Thừa Thiên Huế: Nhiều giải pháp thực hiện quản lý lao động tại các khu kinh tế, công nghiệp
- Bài thuốc hay
- 06:41 - 08/09/2022
Theo báo cáo Hội nghị, trong 2 năm 2020 và 2021, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế cùng Ban quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh đã triển khai thực hiện 12 nội dung liên quan công tác quản lý Nhà nước về lao động tại các khu kinh tế, công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, 2 đơn vị đã phối hợp triển khai các nội dung về: Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật lao động; đăng ký nội quy lao động, tiếp nhận thỏa ước lao động tập thể của các doanh nghiệp trong khu kinh tế, khu công nghiệp; quản lý việc sử dụng lao động nước ngoài, cấp giấy phép lao động và giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động đối với lao động người nước ngoài trên địa bàn tỉnh; phối hợp giải quyết tranh chấp lao động, ngừng việc; trao đổi thông tin, báo cáo; kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện pháp luật về lao động của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu kinh tế.
Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế và Ban quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh cũng đã phối hợp xây dựng, tổ chức các chương trình, hoạt động về lao động việc làm, Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động… chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện chương trình đã xây dựng; thống kê, dự báo nhu cầu việc làm theo từng năm và từng giai đoạn phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế; xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng kịp thời yêu cầu tuyển dụng lao động cho các doanh nghiệp trong thời gian tới; phối hợp báo cáo tình hình triển khai các giải pháp hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề cho lao động từ các tỉnh, thành phố khác trở về địa phương do ảnh hưởng dịch COVID-19; tổ chức Hội nghị đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025; xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo, tuyển dụng đồng thời chỉ đạo các cơ sở GDNN chuẩn bị cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, đội ngũ nhà giáo để tham gia đào tạo; phối hợp hướng dẫn và ký kết hợp đồng thực hiện đào tạo cho các doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp, khu kinh tế đối với những khóa đào tạo được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước.
Theo đánh giá, Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế và Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã thường xuyên, định kỳ phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin cũng như phối hợp trong các hoạt động kiểm tra việc chấp hành pháp luật về lao động tại doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn khu kinh tế và các khu công nghiệp.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lao động, việc làm, hỗ trợ đào tạo nghề, phát triển kỹ năng cho người lao động và hỗ trợ doanh nghiệp tạo nguồn, cung ứng nhân lực đáp ứng sản xuất, kinh doanh, phát triển các ngành công nghiệp được quy định chặt chẽ và triển khai đến doanh nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều nắm rõ các quy định pháp luật về hỗ trợ đào tạo và tuyển dụng lao động.
Các sở, ban, ngành của tỉnh đã quan tâm chỉ đạo kịp thời, hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn, kết nối thông tin giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp về nhu cầu nhân lực, phát triển mạnh sàn giao dịch việc làm có sự kết nối giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác phối hợp của 2 đơn vị vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến việc thực hiện quy định pháp luật lao động; công tác quản lý lao động nước ngoài trên địa bàn còn khó khăn, vướng mắc; công tác đào tạo nghề còn nhiều hạn chế, bất cập. Trên thực tế, nhiều lao động sau khi đào tạo không đáp ứng được tay nghề của các doanh nghiệp…
Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được cũng như khắc phục các điểm còn tồn tại, hạn chế, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế cùng Ban quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh cũng đã thống nhất đề ra 7 phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thực hiện trong năm 2022.