CHỦ NHẬT, NGÀY 24 THÁNG 11 NĂM 2024 11:09

Thừa Thiên - Huế xử phạt Công ty cổ phần Cảng Chân Mây liên quan chất thải nguy hại

Một góc cảng Chân Mây

Một góc cảng Chân Mây

Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Thừa Thiên Huế, Thanh tra Sở này vừa có kết luận thanh tra và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Cảng Chân Mây (thôn An Bình, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc) liên quan lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Cụ thể, quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 01/QĐ-XPHC do ông Phan Văn Đáng - Chánh Thanh tra Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế ký ban hành ngày 27/3/2023. 

Theo Thanh tra Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế, Công ty cổ phần Cảng Chân Mây đã có các hành vi vi phạm tại các Dự án đầu tư bến số 1, bến số 2 và đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ mở rộng kho bãi bến số 1 - Cảng Chân Mây giai đoạn 2020 - 2022.

Công ty cổ phần Cảng Chân Mây đã có hành vi để lẫn dưới 10% khối lượng chất thải nguy hại vào chất thải rắn thông thường. Đối với hành vi này, Thanh tra Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế xử phạt Công ty cổ phần Cảng Chân Mây 20 triệu đồng.

Chánh Thanh tra Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế cũng xử phạt hành chính số tiền 7 triệu đồng đối với Công ty cổ phần Cảng Chân Mây do đơn vị không thực hiện kê khai phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước theo quy định.

Trước đó, Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Đoàn thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với Công ty cổ phần Cảng Chân Mây. Kết luận Thanh tra cho biết, Công ty cổ phần Cảng Chân Mây đã được cấp Sổ đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại, với tổng khối lượng 8 loại chất thải nguy hại phát sinh thường xuyên là 533,5kg/năm. Hiện tại, Công ty không tiếp nhận nước thải tàu nên thực tế không phát sinh nước la canh như nội dung kê khai đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại.

Chất thải rắn nguy hại tại Cảng Chân Mây chủ yếu phát sinh từ xưởng cơ khí như que hàn thải, các thùng cứng nhiễm thành phần nguy hại, dầu mỡ thải, giẻ lau nhiễm thành phần nguy hại… Các loại chất thải này được lưu giữ tại kho giữ tạm thời chất thải nguy hại và được Công ty Cổ phần Cảng Chân Mây chuyển giao cho Công ty Cổ phần Cơ - Điện - Môi trường Lilama vận chuyển, xử lý. Từ năm 2020 đến 2022, Cảng Chân Mây chuyển giao xử lý 5 đợt, với tổng khối lượng 1.304kg.

Qua kiểm tra, Đoàn thanh tra phát hiện Công ty Cổ phần Chân Mây chưa thu gom triệt để các loại chất thải nguy hại để đưa vào kho lưu giữ. Tại khu vực xuồng chứa rác thải rắn thông thường, chất thải nguy hại (các vật dính dầu, mỡ thải) còn để lẫn vào rác thải sinh hoạt, tỷ lệ dưới 10% so với tổng lượng chất thải, gây nguy cơ dính chất thải nguy hại sang các chất thải khác, đặc biệt khi mưa do xuồng rác này được đặt ngoài trời.

Ngoài ra, Cảng Chân Mây còn phát sinh chất thải từ quá trình hoạt động sản xuất, chế biến của Công ty TNHH MTV Thực phẩm An Long nhưng chưa được Công ty quản lý về vấn đề môi trường; đồng thời, hoạt động của cơ sở sản xuất, chế biến này cũng không có trong nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM).

Công ty cổ phần Cảng Chân Mây cũng chưa bố trí các bồn chứa để chứa nước thải tàu; bãi chứa hàng rời chưa được xây dựng theo dạng kho như nội dung báo cáo ĐTM; cho thuê nhà xưởng để đơn vị thứ cấp (Công ty TNHH MTV Thực phẩm An Long) thực hiện sản xuất trong khu vực cảng chưa đúng các nội dung trong báo cáo ĐTM.

Đoàn Thanh tra cũng chỉ ra rằng, các bãi than tại Cảng Chân Mây không che chắn (tường bao quanh chỉ cao khoảng 1,5m, trong khi các bãi than cao từ 5 - 7m). Tại khu bãi tập kết than không có hệ thống thu gom nước mưa chảy tràn bao quanh và dẫn nước về hệ thống xử lý nước thải tập trung; không xây dựng dạng kho có mái, tường bao che như báo cáo ĐTM nên dễ phát sinh bụi than, nước chảy tràn cuốn theo than ra môi trường. Loại than tại bãi là than cám nên dễ phát sinh bụi vào mùa khô. Hiện trạng cho thấy các khu vực cảng số 1 đều nhiễm bụi than, nguy cơ kéo theo nước chảy tràn vào hệ thống thoát nước mưa, theo độ dốc địa hình chảy vào môi trường đất, nước tại mặt vịnh Chân Mây.

Càng còn có 2 điểm xả nước chảy tràn ra nước biển ven bờ của vịnh Chân Mây. Nước thải vệ sinh cơ sở có nguy cơ vượt quy chuẩn nước thải trong trường hợp phát sinh nước chảy tràn cuốn theo bụi than và các chất ô nhiễm bề mặt khi chưa được vệ sinh, thu gom triệt để.

Đối với dăm gỗ, Công ty sử dụng băng tải kín để vận chuyển từ bến lên tàu. Tuy nhiên còn phát sinh bụi dăm gỗ tại các đoạn chuyển tiếp băng tải và các lỗ thủng thành bao che băng tải do xuống cấp, hư hỏng.

Được sự đồng ý của Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế về việc cung cấp thông tin báo chí, Thanh tra viên phụ trách cho biết, sau khi quá trình thanh tra tại Công ty Cổ phần Cảng Chân Mây hoàn tất, Đoàn thanh tra đã có báo cáo lãnh đạo Sở. Đến ngày 7/3/2023, ông Hồ Đắc Trường - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế đã ký ban hành Kết luận thanh tra về việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với Công ty Cổ phần Cảng Chân Mây. Sau đó, Sở này đã tổ chức công bố kết luận thanh tra, đồng thời xem xét các quy định để ban hành quyết định xử phạt hành chính.

Theo ông Huỳnh Văn Toàn - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cảng Chân Mây, đơn vị chưa nhận được Kết luận thanh tra cũng như quyết định xử phạt của Thanh tra Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế nên chưa nắm hết nội dung.

CAO TIẾN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh