Nhân lực ngành xây dựng: Thiếu số lượng, yếu chất lượng
- Bài thuốc hay
- 21:19 - 11/09/2017
Thừa thầy, thiếu thợ
Tại báo cáo đánh giá về thực trạng chất lượng nhân lực ngành xây dựng của Tổng Hội Xây dựng cho thấy, cả nước có khoảng gần 78.000 doanh nghiệp hoạt trong ngành xây với khoảng 4 triệu lao động. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực ngành xây dựng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Nhiều công trình vẫn phụ thuộc vào nhân lực nước ngoài, kể cả lực lượng thiết kế, giám sát, vận hành thiết bị tiên tiến như công trình giao thông ngầm, công trình hóa chất phức tạp, công trình cao trên 50 tầng… Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc doanh nghiệp xây dựng trong nước không cạnh tranh nổi khi đấu thầu nhiều dự án trong và ngoài nước.
Còn theo số liệu thống kê của Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và Đô thị (Bộ Xây dựng), toàn ngành xây dựng đang có hơn 204.000 công nhân lao động, trong đó có tới hơn 90.000 người là cán bộ, viên chức trong các doanh nghiệp, tức là số lượng công nhân chỉ gấp hơn 2 lần số lượng cán bộ, viên chức. Mặt khác, năng lực và tính chuyên nghiệp của đội ngũ công nhân lao động cũng được đánh giá là còn nhiều hạn chế. Cụ thể, số lao động có trình độ cao đẳng, trung cấp nghề chỉ chiếm tỷ lệ 11,8%; số thợ bậc cao (bậc 6,7) chỉ chiếm khoảng 7% nhân lực ngành.
Theo cơ cấu bình quân hiện nay ở Việt Nam giữa kỹ sư - trung cấp chuyên nghiệp - công nhân học nghề là 1:1,3:0,5 trong khi ở các nước trên thế giới bình quân là 1:4:10. Số liệu trên cho thấy, ngành xây dựng đang trong tình trạng thừa thầy, thiếu thợ. Tình trạng phổ biến hiện nay tại các công trình là đa số người lao động theo nghề xây dựng một cách ngẫu nhiên, người thợ đi lên bằng con đường tự học và thường bắt đầu bằng công việc lao động phổ thông. Số lượng người được đào tạo nghề có tăng nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành và không cân đối giữa các trình độ đào tạo.
Thực trạng này được xem làm một nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động thấp, tiến độ chậm, chất lượng sản phẩm còn nhiều sai phạm, làm giảm sức cạnh tranh ngay trên thị trường nội địa, hạn chế về năng lực khi tham gia vào thị trường quốc tế và khối cộng đồng chung ASEAN.
Đào tạo nghề gắn với nhu cầu
Hiện cả nước có 29 trường đại học, 21 trường cao đẳng và cao đẳng nghề, 19 trường trung cấp và 1 Học viện đào tạo nhân lực ngành Xây dựng. Hàng năm, hệ đại học tuyển sinh khoảng 7 nghìn người; cao đẳng trên 3 nghìn người; hệ thống trường trung học chuyên nghiệp 5 nghìn người và các trường đào tạo nghề khoảng 18 nghìn người. Tuy nhiên, việc tổ chức đào tạo ở các cấp học, bậc học còn nặng về lý thuyết, ít thời gian thực hành, chưa thực sự gắn bó với nhu cầu sử dụng, với tiến bộ khoa học công nghệ và công việc thực tế mà người học khi ra trường phải đảm nhận. Hệ quả là khi ra trường người học phải mất khá nhiều thời gian để làm quen với công việc, không ít trường hợp đơn vị sử dụng tiến hành bổ túc hay đào tạo bổ sung, đào tạo lại.
Ngành Xây dựng là bộ phận quan trọng của nền kinh tế, có nhiệm vụ đi trước mở đường trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, hướng tới mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hóa vào năm 2020. Vì thế, nhu cầu tìm kỹ sư xây dựng, kỹ sư công trình, kiến trúc sư của các công ty, nhà thầu cũng tăng lên. Dự báo từ nay đến năm 2020, nhu cầu nhân lực ngành xây dựng mỗi năm tăng thêm 400.000 - 500.000 người.
Mục tiêu Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Xây dựng giai đoạn 2011-2020: Nhân lực ngành Xây dựng tăng từ 2,9 triệu người năm 2010 lên khoảng 5 triệu năm 2015 và khoảng 8 - 9 triệu người năm 2020; tỷ lệ nhân lực qua đào tạo tăng từ mức 41,0% năm 2010 lên khoảng 60,0% năm 2015 và khoảng 65,0% năm 2020. Trong đó, bậc đào tạo nghề chiếm khoảng 68,5% năm 2015 và khoảng 68,0% năm 2020, bậc trung cấp chuyên nghiệp chiếm khoảng 25% năm 2015 và khoảng 24% năm 2020, bậc cao đẳng chiếm khoảng 2,0% năm 2015 và khoảng 3,0% năm 2020, bậc đại học và trên đại học chiếm khoảng 4,5% năm 2015 và khoảng 5% năm 2020.
Riêng đối với đào tạo bậc đại học, mục tiêu đề ra đến năm 2020 toàn ngành có khoảng 5.500 người đạt trình độ sau đại học và trên đại học, khoảng 200 nghìn người có trình độ đại học và khoảng 124 nghìn người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp. phấn đấu đến năm 2020 số giảng viên đại học có trình độ thạc sĩ khoảng 70%, còn lại 30% có trình độ tiến sĩ và tiến sĩ khoa học, trong đó có khoảng 100 giáo sư, phó giáo sư; giảng viên cao đẳng có trình độ thạc sĩ khoảng 60%, giảng viên có trình độ tiến sĩ khoảng 8%.
Kiến nghị về đào tạo nhân lực ngành xây dựng, ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, cần phải đổi mới nội dung, chương trình đào tạo theo hướng đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, tăng cường giải pháp đào tạo nội dung yêu cầu theo địa chỉ theo cơ chế đặt hàng để cả cán bộ và công nhân ra trường có việc làm ngay, không phải đào tạo lại; Tăng cường các khóa học đào tạo cập nhật kiến thức mới; Đối với trường dạy nghề: Cần có cơ chế chính sách và nguồn kinh phí để tăng cường cơ sở vật chất, phục vụ cho giảng dạy sát với yêu cầu thực tế, tạo cơ chế chính sách đãi ngộ với các thợ bậc cao, thợ cả truyền nghề cho lớp trẻ.