Phát triển đội ngũ giúp đỡ các nạn nhân bom, mìn tại cộng đồng
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 01:52 - 06/04/2016
Ông Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội
* Với hơn 100.000 nạn nhân của bom, mìn sau chiến tranh, hiện Việt Nam đã có những chính sách hỗ trợ như thế nào đối với các đối tượng này, thưa ông?
- Việt Nam có khoảng 6,7 triệu người khuyết tật (NKT), chiếm 7,8% dân số; trong đó, có nhiều NKT do hậu quả của bom, mìn. Toàn bộ những chính sách trợ giúp cho nạn nhân bom, mìn được lồng ghép trong chính sách, chương trình trợ giúp cho NKT. Chúng ta chưa tách bạch ra đâu là nạn nhân bom, mìn. Quá trình làm việc với Việt Nam, các tổ chức quốc tế cũng đã có những khuyến nghị chúng ta trợ giúp cho nạn nhân bom, mìn nhưng không tách họ ra khỏi cộng đồng NKT mà chính sách chung, chương trình chung nằm trong đó.
Để đảm bảo nạn nhân bom, mìn được trợ giúp, hiện nay Bộ LĐ-TB&XH đang phối hợp các địa phương phát triển hệ thống dịch vụ công tác xã hội và hệ thống phục hồi chức năng ở cộng đồng cho nạn nhân bom, mìn. Đồng thời, phát triển đội ngũ nhân viên công tác xã hội ở cộng đồng để có thể tiếp cận, trao đổi, đánh giá nhu cầu và lập kế hoạch trợ giúp cho nạn nhân bom, mìn tại cộng đồng.
* Phần lớn nạn nhân bom, mìn là lao động chính trong gia đình, vậy công tác hỗ trợ sinh kế cho họ hiện nay ra sao, thưa ông?
- Hiện, Chính phủ đã có những chương trình như Chương trình trợ giúp cho NKT, Chương trình phát triển nghề công tác xã hội, Chương trình khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh... Tuy nhiên, hiện nguồn lực thực sự hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom, mìn đang còn gặp nhiều khó khăn. Hầu hết đều xuất phát từ nguồn bảo đảm an sinh - xã hội của địa phương. Trong khi đó, việc đảm bảo nguồn thu ngân sách của các địa phương hiện cũng còn gặp nhiều khó khăn.
* Vậy chúng ta có cách gì để hỗ trợ sinh kế cho các nạn nhân bom, mìn đảm bảo cuộc sống ?
- Do chưa lập danh sách các nạn nhân bom, mìn nên chưa có đánh giá tổng thể nhu cầu của nạn nhân; xác định nguồn lực hỗ trợ cho nạn nhân, thiếu đội ngũ nhân viên và cộng tác viên trong hỗ trợ nạn nhân như hoạt động công tác xã hội, trị liệu tâm lý, phục hồi chức năng. Ngành cũng chưa có đánh giá và nhân rộng các mô hình hỗ trợ nạn nhân bom, mìn hòa nhập xã hội và tạo việc làm bền vững… Khi có thống kê chính xác số nạn nhân bom, mìn cũng như nhu cầu của họ thì mới có thể có biện pháp hỗ trợ phù hợp, hiệu quả.
Giúp đỡ nạn nhân bom mìn.
Hiện Bộ LĐ-TB&XH đang trình Thủ tướng Chính phủ xây dựng Đề án Cơ sở dữ liệu an sinh xã hội sẽ đặt ra vấn đề xây dựng hệ thống dữ liệu các đối tượng bảo trợ xã hội và những nhóm NKT. Trong đó có các chỉ tiêu xác định các nguyên nhân khuyết tật, từ đó chiết xuất ra được danh sách NKT do bom, mìn. Bên cạnh đó, chúng tôi đang phối hợp Hội hỗ trợ người tàn tật (VNAH), tổ chức Cựu chiến binh Mỹ và một số tổ chức quốc tế đang từng bước triển khai xây dựng thí điểm hệ thống dữ liệu về nạn nhân bom, mìn ở một số địa phương. Đặc biệt là có sự kế thừa phần mềm của VNAH đã được triển khai ở 14 tỉnh, thành phố là thu thập dữ liệu về NKT trong đó có những tiêu chí xác nhận nạn nhân bom, mìn. Chúng tôi đang đánh giá xem những phần mềm đang sử dụng tại Việt Nam, phần mềm nào phù hợp điều kiện Việt Nam có thể áp dụng để từ đó có thể hoàn thiện cung cấp nhân rộng phần mềm này cho các địa phương.
* Việc hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong công tác khắc phục hậu quả bom, mìn ở Việt Nam như thế nào, thưa ông?
- Trong giai đoạn vừa qua các chính sách trợ giúp đối với các nhóm yếu thế, người dân có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục được gia tăng theo khả năng ngân sách của Nhà nước. Tuy nhiên, có những thời điểm chúng ta chưa làm được thì quốc tế đã vào Việt Nam và trợ giúp rất tốt cho các nhóm đối tượng yếu thế trong đó có nạn nhân bom, mìn. Thời gian vừa qua rất nhiều tổ chức quốc tế đã hỗ trợ Việt Nam rất tốt về công tác trợ giúp nạn nhân bom, mìn. Họ đã triển khai những mô hình điểm, cung cấp kiến thức, tài liệu kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật đào tạo cho đội ngũ nhân viên công tác xã hội để có thể triển khai công tác trợ giúp theo những qui trình, các tiêu chuẩn của quốc tế phù hợp với điều kiện Việt Nam. Trên cở sở phối hợp với các đối tác quốc tế, Việt Nam đã từng bước dần hoàn thiện lại những cơ chế chính sách trợ giúp, phát triển hệ thống dịch vụ, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ…
Xin cảm ơn ông!