CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:30

Tích cực trợ giúp người tâm thần, rối nhiễu tâm trí và trẻ tự kỷ

Dạy nghề làm chổi đót cho những người bị bệnh tâm thần tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ngãi.

Dạy nghề làm chổi đót cho những người bị bệnh tâm thần tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ngãi.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có hơn 7.800 người bị bệnh tâm thần, trẻ em tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí. Trong đó, 6.659 người tâm thần nặng và đặc biệt nặng đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng và hơn 1.156 người tâm thần nhẹ, trẻ tự kỷ và rối nhiễu tâm trí đang được quản lý, chăm sóc tại cộng đồng. Trên 500 đối tượng là người tâm thần nặng có hành vi nguy hiểm đến gia đình, cộng đồng và trên 250 đối tượng là người tâm thần lang thang. Trên 280 trẻ khuyết tật phổ tự kỷ ở độ tuổi mầm non và phổ thông.

Nguyên nhân dẫn đến các dạng tật và mức độ khuyết tật về thần kinh, tâm thần do hậu quả của tai nạn giao thông, tai nạn lao động, thiên tai và lạm dụng các chất kích thích...

Qua điều tra khảo sát, đa phần gia đình người tâm thần, trẻ tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí còn nhiều khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần, nhiều người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Bản thân người tâm thần sống chủ yếu dựa vào người thân, gia đình, họ hàng và trợ cấp xã hội hàng tháng, việc đi lại giao tiếp xã hội và tiếp cận các dịch vụ xã hội gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, các cơ sở tư vấn chữa trị và phục hồi chức năng cho người tâm thần trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi còn hạn chế. Phần lớn người tâm thần, trẻ tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí chưa có điều kiện đưa vào chăm sóc tại cơ sở được bài bản, chủ yếu được nuôi dưỡng và chăm sóc tại gia đình. Hơn nữa, sự trợ giúp của các tổ chức xã hội, đoàn thể, y tế còn hạn chế đã gây nên trạng thái mệt mỏi, chán nản, buông xuôi đối với gia đình phải chăm sóc người tâm thần trong một thời gian dài.

Để huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị, xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống quản lý, vận động sự hỗ trợ của cộng đồng; phân công rõ trách nhiệm của từng cơ quan, địa phương trong việc thực hiện chăm sóc đối tượng này, ngày 26/5/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã ra Quyết định số 742/QĐ-UBND về việc ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, tỉnh Quảng Ngãi đặt mục tiêu mỗi năm có ít nhất 80% người tâm thần, 80% trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí được tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau. Ít nhất 70% trẻ em tự kỷ nặng được điều trị, giáo dục, phục hồi chức năng và trợ giúp phù hợp tại các cơ sở phục hồi chức năng và trợ giúp xã hội.

Để đạt mục tiêu, tỉnh tập trung triển khai nhiều giải pháp trọng tâm như: Truyền thông nâng cao nhận thức về chứng tự kỷ, tâm thần, rối nhiễu tâm trí; trợ giúp y tế, giáo dục, hướng nghiệp, lao động trị liệu, hỗ trợ sinh kế, văn hóa, thể thao; nâng cao năng lực đội ngũ công chức, viên chức và cộng tác viên làm công tác xã hội tại cộng đồng. Đồng thời, tỉnh quy hoạch, phát triển, nâng cấp và mở rộng mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc, giáo dục và phục hồi chức năng cho người tâm thần và rối nhiễu tâm trí nặng, cho trẻ tự kỷ (công lập và ngoài công lập)...

Triển khai Quyết định số 742/QĐ-UBND, trong năm 2022, lần đầu tiên, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ngãi tổ chức dạy nghề cho người tâm thần. Nghề được chọn dạy cho các học viên là làm chổi đót. Theo các nhân viên tại Trung tâm, đây cũng là một trong những cách trị liệu hiệu quả cho người bệnh.

Chị Lê Thị Bảy, nhân viên Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ, một số người khi tinh thần bất ổn mà được hoạt động tay chân, làm việc sẽ giúp tinh thần thoải mái hơn. Ngoài việc dạy nghề, các nhân viên còn phải thường xuyên chia sẻ tâm tư để hiểu được nguyện vọng của người bệnh...

Còn Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục hòa nhập tỉnh là nơi cung cấp các dịch vụ giáo dục hòa nhập có chất lượng cho học sinh khuyết tật dạng tâm thần, trẻ tự kỷ và rối nhiễu tâm trí. Mỗi năm, Trung tâm nhận chăm sóc và nuôi dạy cho gần 100 trẻ bị khiếm thính và tự kỷ.

Ông Trần Văn Thế, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục hòa nhập tỉnh cho biết: Ngoài việc tổ chức cho các cháu rèn luyện các kỹ năng tự ăn uống, vệ sinh cá nhân, chúng tôi còn dạy các cháu các kỹ năng trong cuộc sống cũng như phối hợp với phụ huynh và một số cơ sở giáo dục để dạy chữ; từ đó giúp các cháu tự tin hòa nhập cộng đồng. Bình quân mỗi năm, khoảng 20 cháu được hỗ trợ hòa nhập cộng đồng.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ công tác xã hội. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan được UBND tỉnh Quảng Ngãi giao chủ trì triển khai các chương trình tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội. Từ đầu năm 2022 đến nay, Sở đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về kỹ năng, phương pháp, kinh nghiệm chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí.

Tỉnh Quảng Ngãi hiện có hơn 1.700 người tham gia làm công tác xã hội. Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Quảng Ngãi đặt mục tiêu có ít 80% cán bộ, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ.

Vân Nhi

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh