CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 10:42

Gia tăng nhu cầu nhân lực ngành An ninh mạng

 

ảnh minh họa

Nhiều “lỗ hổng” an ninh

Báo cáo về thị trường lao động công nghệ cao cho thấy, những chuyên gia về bảo mật mạng sẽ đứng đầu, thậm chí vượt qua những lập trình viên và kỹ sư công nghệ trong nhu cầu tuyển dụng. Không chỉ lĩnh vực ngân hàng, tài chính, viễn thông… mà tất cả các ngành nghề đều đang phải đối phó với nguy cơ rò rỉ thông tin khách hàng; các vụ tấn công vào hệ thống sản xuất kinh doanh;... Những chuyên gia bảo mật với kỹ năng mã hóa chống lại tin tặc, khủng bố và các mối đe dọa khác là điều các doanh nghiệp đang thực sự cần đến, khi các vụ tấn công mạng đang ngày một táo bạo hơn.

Mới đây, chỉ từ tháng 1 - 3/2017, Trung tâm Ứng cứu sự cố máy tính Việt Nam -VNCERT đã ghi nhận gần 7.700 sự cố tấn công mạng vào các website tại Việt Nam, gồm 2.848 trang bị tấn công Deface (thay đổi giao diện), 3.783 trang bị cài Malware (mã độc) và 1.050 website bị đặt Phishing (lừa đảo). Tại Việt Nam, với hơn 5,5 triệu máy tính chạy Windows XP 13 năm tuổi, rủi ro bảo mật là không còn dịch vụ hỗ trợ, lỗi an ninh vĩnh viễn không được vá, đồng thời là vật trung gian gây lây nhiễm phần mềm độc hại cho các máy tính, các mạng khác. Số liệu thống kê tại Securelist.com trong quý III/2016, Việt Nam dẫn đầu thế giới về mức độ lây nhiễm mã độc máy tính cao nhất.  

Với sự gia tăng các vụ tấn công mạng hiện nay, doanh nghiệp bắt buộc phải thận trọng hơn về bảo mật thông tin. Điều đó kéo theo nhu cầu nhân sự chất lượng cho bảo mật mạng cũng không ngừng tăng. Trong lĩnh vực này, bảo mật và an toàn thông tin sẽ rất khởi sắc trong thời gian tới. Theo số liệu Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, giai đoạn 2016 - 2021, chỉ riêng tại TP HCM đã cần từ 8.000 đến 10.000 nhân sự CNTT. Trong đó, trọng tâm đặt vào ngành Hệ thống thông tin - An ninh mạng.

Tuyển sinh và đào tạo

Theo khảo sát thông tin tuyển sinh năm 2017 của Học Viện kỹ thuật Mật mã, ngành An toàn Thông tin (hệ dân sự) nhà trường tuyển 600 chỉ tiêu, mã ngành 52480202, sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2017, tổ hợp xét tuyển D90: Toán, Tiếng Anh, Khoa học tự nhiên; A00: Toán, Vật lí, Hóa Học; A01: Toán, Vật lí, Tiếng Anh. Điểm chuẩn đầu vào là 21,5 điểm. Học viện An ninh Nhân dân (hệ dân sự) tổ hợp xét tuyển A01: 15,75 điểm; D01: 16,75 điểm và A00: 18,75 điểm. Để học an ninh mạng, bảo mật thông tin tại Hà Nội, học sinh cũng có thể tham khảo chương trình đào tạo tại các trường thông tin, chuyên về mạng, bảo mật như: FPT, học viện Công nghệ bưu chính Viễn thông; Đại học Bách Khoa,... và các cơ sở đào tạo hệ cao đẳng có đào tạo ngành An ninh mạng. Những khóa học ngắn hạn thì có thể theo học các lớp của jetking của trường đại học FPT hay các lớp văn bằng 2 của bách khoa, trường bưu chính.

Mặc dù là nghề “hot” trên thị trường lao động hiện nay, tuy nhiên nhiều người trong nghề nhận định, để sống được với an ninh mạng không phải là điều đơn giản. Công việc đầy áp lực, đòi hỏi những nỗ lực không ngừng. Cập nhật kiến thức công nghệ bảo mật thường xuyên liên tục, là việc làm cần thiết để trụ vững với nghề. Tuy hình thành ở Việt Nam chưa lâu nhưng công việc an ninh mạng đang nhanh chóng trở thành một nghề có sức hút lớn. Mức lương mà các nhân viên thuộc lĩnh vực này nhận được tương đối cao. Trong thời gian thử việc thu nhập từ 300 - 350 USD/tháng. Nhân viên chính thức thường nhận từ 400 - 700 USD/tháng tùy công ty. Thường những người làm cho công ty nước ngoài mỗi tháng nhận từ một đến vài nghìn USD.

ANH QUANG - VĂN LÝ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh