THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:49

Thương những mảnh đời như lục bình trôi

Lục bình, ngoài Bắc gọi là cây bèo tây, có rất nhiều ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thậm chí có nhiều nơi, người ta còn khổ vì loại cây này do nó mọc dầy, ngăn dòng chảy của kênh rạch, thành thứ cỏ dại cản trở cây trồng.

          Gần đây, dưới miền Tây rộ lên phong trào dùng lục bình làm đồ thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. Số người được học nghề đan lục bình cũng nhiều, tỉnh Đồng Tháp có đến mấy ngàn người, số cơ sở sản xuất, thu mua xuất khẩu cũng không ít nhưng hiệu quả mà nó mang lại cho những người mưu sinh từ nghề này vẫn chưa cao và nguyên nhân thì có nhiều!

          Trong bài hát “Điệu buồn phương Nam” của Vũ Đức Sao Biển có câu: “Thương những đời như lục bình trôi”. Lục bình là thứ cây mọc hoang, trôi dạt khắp các dòng sông, sau ba tháng, cây có độ cao khoảng 60 cm. Gần đây người dân miền Tây có sáng kiến kết lục bình lại thành mảng dầy và cây phát triển tốt hơn có thể cao đến 90 cm. Vào độ thu hoạch, người ta cắt gốc lục bình, bỏ phần lá đi rồi đem phơi nắng. Tiếp theo đến công đoạn xông lưu huỳnh nhằm mục đích chống ẩm mốc, mối mọt rồi đến tẩy trắng, nhuộm các loại màu sắc phù hợp với sản phẩm định làm... Trước đây tất cả các công đoạn này cho đến đan lát thành sản phẩm đều do một cơ sở sản xuất nào đó tự làm. Bây giờ khi đan lục bình đã trở thành nghề phổ biến thì từng công đoạn cũng được chia cho các cơ sở khác nhau. Có nhà chỉ chuyên “trồng”, thu góp lục bình, hậm chí khi mùa khô hụt hàng người ta phải qua tận Campuchia để gom mới đủ. Lại có hộ chỉ chuyên công đoạn phơi khô, làm sạch, sấy, tẩy... rồi giao hàng cho vựa. Và đương nhiên đông nhất vẫn là đội quân nhận đan thuê cho các cơ sở kinh doanh hàng xuất khẩu.

          Bà Võ Thị Mậm ở Thuận Hòa ,(huyện Long Mỹ, Hậu Giang) tâm sự: “Nghề trồng, thu gom lục bình cũng cực lắm chú ơi. Mùa mưa hàng nhiều gom vài chục tấn tươi một ngày còn có, mùa khô lùng sục khắp nơi cũng chả có hàng. Đã vậy lời lãi cũng chả mấy”. Chị Hải, chủ thu mua lục bình ở Bến Tre cho biết: Làm lúa sâu bệnh hoài không có lời, chuyển qua làm nghề ngày, thu gom bán 1 tấn lục bình khô lời chưa tới 200 000 đồng, mà tháng cũng chỉ bán được hơn chục tấn. Tôi nghĩ đời chúng tôi cũng có khác gì cây lục bình đâu, lênh đênh lắm.

          Nhưng khổ nhất có lẽ vẫn là những người trực tiếp làm nghề đan lục bình. Làm nghề đan lục bình không khó, chỉ cần theo học lớp dạy đan mấy ngày là có thể làm được. Chất liệu để đan, ngoài lục bình khô còn có khung sắt và sợi lác theo mẫu có sẵn, người đan chỉ cần một cái kéo nhỏ để cắt những phần lục bình xấu và sự khéo tay là làm được. Hiện nay có hàng trăm sản phẩm xuất khẩu từ lục bình như dép đi trong nhà, giỏ đựng đồ, thảm chùi chân, va li, bàn ghế... Hầu hết các sản phẩm từ lục bình đều được xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ chứ ở trong nước vẫn bị chê là xấu, là quê.

          Chị Út Đẹt ở Ngã Bẩy (Hậu Giang) kể: Chỉ những ai không biết làm gì mới làm nghề này thôi.Công việc đúng là cũng nhẹ nhàng lại ngồi trong nhà, không cần vốn liếng, nhưng mà thu nhập vẫn còn thấp, chỉ khoảng  20 đến 35 000đồng/ ngày. Vì vậy làm thêm để có đồng ra, đồng vô là chính. Còn Năm Tươi ở An Minh (Kiên Giang) thì bảo: Con bị tật từ nhỏ, không có công ty nào nhận vô làm thấy đây là công việc phù hợp nên cố làm chứ mấy người khác bỏ đi làm việc trên thành phố cả rồi. Ngay cả những những người được nhận vào làm việc tại các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất – xuất khẩu đồ thủ công mỹ nghệ từ lục bình thì thu nhập hàng tháng cũng chỉ hơn triệu đồng.

          Sản phẩm làm ra từ lục bình đã được các nước như Trung Quốc, Thái Lan... làm từ lâu nay rồi. Họ có công nghệ hiện đại, có quy mô sản xuất lớn nên hàng bán với giá cao nhờ vậy thu nhập của người lao động cũng cao hơn. Ở nước ta đan lục bình là một nghề mới vì vậy nguyên liệu hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên. Mùa mưa, lục bình nhiều chế biến không hết nhưng mùa khô lại không có lục bình mà làm. Cùng với đó, sản phẩm của chúng ta mẫu mã đơn điệu, không thay đổi kịp nhu cầu của thị trường vì vậy giá thấp. Bên cạnh đó, chúng ta chưa có biện pháp tuyên truyền giới thiệu để người tiêu dùng trong nước sử dụng mặt hàng này đó cũng là một hạn chế.

          Đan lục bình là nghề phù hợp với lao động nông thôn, nhất là hộ nghèo vì không cần vốn. Thực tế ở các tỉnh miền Tây Nam bộ đã có nhiều hộ thoát nghèo nhờ mô hình này. Tuy nhiên để nghề đan lục bình trở thành nghề giảm nghèo cần có sự quy hoạch để có nguồn nguyên liệu ổn định, cần có sự đầu tư, hỗ trợ để các doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận công nghệ hiện đại cũng như thị trường. Nhu cầu của thị trường về lục bình vẫn còn nhiều. Hy vọng lục bình sẽ trở thành cây làm giàu cho người dân vùng sông nước Cửu Long và khi đó “Về miền phương Nam ngắm sông” sẽ không còn “ngậm ngùi” và sẽ không còn những cảnh”đời như lục bình trôi”./.

Nguyễn Kim Tuấn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh