THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:41

Thừa Thiên Huế: Xúc động ngày gặp mặt các thương bệnh binh tiêu biểu

Sáng 27/2, Sở LĐ – TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự, Hội Cựu chiến binh tỉnh tổ chức chức gặp mặt thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Trong ảnh, ông Nguyễn Dung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại buổi gặp mặt

Tham dự buổi gặp mặt có 46 đại biểu là thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ tiêu biểu có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã tham gia Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc cùng lãnh đạo tỉnh, các cơ quan, ban, ngành.

Theo lãnh đạo Sở LĐ – TB&XH Thừa Thiên Huế, việc tổ chức buổi gặp mặt có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây là dịp đặc biệt thể hiện sự quan tâm, tôn vinh và tri ân sâu sắc công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, các cán bộ, chiến sĩ và đồng bào cả nước ta nói chung, trong đó có những người con của quê hương Thừa Thiên Huế anh hùng trong Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc cách đây 40 năm. 

Tại buổi gặp mặt, các thương bệnh binh, đại diện gia đình liệt sĩ, các đại biểu đã cùng ôn lại những tháng ngày ác liệt, gian khổ nhưng đầy hào hùng trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc. Sự hy sinh, mất mát là vô cùng to lớn. Nhưng chính bản thân các thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình NCC với cách mạng vẫn rất tự hào về những đóng góp xương máu của mình, của người thân đã bảo vệ được sự toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc.

Anh Phạm Bá Trí, con trai liệt sĩ Phạm Bá Hải, xúc động chia sẻ: “Mùa thu năm 1977, bố tôi cùng đồng đội lên đường làm nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc khi tôi chỉ mới 3 Ngày tuổi. Vì vậy, sinh ra và lớn lên tôi chưa một lần được gặp bố mình, hình ảnh về người bố kính yêu luôn in đậm trong tâm khảm của tôi qua những câu chuyện kể của Mẹ.

Làm nhiệm vụ nơi tận cùng miền biên viễn, bao tình cảm, niềm thương nhớ, yêu thương được bố tôi gửi gắm qua những lá thư từ nơi địa đầu của Tổ quốc. Đến khi tôi tròn 4 tháng tuổi, bố tôi mới được đơn vị cho về phép mấy hôm. Bồng con chưa kịp quen hơi thì bố tôi lại khăn gói, khoác ba lô trở về đơn vị. Suốt từ đó đến khi tôi sắp tròn một tuổi rưỡi thì gia đình nhận được giấy báo tử bố tôi đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ biên giới của Tổ quốc….

Còn nhớ ngày thuở nhỏ, cứ mỗi lần tôi hỏi: “Bố con đâu hả mẹ?”. Mẹ tôi lại nén nỗi đau, nghẹn ngào: Bố đang bảo vệ biên cương con à! Nói rồi, mẹ tôi quay đi thật nhanh để giấu những giọt nước mắt. Mãi sau này tôi mới biết, vì Tổ quốc thiêng liêng, bố tôi đã mãi mãi không bao giờ trở về bên tôi nữa...”

“Trong những liệt sĩ hi sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới từ năm 1979, vẫn còn nhiều trường hợp chưa tìm được hài cốt, danh tính,…Tôi thiết tha mong rằng các cấp, các ngành hữu quan tiếp tục quan tâm hơn nữa trong công tác tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt các liệt sĩ đã anh dũng hi sinh trong cuộc chiến vệ quốc vĩ đại ấy, trong đó có bố tôi, nhằm đến đáp công ơn những người đã khuất và an ủi phần nào cho thân nhân của họ sau hơn 40 năm đằng đẵng đợi chờ; đồng thời, tạo niềm tin son sắc cho thế hệ con cháu các anh hùng liệt sĩ vững bước kế tục sự nghiệp của cha, ông trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc hôm nay”, theo lời anh Bá Trí.

Buổi gặp mặt đầy cảm xúc....

và những cái bắt tay thắm tình cảm đồng chí, đồng đội

Ông Hà Văn Tuấn – Giám đốc Sở LĐ – TB&XH Thừa Thiên Huế khẳng định: Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn dành cho thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình NCC với cách mạng sự quan tâm, chăm lo về vật chất và tinh thần với tấm lòng trân trọng, biết ơn sâu sắc và trách nhiệm cao cả. Với trách nhiệm đó, hệ thống chính sách ưu đãi người có công luôn được bổ sung hoàn thiện phù hợp với từng thời kỳ và điều kiện kinh tế của đất nước; phong trào chăm sóc NCC với cách mạng thông qua các chương trình tình nghĩa tiếp tục được duy trì, phát huy, có ý nghĩa chính trị - xã hội và nhân văn sâu sắc.

Theo ông Tuấn, thực hiện Pháp lệnh ưu đãi NCC với các mạng, hiện nay, toàn tỉnh  Thừa Thiên Huế có trên 110.000 hồ sơ người có công. Trong thời gian qua, tỉnh đã triển khai thực hiện tốt chính sách ưu đãi NCC với cách mạng và đạt được nhiều kết quả, đảm bảo việc thực hiện các chế độ ưu đãi đối với NCC và thân nhân  đầy đủ, kịp thời. Đời sống của các gia đình NCC với cách mạng được toàn xã hội quan tâm và từng bước nâng cao. Việc giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận NCC được triển khai quyết liệt, khẩn trương, trách nhiệm.

Bên cạnh đó, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định thông tin bia mộ liệt sĩ, giám định AND để xác định danh tính liệt sĩ được quan tâm thường xuyên. Các nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công cơ bản được xây dựng, nâng cấp, chỉnh trang, chăm sóc chu đáo, trang nghiêm. Nhiều công trình đã trở thành thiết chế văn hóa ở địa phương; phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc NCC với cách mạng đã trở thành hoạt động thường xuyên và sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, mọi cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị xã hội.

Ông Tuấn cũng đề nghị, thời gian tới, các cấp, các ban ngành, đoàn thể trong toàn tỉnh cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng hơn nữa chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, NCC với cách mạng.

Tập trung chăm lo các gia đình NCC với cách mạng có hoàn cảnh khó khăn, NCC hiện đang sống cô đơn, không nơi nương tựa, các gia đình NCC vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng trước đây, phấn đấu không để hộ NCC thuộc diện hộ nghèo,..

Ưu tiên, ưu đãi, khuyến khích, tạo cơ chế tốt nhất về lao động, việc làm cho NCC với cách mạng và gia đình NCC. Chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho con em NCC, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của gia đình NCC.

Lãnh đạo Tỉnh ủy và Sở LĐ - TB&XH Thừa Thiên Huế trao quà cho các thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ tiêu biểu

Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Nguyễn Dung – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế không tránh khỏi tâm trạng xúc động khi chính bản thân ông cũng là một trong những người lính làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Bắc trong những tháng ngày ác liệt ấy. Ông cho rằng bản thân mình đã may mắn hơn rất nhiều những đồng đội khác, khi họ đã mất đi một phần thân thể hoặc những người đã mãi nằm lại nơi chiến trường khốc liệt, mãi mãi không thể trở về với người thân và gia đình được nữa. Với cương vị là Phó Chủ tịch UBND tỉnh và được giao phụ trách lĩnh vực thương binh – liệt sĩ, NCC với cách mạng, ông Dung hứa sẽ làm hết sức mình, cùng với các cấp, các ngành chăm lo tốt hơn nữa đời sống thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, NCC. “Sự hy sinh, mất mát là vô cùng to lớn và không có gì có thể bù đắp được. Song tôi mong rằng, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các chính sách, pháp lệnh ưu đãi NCC cũng như sự chung tay của toàn xã hội trong việc chăm lo đời sống của thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, NCCC với cách mạng sẽ làm vơi đi, bù đắp phần nào những mất mát ấy”, ông Dung nhấn mạnh.

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh