THỨ BA, NGÀY 26 THÁNG 11 NĂM 2024 02:58

Nhân lực IT trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 "lép vế" vì ngoại ngữ

 

Một khảo sát của Vietnamworks đối với nhu cầu tuyển dụng trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) cho thấy, chỉ trong vòng 3 năm, từ 2013 - 2016, nhu cầu tuyển dụng tăng 2,5 lần. Xu hướng từ nay cho tới 2020 sẽ tiếp tục tăng nhu cầu tuyển dụng nhân sự khối ngành CNTT, tình trạng khan hiếm nhân sự sẽ diễn ra khốc liệt hơn hiện tại. Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM Trần Anh Tuấn cho rằng: “CNTT là nhóm ngành công nghiệp trọng yếu tại TPHCM hiện nay, và trong tương lai sẽ là ngành có nhu cầu nhân lực cao nhất” do nhu cầu phát triển xã hội như giao thông thông minh, an ninh mạng, các nhu cầu lập trình hoặc thiết kế 3D...

 

Tuy nhiên, một thực tế là sinh viên ngành CNTT tốt nghiệp ra trường thường không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp CNTT, khiến tình trạng khan hiếm nhân lực vốn đã thiếu người lại càng thiếu hơn bởi phải dành nhiều nguồn lực để chọn lọc hoặc đào tào lại. Cụ thể, dự tính nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp từ nay đến năm 2020 là khoảng 400.000 người, trong khi toàn bộ hệ thống cung cấp nhân lực về CNTT trên cả nước chỉ có khả năng đáp ứng quá nửa con số ấy.

Đưa ra đánh giá về nhân lực IT, ông Trần Quang Anh,  Phó giám đốc Học viện Bưu chính Viễn Thông cho rằng, điểm yếu nhất của sinh viên ngành CNTT khi tốt nghiệp ra trường không phải là chuyên môn mà chính là vấn đề ngoại ngữ. “Năng lực ngoại ngữ kém trở thành rào cản hạn chế cơ hội các em tiếp cận với thị trường tuyển dụng đa dạng trong nước, và thị trường nhân sự chất lượng cao của doanh nghiệp quốc tế. Đồng thời, với tốc độ phát triển mạnh mẽ của thế giới, thiếu ngoại ngữ sẽ biến các bạn trẻ trở thành thợ thủ công, làm việc theo kinh nghiệm bởi không thể tiếp cận và học hỏi được những thay đổi, tiến bộ mới của thế giới. Như vậy là các bạn đã tự đào thải mình khỏi chính môi trường chuyên môn được đào tạo”, ông Trần Quang Anh nhấn mạnh.

 

Việt Nam sẽ cần khoảng 1,2 triệu nhân lực ngành CNTT vào năm 2020

Theo dự báo của Vietnamworks, với gần 80.000 nhân lực CNTT sẽ được các trường cho “ra lò” trong hai năm, 2017 và 2018, so với nhu cầu tính đến cuối năm 2018, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 70.000 nhân lực về CNTT. Việt Nam sẽ cần khoảng 1,2 triệu nhân lực ngành CNTT vào năm 2020. Nhưng nhiều khả năng số nhân lực thiếu hụt lên tới 500.000 người.

 Mới đây, trong sự kiện việc làm- công nghệ Tech Expo 2017 do trang tuyển dụng trực tuyến Vietnam Works thuộc Tập đoàn Navigos Group Việt Nam tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội đã thu hút sự tham gia của gần 1.000 chuyên viên IT và 14 nhà tuyển dụng hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại Việt Nam. Đánh giá về chất lượng nhân sự IT tại Việt Nam, các diễn giả tại Tech Expo năm nay đều cho rằng: Việt Nam có lợi thế về đội ngũ nhân sự trong ngành IT lớn, đa phần ở độ tuổi trẻ, chăm chỉ và luôn tìm tòi điều mới. Đặc biệt, nhân sự IT Việt Nam có tư duy toán học rất tốt, thuận lợi đối với lập trình phân tích dữ liệu.

Tuy nhiên, để đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0, nhân sự IT Việt Nam trước hết cần trau dồi khả năng sử dụng Tiếng Anh để có thể cập nhật công nghệ mới nhất tại nước ngoài. Ngoài ra, khi thị trường công việc trong ngành thay đổi không ngừng mà các chương trình đào tạo chính quy gần như không theo kịp sự phát triển đó thì yêu cầu nhân sự ngành IT phải chủ động và nhanh chóng tự phát triển năng lực học hỏi trong công việc.

 Dễ dàng nhận thấy điểm yếu của ứng viên IT Việt Nam ngay từ việc chuẩn bị 1 CV “chuẩn IT” nhằm tạo ấn tượng tốt nhất với nhà tuyển dụng. Một chuyên gia tuyển dụng kinh nghiệm của Navigos Group chia sẻ: “Khi tiếp xúc trực tiếp với các ứng viên tại Tech Expo năm nay, chúng tôi quan sát thấy có nhiều ứng viên chưa nêu bật được mục tiêu nghề nghiệp của bản thân, chưa biết cách khai thác triệt để thế mạnh của mình về kĩ năng và thành tựu các bạn đạt được. Một điểm lưu ý nữa là nhiều ứng viên vẫn còn làm CV bằng tiếng Việt. Nếu chịu khó đầu tư một CV hoàn chỉnh bằng Tiếng Anh, chắc chắn những nhà tuyển dụng, đặc biệt là nhà tuyển dụng nước ngoài, sẽ ấn tượng hơn với hồ sơ của ứng viên”.

Nhận định về cơ hội việc làm của nhân sự IT trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ông Lê Hoàng Dũng - CEO Công ty 5S Việt Nam, một trong ba diễn giả của chương trình cho rằng: “Công nghiệp 4.0 và intenet kết nối vạn vật (IoT) là cơ hội rất tốt cho những ý tưởng start up. Các bạn hãy tận dụng xu hướng này để mang lại thành công cho chính mình”. Còn ông Lê Ngọc Tuấn- IoT Product Manager, Ban Công nghệ Tập đoàn FPT khuyên các bạn sinh viên IT sắp ra trường “Để thành công, các bạn cần tìm hiểu kiến thức mới như IoT, phân tích dữ liệu… và nên thực hành với hệ thống mã nguồn mở cũng như tham gia các sự kiện công nghệ để cập nhật kiến thức cho bản thân”.

PHƯƠNG MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh