THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 03:26

Thúc đẩy hợp tác quốc tế hỗ trợ nạn nhân bom mìn, chất độc hóa học

 

Hơn 2.000 nạn nhân thương vong vì bom, mìn trong 4 năm

Là đất nước trải qua nhiều cuộc chiến tranh,  Việt Nam đã phải hứng chịu hàng triệu tấn bom đạn. Theo báo cáo công bố hiện trạng tồn lưu ô nhiễm bom mìn, vật nổ sau chiến tranh, hiện nay, cả nước còn hơn 6,1 triệu ha còn bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ, chiếm 18,71% diện tích đất cả nước. 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đều được xác định bị ô nhiễm bom mìn, tập trung nhiều nhất là tại các tỉnh miền Trung. Tất cả các loại bom mìn, vật nổ còn sót lại đều rất nguy hiểm và có thể gây nổ khi bị tác động trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt hoặc có thể tự nổ do những nguyên nhân về cơ học, lý học hay hóa học.

 

Toàn cảnh hội thảo.

 

Từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót phát nổ đã làm hơn 40.000 người bị chết, 60.000 người bị thương. Tính riêng trong giai đoạn từ năm 2010 -2014, đã có gần 2.000 nạn nhân thương, vong do bom mìn và vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh phát nổ.

Phát biểu tại Hội thảo , Phó Chánh Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH Lưu Hồng Sơn cho biết, ngay sau khi kết thúc chiến tranh, Đảng, Nhà nước đã xác định việc khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh là nhiệm vụ cấp bách và cũng là nhiệm vụ thường xuyên lâu dài. Chính phủ đã chỉ đạo công tác tập trung rà phá bom mìn, trợ giúp xã hội cho nạn nhận tái hòa nhập cộng đồng, tập trung tuyên truyền, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân. Các công việc này đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, do biến động địa chất thay đổi trong rất nhiều năm qua khiến bom mìn nằm sâu dưới lòng đất, do đó đòi hỏi phải có kỹ năng, đặc biệt là công nghệ hiện đại mới có thể khắc phục hậu quả bom mìn.

Chia sẻ về dự án “Việt Nam - Hàn Quốc khắc phục hậu quả bom mình sau chiến tranh”, đại diện Ban Quản lý dự án này cho biết, đây là dự án được sử dụng vốn ODA do Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ trị giá 20 triệu USD. Dự án được triển khai trong 2 năm từ 2018 -2020 tại Quảng Bình và Bình Định. Mục tiêu dự án, đến năm 2020 dọn sạch bom mìn vật nổ sau chiến cho 8.000 ha đất và 20.000 ha đất được khảo sát tại Quảng Bình, Bình Định; Nâng cao nhận thức về nguy cơ bom mìn và vật liệu nổ sau chiến tranh cho người dân; Hỗ trợ một cách phù hợp cho nạn nhân bom mìn và vật liệu nổ sau chiến tranh.

Cần sự chung tay hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế

Chia sẻ tại Hội thảo ông Trần Cảnh Tùng – Phòng Công tác Xã hội, Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cả nước hiện có khoảng 7,6 triệu người khuyết tật (NKT), tương đương 7,9% tổng dân số. NKT và nạn nhân bom mìn luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm tạo điều kiện hòa nhập xã hội. Tuy nhiên, theo ông Tùng,  hệ thống chính sách đối với NKT còn chưa đồng bộ, dẫn đến các khó khăn, rào cản về tiếp cận dịch vụ trợ giúp xã hội nhất là ở những vùng nông thôn, miền núi.

Phó Tổng Giám đốc VNMAC Đặng Văn Đồng cho biết, thống kê cho thấy, nạn nhân của bom mìn còn sót sau chiến tranh chủ yếu tập trung ở 3 nhóm đối tượng. Đứng đầu là trẻ em, học sinh dưới 16 tuổi. Nhóm tiếp theo là những người chuyên thu lượm, kinh doanh và cưa, đục phế liệu bom mìn để lấy thuốc nổ để bán. Nhóm cuối cùng là những bà con ở vùng sâu vùng xa đi phát nương rẫy dễ gặp bom mìn.

 

Ông Nguyễn Mạnh Cường -Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ LĐ-TB&XH) đánh giá cao sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế đối với nạn nhân bom mìn.


“Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm tới công tác hỗ trợ nạn nhân, nhưng nguồn lực cho công tác còn hạn chế. Trong điều kiện còn khó khăn, Quỹ Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam đã chủ trương hỗ trợ ban đầu tới gia đình nạn nhân bom mìn với mức 3.000.000 đồng/người bị thương và 5 triệu đồng/người tử vong. Ngoài ra, Quỹ còn hỗ trợ sinh kế cho gia đình đối tượng nạn nhân với mức 12.000.000 đồng/nạn nhân. Nguồn kinh phí chủ yếu dựa trên sự kêu gọi các tấm lòng hảo tâm trong xã hội. Bởi vậy, việc kêu gọi sự hỗ trợ của quốc tế cho công tác hỗ trợ nạn nhân là rất cần thiết” – ông Đồng chia sẻ.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Cường -Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, việc khắc phục hậu quả chiến tranh đã được tiến hành hàng chục năm nay nhưng điều đó dường như là chưa đủ bởi còn rất nhiều vùng đất trên đất nước còn bị ảnh hưởng bởi bom mìn và chất độc hóa học sót lại sau chiến tranh. Đây không chỉ là thách thức đối với Việt Nam mà còn là mối quan tấm của cộng đồng quốc tế. Chính vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH chủ trì tổ chức hội nghị này nhằm thúc đẩy và tăng cường hiệu quả trong công tác hỗ trợ nạn nhân chất độc màu da cam và bom mìn sau chiến tranh.

“Hội thảo là dịp để các bên liên quan rà soát lại những việc đã làm được và chưa làm được, đồng thời có sự đánh giá đầy đủ về sự phối hợp giữa Trung ương với địa phương, giữa nhà nước với các tổ chức phi chính phủ, giữa Việt Nam với quốc tế trong thời gian qua để làm tốt hơn trong thời gian tới” - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh.

PHƯƠNG ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh