Thừa Thiên Huế phát triển tuyến container tại cảng Chân Mây, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động
- Huyệt vị
- 17:56 - 08/10/2022
Cảng biển đầu tiên ở khu vực Bắc Trung bộ làm hàng container
Tại hội nghị, Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế đã công bố quyết định về việc cho phép cảng Chân Mây tiếp nhận tàu và làm hàng container tại cầu cảng số 2. Đây là cảng biển đầu tiên ở khu vực Bắc Trung bộ đủ điều kiện để tiếp nhận và làm hàng container.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Cảng biển Thừa Thiên Huế được xác định là cảng biển loại I; trong đó khu bến Chân Mây gồm các bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng/khí, kết hợp tiếp nhận tàu khách quốc tế, phục vụ trực tiếp Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và khu vực lân cận, kết hợp tiếp chuyển hàng cho Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Đông Bắc Vương Quốc Thái Lan; tiếp nhận tàu hàng trọng tải đến 70.000 tấn, tàu container sức chở đến 4.000 TEU hoặc lớn hơn, tàu khách quốc tế đến 225.000 GT, tàu hàng lỏng/khí trọng tải đến 150.000 tấn.
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, xu thế phát triển vận tải hàng hóa nội địa và quốc tế hiện nay đang chuyển hướng từ vận chuyển các mặt hàng rời sang vận chuyển hàng hóa đóng container, do phương thức này có nhiều ưu điểm (giảm chi phí, hiện đại hóa cơ sở vật chất, kĩ thuật, năng suất lao động tăng...). Việc phát triển cảng Chân Mây, đặc biệt là thu hút các hãng tàu container làm hàng tại cảng Chân Mây là điều kiện tiên quyết để phát triển công nghiệp của tỉnh Thừa Thiên Huế và khu vực miền Trung.
Theo ông Phương, năm 2022, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành nghị quyết về thí điểm một số chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây tỉnh Thừa Thiên Huế.
“Hy vọng rằng, với điều kiện cơ sở hạ tầng đã được đầu tư, sự quan tâm ủng hộ của Bộ, ngành Trung ương, chính sách thu hút tàu container của tỉnh, sẽ có nhiều hãng tàu container đến làm hàng tại cảng Chân Mây; có nhiều doanh nghiệp trong nước, cũng như nước ngoài đến đầu tư kinh doanh, gia tăng lượng hàng hóa qua cảng Chân Mây, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Về phần mình, tỉnh Thừa Thiên Huế cam kết sẽ luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp cùng tháo gỡ khó khăn,vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư; tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh theo hướng thông thoáng, chuyên nghiệp để xứng đáng là địa chỉ tin cậy, hấp dẫn chocác nhà đầu tư”, ông Phương nhấn mạnh.
Vì sao doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư tuyến container tại Chân Mây?
Ông Lê Chí Phai, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Chân Mây cho biết, hiện nay cảng Chân Mây đã được đầu tư xây dựng thêm Bến số 2 với cầu tàu dài 280m, hướng định vị sản phẩm phát triển dịch vụ hàng container. Hầu hết các doanh nghiệp đều rất ủng hộ và kỳ vọng cảng Chân Mây sớm triển khai dịch vụ container, mở line định tuyến để rút ngắn thời gian vận chuyển, giảm thiểu chi phí logistics. Ước tính tiết kiệm cho khách hàng khoảng 70 USD mỗi lượt khứ hồi.
“Muốn thực hiện và làm được hàng container thì chúng ta cần phải có định hướng, các chính sách ưu đãi dài hạn, sự đầu tư đồng bộ cũng như vai trò ‘nhạc trưởng’ của Nhà nước là rất quan trọng. Phải xác định rằng ngay bây giờ và không thể muộn hơn. Khi tuyến container được hình thành và duy trì tại Chân Mây sẽ tạo động lực trong việc thu hút đầu tư, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, góp phần tăng nguồn thu, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và khu vực miền Trung”, ông Phai đề xuất.
Đại diện Tập đoàn Western Pacific cho biết, hiện nay, sức hút đầu tư cảng biển nước sâu tại khu vực miền Trung là rất lớn trong đó có cảng biển Thừa Thiên Huế. Có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến các bến cảng thuộc khu vực Cảng nước sâu Chân Mây; cụ thể bến 4, 5, 6, đều đã có các nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu đầu tư với các dự án cụ thể. Western Pacific Group đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho phép khảo sát, nghiên cứu đầu tư Dự án KCN phức hợp quy mô khoảng 305ha và Dự án cảng nước sâu Chân Mây, trung tâm logistics quy mô khoảng 307ha trong Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.
Western Pacific Group đề xuất tỉnh Thừa Thiên Huế mở rộng quỹ đất KCN ngay chính phía hậu cảng Chân Mây để xây dựng mô hình LIC hướng tới tính tương hỗ phát triển giữa cảng biển - Khu công nghiệp - Trung tâm logistics.
Hội nghị cũng đã nhận được nhiều tham luận, ý kiến phát biểu trực tiếp của đại diện các doanh nghiệp trong và ngoài nước, thể hiện sự quan tâm đến việc phát triển tuyến container, dịch vụ logistics tại cảng Chân Mây.
“Chúng tôi đầu tư vào Thừa Thiên Huế từ năm 2005 và Công ty rất mong muốn có cảng tàu container để phục vụ việc xuất nhập khẩu hàng hoá. Doanh nghiệp cam kết ưu tiên tối đa sản lượng hàng hoá xuất khẩu qua cảng Chân Mây, đồng thời đứng ra làm đầu mối liên kết các đơn vị cùng ngành nghề, khuyến khíc sử dụng, trung chuyển hàng hoá qua cảng Chân Mây”, ông Nguyễn Xuân Linh - Giám đốc Tập đoàn Scavi Huế khẳng định.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đề xuất tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển cảng Chân Mây thành cảng trung chuyển quốc tế, nhằm thu hút các hãng tàu trong Top 10. Để đạt mục tiêu đó, cảng Chân Mây cần phải nâng cao năng lực tiếp nhận hàng hoá thông qua đầu tư bến mới. Áp dụng phương thức quản trị doanh nghiệp, quản trị cảng biển tiên tiến tại cảng. Tăng cường liên kết với các hãng tàu để mở rộng tập khách hàng. Cần đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, quảng bá hình ảnh, kết nối khách hàng qua các kênh khác nhau, trong đó kênh chính quyền đóng vai trò hỗ trợ quan trọng.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang cho rằng, việc đầu tư phát triển tuyến container và thu hút các hãng tàu đến làm hàng container tại cảng Chân Mây là chủ trương phù hợp với xu thế hiện nay và rất quan trọng không chỉ với tỉnh Thừa Thiên Huế mà cả khu vực miền Trung.
Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang lưu ý, hiện nay rất nhiều tỉnh, thành có chủ trương, chính sách để phát triển tuyến container, trung tâm logistics và đã thành công. Ông Sang đặt vấn đề, cảng biển nước sâu Chân Mây có rất nhiều tiềm năng, nhưng tại sao sao chưa có hãng tàu nào quan tâm vào đầu tư mở tuyến tàu hàng container tại cảng Chân Mây?
Ông Sang đề nghị, tỉnh Thừa Thiên Huế phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, Trung ương, có các chủ trương, chính sách để khuyến khích, thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vào đầu tư. Cảng Chân Mây cần tiếp tục kêu gọi đầu tư để hoàn thiện hạ tầng các cầu cảng mới cũng như xây dựng, hình thành trung tâm logistics về kho bãi. Qua đó, nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh để tận dụng lợi thế vị trí của cảng nước sâu này. Các công ty hàng hải, các công ty làm trong lĩnh vực logistics sớm đầu tư dịch vụ logistics tại Chân Mây, đầu tư xây dựng trung tâm logistics, đảm bảo cung cấp các dịch vụ ICD, xếp dỡ, lưu kho bãi, bảo quản hàng hóa; dịch vụ hải quan, dịch vụ logistics trọn gói,…
Dịp này, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Bến số 4 và số 5 cảng Chân Mây; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 4 dự án và 8 văn bản chủ trương nghiên cứu đầu tư tại tỉnh Thừa Thiên Huế cho các doanh nghiệp.