Thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 00:05 - 07/11/2015
Phó Chủ tịch UBQG Vì sự tiến bộ của Phụ nữ Việt Nam, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm; ông Lây - tơn - pai, Phó Đại sứ quán Úc tham dự tọa đàm.
Toàn cảnh buổi tọa đàm.
Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho biết, trong nhiều thập kỷ qua với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Việt Nam là quốc gia có nền tảng tốt đảm bảo quyền cho phụ nữ tham gia lĩnh vực chính trị thông qua việc tham gia các điều ước quốc tế về bình đẳng giới, ban hành Luật bình đẳng giới và nhiều đạo luật qui định về bình đẳng giới trong các lĩnh vực khác nhau…Do vậy, Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể , từ con số 3% nữ đại biểu ở Quốc hội khóa I đến tỷ lệ 24,4% của Quốc hội khóa XIII, tỷ lệ nữ đại diện ở HĐND cấp tỉnh, huyện, xã đều có tăng trong những nhiệm kỳ gần đây.
Tuy nhiên, quá trình phấn đấu đạt được mục tiêu bình đẳng giới thực chất là quá trình lâu dài và đòi hỏi chúng ta không những phải nỗ lực trong việc ban hành và thực hiện chính sách cũng như tìm ra các cơ chế thích hợp để phụ nữ và trẻ em gái được tham gia, thụ hưởng một cách công bằng các thành quả của sự phát triển kinh tế xã hội mang lại, trong đó có việc tham gia vào các vị trí quyết định để phát huy vai trò của mình trong xã hội. Điều này là không dễ dàng trong bối cảnh các quan niệm xã hội, nhận thức của cộng đồng về bình đẳng giới vẫn còn có những khoảng cách khá lớn so với yêu cầu phát triển đặt ra.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm (thứ 2 bên trái sang)trao đổi cùng các đại biểu.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho rằng, nguyên nhân và khó khăn trong việc tăng tỷ lệ nữ tham gia vào các vị trí ra quyết định nói chung và Quốc hội, HĐND các cấp nói riêng do phụ nữ đang khó khăn trong việc duy trì sự cân bằng giữa trách nhiệm gia đình và mục tiêu phát triển sự nghiệp; các yếu tố truyền thống, văn hóa, quan niệm và định kiến giới vẫn còn tồn tại không chỉ từ xã hội, gia đình, của nam giới đối với nữ giới mà còn của chính bản thân phụ nữ. Chủ trương công tác cán bộ nữ chưa được quán triệt và thực hiện đầy đủ trong qui hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt cán bộ; trong quy trình bầu cử chưa có biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới; thiếu cơ chế pháp lý cụ thể ràng buộc việc thực hiện tăng tỷ lệ nữ đại biểu dân cử.
Phó Đại sứ quán Úc Lây - tơn- pai cũng cho rằng, Việt Nam đã có bộ công cụ pháp lý rất mạnh mẽ để thực hiện bình đẳng giới đặc biệt là các mục tiêu trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Nếu đạt được mục tiêu 35% nữ tham gia Quốc hội, HĐND các cấp thì quyền lợi của phụ nữ sẽ được trình bày rõ ràng hơn trên các diễn đàn. “Chúng ta đều biết rằng nếu có sự đại diện đầy đủ của phụ nữ trong chính trị thì không chỉ đạt được các mục tiêu tốt hơn cho phụ nữ bởi phụ nữ mang đến tiến nói riêng đại diện cho giới của họ mà các chính sách được ban hành sẽ công bằng hơn đóng góp cho sự phát triển thịnh vượng, công bằng của Việt Nam”.
Trao đổi tại tọa đàm, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Thị Sâm cho biết, hiện Tuyên quang có 2/6 đại biểu là nữ tham gia đại biểu Quốc hội. Tỷ lệ nữ tham gia HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 -2016 cấp tỉnh 24/58 (41,38%); cấp huyện 87/256 (33,98%); cấp xã 975/3.706 (23,31%). Nữ tham gia cấp ủy : Nhiệm kỳ 2015 -2020 cấp tỉnh 14/51 (27,05%); cấp huyện 58/248 (23,39%); cấp xã 589/1.985 (29,67%). Nữ tham gia lãnh đạo quản lý: Cấp UBND tỉnh Phó chủ tịch 1 đồng chí, lãnh đạo sở, ngành, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể tỉnh 36/157 (22,92%). Cán bộ nữ là đảng viên 16. 663 đồng chí chiếm 35,5% tổng số đảng viên toàn Đảng bộ tỉnh.
Bà Sâm cũng cho rằng, mặc dù là tỉnh dẫn đầu về tỷ lệ cán bộ nữ lãnh đạo, tuy nhiên công tác cán bộ nữ tại Tuyên Quang vẫn còn nhiều hạn chế như: Đội ngũ cán bộ nữ lao động, quản lý chiếm tỷ lệ thấp so với nam giới. Một số cấp ủy, cơ quan sở, ban, ngành chưa nhận thức đúng vai trò, khả năng của cán bộ nữ; nhìn nhận đáng giá còn khắt khe, cầu toàn; thiếu chính sách và biện pháp cụ thể trong chăm lo, bồi dưỡng, sử dụng và đề bạt cán bộ nữ. Công tác quy hoạch, đào tạo, tạo nguồn cán bộ kế cận và đề bạt cán bộ nữ có nơi chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Một bộ phận cán bộ nữ còn tư tưởng an phận, chưa vượt qua được cản trở về gia đình, thiếu ý chí vươn lên trong học tập, công tác…
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm và Phó Đại sứ Úc chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu.
Chia sẻ kết quả nghiên cứu “Rào cản đối với phụ nữ tham gia cơ quan dân cử và một số kiến nghị” T.S Vương Thị Hanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ (CEPEW) cho biết, một trong những rào cản khiến tỷ lệ nữ tham gia vào các cơ quan dân cử vẫn chưa đạt được so với mục tiêu đề ra do phụ nữ gặp nhiều rào cản trong qui trình bầu cử. Cơ cấu thành phần đại biểu với đa số là lãnh đạo chủ chốt đã hạn chế phụ nữ được giới thiệu ứng cử, do có ít nữ giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt. Tỷ lệ đại biểu thuộc khối chính quyền chiếm đa số (50%) song số đại biểu nữ còn ít. Ví dụ: Trong số 88 đại biểu Quốc hội thuộc khối chính quyền ở Trung ương chỉ có 11 nữ (chiếm 12%). Nhiều ứng cử viên nữ được giới thiệu thuộc diện “cơ cấu kết hợp” ảnh hưởng đến chất lượng bầu cử. Chỉ tiêu giới đạt thấp trong hiệp thương: Nữ ứng cử đại biểu Quốc hội 31,3%, nữ ứng cử HĐND tỉnh 30,3%. Nhiều nơi cử tri không đi bầu cử, nhờ người bầu hộ. Không đảm bảo công bằng, bình đẳng trong xắp xếp danh sách những người ứng cử ở các đơn vị bầu cử. Người dân vẫn còn thiên hướng lựa chọn lãnh đạo nữ.
T.S Vương Thị Hanh cho rằng, nhằm đảm bảo tỷ lệ nữ trong các cơ quan dân cử cần tăng trách nhiệm giới của lãnh đạo các bên liên quan trong bầu cử. Phân bổ cụ thể chỉ tiêu nữ cho các cơ cấu, thành phần, bảo đảm đạt tối thiểu 40% ở hiệp thương 1 và 35% ở hiệp thương 3. Đảm bảo chất lượng đại biểu, cần giảm tối đa loại đại biểu “cơ cấu kết hợp”. Khuyến khích phụ nữ tự tin và bồi dưỡng phụ nữ tiềm năng. Đẩy mạnh truyền thông nhằm xóa định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng giới trong bầu cử…
Tại tọa đàm, các đại biểu cho rằng, việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử chính là phấn đấu cho mục tiêu bình đẳng vì phụ nữ chiếm một nửa dân số, nếu tính theo tỷ lệ đại diện thì phụ nữ có thể đạt được một nửa các vị trí quyết sách. Mặt khác, là đại diện cho giới nữ nên nữ đại biểu thường quan tâm nhiều hơn các hoạt động đảm bảo việc lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật, các chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền con người, bình đẳng giới, văn hóa, giáo dục, các vấn đề xã hội và sẽ có những tác động tích cực đến những chính sách có ảnh hưởng tới phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới. Do đó, việc các cấp, các ngành quan tâm thực hiện mục tiêu bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, đặc biệt là mục tiêu tăng tỷ lệ nữ đại diện trong các cơ quan dân cử nhằm tăng ảnh hưởng của phụ nữ đối với việc hoạch định chính sách có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.