việc phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, người vi phạm còn bị khởi tố hình sự và hình phạt tù.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ (ảnh VGP).

Trao đổi với PV Báo Dân Sinh, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ cho biết: Bên cạnh đề xuất xử lý hình sự đối với lái xe say xỉn, Tổng cục Đường bộ cũng đề nghị hình sự hóa đối với hành vi chở hàng quá tải trọng trên 150% đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà tái phạm.

Theo ông Huyện, việc chở quá tải trọng đã có quy định nhưng trong quản lý giám sát, xử lý còn buông lỏng buông lỏng.  “Tình trạng xe chở hàng quá tải trọng diễn ra phổ biến và hết sức nghiêm trọng; nhiều xe chở quá 100% - 200% tải trọng hoặc bị xử phạt nhưng vẫn tái phạm; tình trạng các tuyến đường có nhiều xe quá tải đi qua bị hư hỏng nghiêm trọng”, ông Huyện cho biết thêm.

Vẫn còn nhiều băn khoăn trước đề  xuất xử lý hình sự khi lái xe uống say (Ảnh MH)

 Theo số liệu kiểm tra tại 63 trạm cân lưu động từ tháng 4/2014, các lực lượng đã phát hiện 135 xe chở quá tải trên 150% song tái phạm 3 lần, 29 xe tái phạm lần thứ 4. Cá biệt có 6 xe quá tải trên 300% cũng tái phạm 3 - 4 lần.

 Tại văn bản gửi Chính phủ cuối tháng 2, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã đề nghị Chính phủ thí điểm tịch thu phương tiện với người điều khiển xe vi phạm nồng độ cồn. Theo đó, nếu lái xe có nồng độ cồn trên 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/l khí thở, sẽ bị tước giấy phép 2 năm và tịch thu phương tiện; Đồng thời phải thi lại Luật giao thông đường bộ trước khi cấp lại giấy phép. Hình thức xử phạt này áp dụng cho cả người vi phạm điều khiển môtô, xe gắn máy (xe máy điện) và các loại xe tương tự môtô, xe gắn máy.

 Được biết, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ liên quan khẩn trương nghiên cứu đề xuất của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định trước tháng 4/2014.

 Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ quy định người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/1 lít khí thở thì mức phạt là 10 đến 15 triệu đồng với người điều khiển ôtô và phạt từ 2 đến 3 triệu đồng với người điều khiển xe môtô; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng.

 Vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều

Luật sư Nguyễn Văn Tú, Giám đốc Công ty Luật TNHH Fanci: “Tôi hoàn toàn đồng ý với đề xuất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Đó là một đề xuất hợp lý, bởi lẽ có thể dựa trên 2 tiêu chí là tiêu chí khoa học và tiêu chí thực tiễn”:

Luật sư Nguyễn Văn Tú, Giám đốc Công ty Luật TNHH Fanci.

Trước tiên là hành vi tự làm cho mình say tức có nồng độ cồn vượt mức cho phép.

Thứ hai: điều khiển phương tiện tham gia giao thông trong tình trạng say. Chúng ta đều hiểu rằng, phương tiện tham gia giao thông bao gồm xe đạp, xe máy, ô tô, hay kể cả máy bay, tàu hoả, tàu thuỷ… Người điều khiển các phương tiện đó trong tình trạng không ổn định sẽ hình thành nên nguồn nguy hiểm cao độ. Mà nguồn nguy hiểm cao độ cũng không khác cây to xiêu vẹo đứng cạnh nhà.

Ở đây chúng ta thấy, đường là để cho mọi người cùng đi, tự dưng có người đưa ra một phương tiện có thể là tốc độ cao, khả năng sát thương rất cao, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng của cá nhân người điều khiển và những người tham gia giao thông, đây chính là nguồn nguy hiểm cao độ. Đó là nguồn chứ chưa phải là sự kiện nguy hiểm, ta có thể hiểu sự kiện nguy hiểm chính là vụ tai nạn giao thông, xét về khoa học thì đây là nguyên nhân gây nên vi phạm pháp luật, mà cụ thể là luật giao thông.

Còn vi phạm này xứng đáng nhận thái độ nào của nhà nước? Có thể nhà nước sẽ cho như thế là vi phạm nặng rồi và cho vào chế tài hình sự. Bây giờ ta xét nặng hay nhẹ thì phải xét đến hạ tầng, thứ nhất là việc xe tải gây nát đường, hỏng đường là có thật. Thứ hai là thống kê các vụ tai nạn giao thông là quá nhiều.

Chi phí giải quyết các vụ tai nạn giao thông là quá lớn. Nếu có điều khoản, chế tài xử phạt thì ta cũng đã có rồi, song không dứt điểm được bởi lâu nay chúng ta mới chỉ xử lý phần ngọn. Còn phần gốc, là nguồn nguy hiểm gây nên các vụ tai nạn lại chưa được xử lý. Mặt khác, Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng người uống chất có cồn nhiều nhất thế giới.

Việc hạn chế uống rượu bia,… còn giúp nhiều về hạ tầng xã hội. Vậy nên Tổng cục Đường bộ kiên quyết bảo vệ con đường cho hàng mấy chục người đi là rất đáng ủng hộ, xét về an sinh thì cần phải áp dụng biện pháp hình sự.

 

Luật sư Nguyễn Thị Lê, Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang.

 Luật sư Nguyễn Thị Lê, Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang: Đề xuất này không hợp lý với thực tiễn Việt Nam hiện nay, bởi lẽ: Xét về tính chất nguy hiểm cho xã hội thì không phải mọi hành vi điều khiển phương tiện giao thông khi có nồng độ cồn trong máu hoặc trong hơi thở đều gây nguy hiểm, vì:

-Thứ nhất, mức độ nồng độ cồn trong máu hoặc trong hơi thở mà cơ quan nhà nước đưa ra được coi là vượt quá là mức độ dành cho người có thể trạng được coi bình thường, với nồng độ cồn như vậy sẽ gây ra việc không kiểm soát được hành vi...

Tuy nhiên với  những người có thể trạng tốt thì nồng độ này hoàn toàn không ảnh hưởng đến việc điều khiển phương tiện của người ta và hoàn toàn không có tính chất nguy hiểm ở những trường hợp này.

-Thứ hai, với văn hóa uống rượu của người Việt hiện nay thì phần đông người Việt hàng ngày với rất nhiều lý do khiến họ sử dụng rượu bia. Tuy nhiên, đến nay chưa có 1 thống kê nào cho thấy rằng phần lớn những người sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông đều gây tai nạn, mà thực tế với sự thống kê về tai nạn giao thông hiện nay, tỉ lệ nguyên nhân do sử dụng rượu bia so với số người sử dụng rượu bia tham gia giao thông là rất nhỏ. Như vậy có thể đánh giá rằng, về hành vi thì hành vi này chưa được đánh giá là hành vi nguy hiểm cho xã hội đến mức phải xử lý hình sự.  Mà vẫn cần quan tâm đến hậu quả xảy ra.

Hành vi sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông có thể nói là phổ biến và diễn ra hàng ngày, hàng giờ trong xã hội Việt Nam hiện nay. Để đạt được mục đích răn đe, giáo dục, ngăn chặn nguy cơ nguy hiểm có thể xảy ra, hiện nay, pháp luật nước ta đã sử dụng hệ thống xử phạt vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, với mức độ phổ biến như vậy, để có thể xử lý hành vi này bằng trình tự, thủ tục tố tụng hình sự thì mất quá nhiều thời gian, công sức và chi phí cho việc xử lý. Bởi để xử lý được hành vi này, cũng bắt đầu từ việc phát hiện tội phạm, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Như vậy đặt ra vấn đề rằng, liệu các cơ quan tư pháp của chúng ta với lực lượng như hiện nay có đảm đương và dành thơi gian để giải quyết loại vụ án này hay không?

Đồng thời, việc phát hiện tội phạm này có đảm bảo tính công bằng hay không khi chỉ lực lượng công an giao thông mới có máy đo nồng độ cồn để phát hiện tội phạm. Trong khi đó, khi chưa gây hậu quả, xử lý bằng thủ tục xử lý vi phạm hành chính thì nhanh gọn.

Văn hóa uống rượu bia còn ăn sâu trong đời sống người Việt, vì đã là văn hóa nên dù là không tốt thì cần phải thay đổi từ từ, bắt đầu từ nhận thức của người dân việc dùng biện pháp mạnh để giáo dục trong thời gian ngắn sẽ gây ra những hiệu ứng không tốt có thể làm cho một quy định định của pháp luật được xây dựng nên nhưng không phát hiuy hiệu lực trong thực tế.

 Với sự phân tích như vậy. Đề xuất này cần phải được xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng.

PHẠM TUẤN–VĂN NGHĨA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh