Thừa Thiên Huế: Thúc đẩy tiến độ hỗ trợ lao động gặp khó khăn do COVID-19
- Dược liệu
- 16:14 - 21/09/2021
- Thừa Thiên Huế: Hỗ trợ 1 triệu đồng cho mỗi gia đình đang làm ăn sinh sống ở các tỉnh, thành khác gặp khó khăn do đại dịch COVID-19
- Thừa Thiên Huế hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề cho lao động trở về từ vùng dịch
- Thừa Thiên Huế: Sớm kết nối, giải quyết việc làm cho người lao động trở về từ vùng dịch
- Thừa Thiên Huế: Nhiều chính sách hỗ người dân gặp khó khăn do COVID-19
Theo ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế, thực hiện Nghị quyết 68 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do COVID-19, đến nay tỉnh đã hỗ trợ cho 114.475 người với tổng kinh phí 41,42 tỷ đồng. Cụ thể, hỗ trợ từ nguồn Bảo hiểm xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội là 113.387 người, với kinh phí 37,62 tỷ đồng; nguồn ngân sách Trung ương (60%) và tỉnh (40%): 1088 người, với kinh phí 3,8 tỷ đồng.
Đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác gặp khó khăn, ngày 26/8 vừa qua, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã ban hành Nghị quyết số 84 Quy định phân cấp nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ. Sau đó, UBND tỉnh Thùa Thiên Huế cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện và gửi đến các cấp, các ngành trên địa bàn để thực hiện. Tổng kinh phí để thực hiện hỗ trợ dự kiến khoảng 45 tỷ đồng.
Theo đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao nhiệm vụ cho các Sở, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ triển khai thực hiện Nghị quyết đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, thời gian, không để xảy ra tình trạng lợi dụng, trục lợi chính sách, tham nhũng, tiêu cực. Thời gian tiếp nhận hồ sơ và hoàn thành chi trả hỗ trợ cho đối tượng lao động tự do phải xong trước 31/12/2021; với đối tượng đặc thù là trước ngày 31/10/2021.
Theo báo cáo của các địa phương tại cuộc họp, đa số mới chỉ dừng lại ở số liệu thống kê sơ bộ của cơ quan chức năng; còn thực tế chưa có lao động tự do nào nộp hồ sơ và được hỗ trợ theo quy định. Một số địa phương thậm chí còn lúng túng trong việc xác định đối tượng hỗ trợ dù Ban chỉ đạo cấp tỉnh đã có văn bản hướng dẫn rất cụ thể, chi tiết.
Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng có chủ trương hỗ trợ 1 triệu đồng cho mỗi gia đình đang làm ăn sinh sống ở các tỉnh, thành khác (đang áp dụng thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch) gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Kinh phí hỗ trợ từ nguồn kêu gọi xã hội hoá và một phần ngân sách nhà nước. Thừa Thiên Huế dự kiến sẽ hỗ trợ đợt 1 cho khoảng 15.000 đối tượng; việc thực hiện phải xong trước ngày 31/12/2021.
Theo đại diện lãnh đạo Mặt trận TQVN tỉnh Thừa Thiên Huế, đến nay có khoảng 145.000 đối tượng đăng ký hỗ trợ. Tuy nhiên, qua rà soát, kiểm tra, số đối tượng đủ điều kiện để hỗ trợ là 12.689 người, đã hỗ trợ cho 4.419 người. Từ nay đến 31/10, dự báo nguồn kinh phí huy động xã hội hoá toàn tỉnh tối đa được khoảng 10 tỷ đồng (đã huy động được 8 tỷ đồng). Như vậy sẽ thiếu khoảng 5 tỷ đồng để hỗ trợ theo dự kiến đợt 1; đồng thời các địa phương cũng báo cáo khó hỗ trợ được hết vì số lượng đăng ký lớn, trong khi nguồn kinh phí hạn hẹp.
Trước báo cáo và những kiến nghị của các địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình đề nghị các cấp, các ngành cần quan tâm chỉ đạo, tích cực triển khai hỗ trợ người dân, thực hiện đúng tiến độ theo thời gian mà các nghị quyết đã quy định.
"Các nhóm đối tượng từ số 1 đến 11 theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23 đã rất rõ ràng nên các địa phương cần nhanh chóng triển khai hỗ trợ, có hồ sơ nào phải rà soát, kiểm tra, thẩm định ngay để trình cấp có thẩm quyền ban hành quyết định hỗ trợ. Đối với lao động tự do và các đối tượng đặc thù, các địa phương cũng phải chủ động triển khai tiếp nhận hồ sơ. Đồng thời, phát huy vai trò của thôn bản, tổ dân phố, các tổ chức, đoàn thể trong giám sát thực hiện. Tinh thần là phải hết sức trách nhiệm, công bằng, chặt chẽ, không để xảy ra khiếu nại, khiến kiện liên quan đến chính sách", ông Bình yêu cầu.
Về quy trình, ông Bình đề nghị ngành LĐ-TB&XH rà soát lại để tham mưu rút ngắn thời gian tiếp nhận, thẩm định hồ sơ để làm sao người dân được hỗ trợ sớm nhất. Cần có biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đăng ký, khuyến khích người dân đăng ký hỗ trợ thông qua ứng dụng HueS; đồng thời cần linh hoạt hình thức chi trả, trong đó đẩy mạnh thực hiện chi trả không dùng tiền mặt…
Đối với chủ trương hỗ trợ người lao động Thừa Thiên Huế tại các tỉnh, thành khác gặp khó khăn do COVID-19, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tạm chia ra làm 2 nhóm. Đối với nhóm đã trở về địa phương, trong đó có khoảng 25.000 người có nhu cầu việc làm, học nghề, ông Bình đề nghị ngành LĐ-TB&XH chủ động kết nối với địa phương, doanh nghiệp để giải quyết việc làm, hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề sớm cho người dân, bảo đảm an sinh xã hội. Đối với những người còn mắc kẹt hoặc chưa trở về thì cần nắm chắc con số, chủ động xác định hình thức và nhanh chóng hỗ trợ để giúp bà con vượt qua giai đoạn khó khăn này. Nguyên tắc là có đến đâu, hỗ trợ đến đó và theo thứ tự ưu tiên những người thật sự khó khăn trước.