THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 08:02

Thừa Thiên Huế: Cần giải pháp cụ thể xoá nhà tạm, giải quyết việc làm giúp người dân thoát nghèo

Hỗ trợ hộ nghèo tại Thừa Thiên Huế xoá nhà tạm

Hỗ trợ hộ nghèo tại Thừa Thiên Huế xoá nhà tạm

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, đến nay, đơn vị đã xây dựng, trình BCĐ giảm nghèo bền vững Kế hoạch phân bổ chỉ tiêu giảm nghèo từng năm cho các địa phương. Tổng số hộ nghèo giảm trong kỳ là 9.556 hộ, bình quân hằng năm giảm gần 2.389 hộ/năm. Mức giảm tỷ lệ cả kỳ là 3,09%, bình quân giảm trên 0,77%/năm.

Trên cơ sở kế hoạch phân bổ của tỉnh, các địa phương thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng kế hoạch phân bổ tỷ lệ hộ nghèo từng năm cho cấp xã trên địa bàn. Trong năm 2022, các địa phương xây dựng kế hoạch giảm 3.004 hộ, giảm nhiều hơn so với kế hoạch tỉnh giao là 2.315 hộ.

Cùng với việc chỉ đạo phân bổ chỉ tiêu giảm nghèo từng năm cho cấp xã trên địa bàn, cấp ủy, UBND cấp huyện đã thành lập BCĐ giảm nghèo của địa phương. BCĐ giảm nghèo cấp huyện có sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể liên quan đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành để hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh cung cấp thông tin cơ sở dữ liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021, cung cấp mẫu phương án thoát nghèo, các nội dung rà soát theo phương án, cùng phối hợp thực hiện nội dung thông tin rà soát trên phần mềm; cung cấp danh sách 4.903 hộ nghèo không có khả năng lao động để Ban Dân vận Tỉnh uỷ xây dựng kế hoạch phát động phong trào “Dòng họ không có hộ nghèo”; cung cấp 487 hộ nghèo người có công cách mạng để Hội Chữ thập đỏ tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện Địa chỉ nhân đạo.

Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập huấn hướng dẫn các địa phương rà soát, nắm lại thông tin hộ nghèo, đánh giá lại hiện trạng hộ nghèo, thống kê nguyện vọng về việc làm để làm căn cứ xác định nhu cầu đào tạo nghề, tạo việc làm và xây dựng phương án thoát nghèo.

Đồng thời, phối hợp với các địa phương, cơ sở GDNN, doanh nghiệp để giúp hỗ trợ người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo học nghề, tìm kiếm việc làm và đi lao động nước ngoài theo hợp đồng, có thu nhập ổn định để thoát nghèo. 

Về công tác hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, qua rà soát, đánh giá lại thực trạng, nhu cầu nhà ở của hộ nghèo tại tỉnh Thừa Thiên Huế là 3.314 nhà, trong đó A Lưới là địa phương có số lượng nhiều nhất, với 2.181 nhà đã có quyết định phê duyệt của UBND huyện. 

Năm 2022, nhu cầu hỗ trợ xóa nhà tạm của hộ nghèo tại Thừa Thiên Huế là 887 nhà. Hiện nay, 2 huyện Phú Lộc và Nam Đông đã huy động 10 tỷ đồng để thực hiện. Trong 6 tháng đầu năm 2022, các địa phương đã tập trung huy động mọi nguồn lực từ doanh nghiệp, đoàn thể, tổ chức, cá nhân và toàn xã hội để thực hiện công tác hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo. 

Về phân bổ nguồn vốn giai đoạn 2021-2025 và năm 2022, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã trình HĐND tỉnh đề nghị xây dựng Nghị quyết quy định cơ chế lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác; bố trí ngân sách trung ương và đảm bảo tỷ lệ đối ứng của ngân sách địa phương cho các nội dung, tiểu dự án, dự án thành phần theo quy định. Tổng kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025 là 453.806 triệu đồng, trong đó: Nguồn trung ương 394.614 triệu đồng; nguồn địa phương 59.192 triệu đồng. Kinh phí  thực hiện năm 2022 là 156.354 triệu đồng.

Đối với nguồn vốn sự nghiệp, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng sẽ ban hành Nghị quyết với tổng số vốn là 48.844 triệu đồng.

Cũng theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế, trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đã bộc lộ một số khó khăn, hạn chế. Đó là do khối lượng công việc quá nhiều, địa phương, cơ sở thiếu người nên dẫn đến công việc còn có lúc chậm. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành cấp huyện và xã trong việc triển khai công tác giảm nghèo có lúc, có nơi chưa đồng bộ. Việc xác định nguyên nhân nghèo còn chưa chính xác, dẫn đến việc đề xuất các giải pháp hỗ trợ còn chậm, khó thực hiện. Việc lựa chọn một mô hình phù hợp với người nghèo để giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo còn khó khăn do điều kiện từng vùng và tập quán khác nhau. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ mới tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ, khắc phục khó khăn trước mắt, việc tạo sinh kế để giảm nghèo bền vững còn hạn chế. 

Một bộ phận hộ nghèo thuộc diện cao tuổi, không có khả năng lao động nên khó khăn trong việc triển khai các giải pháp thoát nghèo. Một bộ phận hộ nghèo vẫn còn trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, chưa ý thức và nỗ lực tự vươn lên thoát nghèo. Ngân sách hỗ trợ và các nguồn lực huy động hỗ trợ hộ nghèo vẫn còn hạn chế, việc triển khai nguồn vốn vẫn còn chậm.

Hỗ trợ giải quyết việc làm để người dân thoát nghèo

Hỗ trợ giải quyết việc làm để người dân thoát nghèo

Nhằm soát xét việc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, chiều 31/8, ông Phan Ngọc Thọ - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế đã có buổi làm việc với các thành viên BCĐ giảm nghèo bền vững tỉnh giai đoạn 2021 – 2025.

Tại buổi làm việc, ông Thọ cho rằng đã đến lúc các địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế phải xác định, hàng tháng, hàng quý có bao nhiêu hộ đã thoát nghèo, bao nhiêu người có việc làm, tăng thu nhập. Các địa phương cần tập trung rà soát, điều chỉnh nếu thấy sự bất hợp lý trong số liệu về hộ nghèo.

Số nhà tạm hiện nay quá lớn, trong đó, huyện A Lưới chiếm tỷ lệ nhiều nhất, ông Thọ yêu cầu BCĐ huyện cần có những giải pháp cụ thể nào để giảm tỷ lệ nhà tạm xuống. 

Ông Thọ đề nghị thành lập các tổ nghiên cứu, theo dõi việc giảm nghèo trong từng hộ dân ở các địa phương. Mỗi địa phương cần có sự mô tả từng nhà rất cụ thể để triển khai xóa nhà tạm mang lại hiệu quả cao, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Từ đó, tạo nguồn, huy động hỗ trợ kinh phí xóa nhà tạm từ các nguồn khác nhau.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế, có việc làm, thu nhập ổn định cho người dân là mục tiêu cao nhất, then chốt trong giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, phải làm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân, tránh tình trạng trông chờ, ỷ lại.

BCĐ giảm nghèo bền vững tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã thống nhất phương thức quản lý chung nguồn kinh phí, việc quyết toán ở các địa phương, tránh tình trạng chồng chéo, sai sót; phát động phong trào huy động tổng lực cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội cùng chung tay, góp sức giảm nghèo bền vững trong năm 2022; phong trào bản làng, dòng tộc không có hộ nghèo và chuẩn bị kế hoạch giảm nghèo cho năm 2023 cũng như quyết tâm đưa A Lưới thoát khỏi 74 huyện nghèo trong năm tiếp theo.

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh