THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:54

Thừa Thiên Huế thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để giải quyết việc làm cho người lao động

Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế làm việc với các Sở, ngành, địa phương và các doanh nghiệp về công tác giải quyết việc làm cho người lao động

Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế làm việc với các Sở, ngành, địa phương và các doanh nghiệp về công tác giải quyết việc làm cho người lao động

Theo thống kê của Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Thừa Thiên Huế, đến nay toàn tỉnh có 25.160 người trong độ tuổi lao động trở về địa phương, chủ yếu lao động tập trung các ngành: dệt may chiếm, xây dựng, dịch vụ chiếm, nông, lâm, thủy sản chiếm; vận tải kho bãi và một số ngành nghề khác. Số lao động có nhu cầu học nghề là 1.431 lao động; có nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm 4.618 lao động; nhu cầu giới thiệu việc làm 9.791 lao động; nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 342 lao động.

Trong thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều chủ trương, Kế hoạch, đồng thời quyết chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện triển khai các giải pháp hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề cho lao động từ các tỉnh, thành phố khác trở về địa phương do ảnh hưởng dịch COVID-19. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thừa Thiên Huế đã phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và các địa phương tăng cường kết nối cung cầu lao động, kịp thời cung cấp các thông tin về thị trường lao động để hỗ trợ, tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động; thường xuyên thông báo nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp đến với người lao động, tổ chức rà soát, nắm bắt trình độ, tay nghề của người lao động để thông báo, cung cấp cho các doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng; tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận thông tin thị trường lao động để lựa chọn việc làm phù hợp.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thừa Thiên Huế cũng tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến, lưu động để kết nối người lao động với doanh nghiệp. Hiện nay, công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho 9.791 lao động có nhu cầu tìm việc làm được xác định là rất cấp thiết. Theo thống kê, những tháng cuối năm 2021, có 38 đơn vị trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có nhu cầu tuyển dụng, với 8.277 vị trí việc làm (đa số ngành dệt may).

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã giao các Sở, ngành, đơn vị có có liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động; trong đó phải có chính sách ưu tiên đối với người lao động từ các tỉnh, thành khác về địa phương do ảnh hưởng dịch COVID-19,…

Thừa Thiên Huế thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để giải quyết việc làm cho người lao động - Ảnh 2.

Thừa Thiên Huế thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tạo công ăn việc làm cho người lao động

Tại buổi họp, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các địa phương phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm, chủ động vào cuộc, có các giải pháp kịp thời giải quyết việc làm cho người lao động. Ông Bình yêu cầu Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh tham mưu giải pháp để giải quyết việc làm cho người dân, tạo nguồn lao động cho tỉnh. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị các Sở, ngành liên quan phải có sự đổi mới, chủ động, có cách tiếp cận mới, tư duy mới trong công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ. Cần phân tích cụ thể các vướng mắc, có các giải pháp kịp thời đảm bảo việc kết nối giữa cung và cầu lao động một cách cụ thể.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế lưu ý, những thông tin về cơ chế, chính sách của Nhà nước phải được đưa kịp thời đến với các đơn vị có liên quan, các doanh nghiệp và người dân. Công tác thông tin tuyên truyền phải thực hiện hiệu quả, thực tế, thiết thực hơn, đặc biệt là phải giúp người dân dễ dàng tiếp cận. Thời gian tới cần nghiên cứu xây dựng một kênh thống nhất trong tuyên truyền về công tác việc làm - lao động, có đầy đủ thông tin - dữ liệu để phục cho cả công tác điều hành của tỉnh và quản lý của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội cũng như việc tiếp cận, tương tác của người dân, doanh nghiệp.

Đối với địa phương, ông Nguyễn Thanh Bình yêu cầu thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội để tạo thêm việc làm cho người lao động; quan tâm các mô hình sinh kế, nhất là các dự án đã có định hướng phát triển để thu hút người lao động. Phối hợp với các ngành liên quan giới thiệu việc làm tại chỗ thông qua các ngành nghề truyền thống, các ngành nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp giúp người lao động giải quyết việc làm tăng thêm thu nhập. Xây dựng kế hoạch đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động, thực hiện có hiệu quả các chính sách về đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương, ưu tiên chuyển đổi nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho những lao động có nhu cầu. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 theo các chính sách của Trung ương và của tỉnh.

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh