THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:25

Thừa Thiên Huế: Hơn 76 tỷ đồng xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So

Khởi công dự án xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So  - Ảnh 1.

Khởi công dự án "Xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế"

Tham dự lễ khởi công có Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, thủ trưởng các cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng; đại diện Văn phòng Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, các tổ chức quốc tế.

Được biết, trong thời kỳ chiến tranh, quân đội Mỹ đã sử dụng thung lũng A So của huyện A Lưới làm sân bay dã chiến. Tại đây cũng là nơi chứa, đựng chất độc hóa học, là trạm trung chuyển để không quân Mỹ đi phun rải ở khu vực miền Trung.

Trong vòng 10 năm (1961-1971), Thừa Thiên Huế mà trọng điểm sân bay A So là nơi hứng chịu hậu quả nặng nề của hơn 432.812 gallon thuốc diệt cỏ (chứa khoảng 11kg dioxin). Do đó, Thừa Thiên Huế nói chung và huyện A Lưới nói riêng là một trong những địa bàn chịu hậu quả nặng nề của chất độc màu da cam. Toàn tỉnh có gần 16.000 người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, riêng huyện A Lưới khoảng 5.000 người.

Sau khi chiến tranh kết thúc đến nay, đã có 1 số dự án thực hiện việc khảo sát tình trạng đất nhiễm độc trên địa bàn huyện A Lưới. Hiện đã cơ bản xác định được khu vực ô nhiễm tại sân bay A So, với diện tích ô nhiễm khoảng 5ha, chiều sâu trung bình 0,7m, tổng khối lượng đất ô nhiễm cần xử lý là 35.000m3, trong đó có khoảng 6.600m3 đất nhiễm có nồng độ ô nhiễm trên 200ppt.

Khởi công dự án xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So  - Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự thực hiện nghi thức bấm nút Khởi công dự án

Theo đại diện lãnh đạo Bộ Tư lệnh Hóa học, nhằm nhanh chóng tiến hành các biện pháp tẩy độc đất ở sân bay A So, ngày 30/3/2020, Bộ Quốc phòng đã ban hành quyết định phê duyệt dự án "Xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế" và giao trực tiếp cho Bộ Tư lệnh Hóa học chủ trì thực hiện dự án.

Sau đó, dự án được giao cho Trung tâm hành động quốc gia xử lý chất độc hóa học và môi trường (Naccet) trực tiếp chủ trì, thiết kế công nghệ để đưa vào áp dụng. Qua phân tích, đánh giá, Naccet đã lựa chọn công nghệ chôn lấp, cô lập. Đây là công nghệ đã được áp dụng trong 1 số dự án tại sân bay Phù Cát (Bình Định), Biên Hòa (Đồng Nai) và mang lại kết quả tốt, phù hợp điều kiện Việt Nam. Đồng thời, đơn vị cũng tiếp tục nghiên cứu đề xuất tiến tới xử lý triệt để khối lượng đất nhiễm chất độc da cam/dioxin tại sân bay A So phù hợp với điều kiện kinh tế, kỹ thuật tại Việt Nam.

Khởi công dự án xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So  - Ảnh 3.

Khởi công dự án xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So  - Ảnh 4.

Khởi công dự án xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So  - Ảnh 5.

Người dân đã chờ đợi dự án này từ rất lâu

Dự án "Xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế" có tổng kinh phí hơn 76 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước; thời gian thi công dự kiến được tiến hành trong vòng 2 năm (2020-2022).

Khởi công dự án xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So  - Ảnh 6.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Thiên Định phát biểu tại lễ khởi công

Ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong những năm qua, đã có nhiều nghiên cứu, nhiều giải pháp được triển khai tại khu vực sân bay A So. Tỉnh Thừa Thiên Huế và huyện A Lưới đã tổ chức tái định cư cho bà con 3 xã lân cận khu vực sân bay để bảo đảm sức khoẻ. Xung quanh sân bay đã được trồng hàng rào bồ kết để ngăn chặn người và súc vật đi vào bên trong.

"Xử lý chất độc dioxin tại sân bay A So là mong ước từ rất lâu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung, A Lưới nói riêng. Hoạt động này sẽ giúp giải thoát cho A Lưới khỏi những nghi ngại về một vùng đất vẫn còn chất độc hóa học, tạo động lực cho A Lưới phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân", ông Định cho biết.

Khởi công dự án xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So  - Ảnh 7.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu tại lễ khởi công

Phát biểu tại lễ khởi công, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định, khắc phục hậu quả chiến tranh, trong đó có khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin đối với môi trường và con người là vấn đề được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các Bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương và nhân dân Việt Nam đặc biệt quan tâm. Đây là hoạt động mang tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hướng tới thực hiện tốt các mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Na đã cam kết với Liên Hiệp quốc.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh, dự án "Xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế" được thực hiện có ý nghĩa quan trọng nhằm giảm thiểu, ngăn ngừa nguy cơ ảnh hưởng đến con người, môi trường, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn huyện A Lưới. Đây là 1 trong 3 dự án mà Việt Nam chủ động sử dụng nguồn vốn và công nghệ.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng yêu cầu chủ đầu tư phối hợp tốt với các cơ quan chức năng của tỉnh Thừa Thiên Huế và huyện A Lưới để tổ chức thực hiện dự án đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ. Thứ trưởng Vịnh cũng lưu ý, khối lượng dự tính ban đầu có thể sẽ phát sinh nên trong quá trình thực hiện, các đơn vị phải thường xuyên báo cáo lên trên để kịp thời hỗ trợ, nhất là bố trí kinh phí. Mặt khác, dự án nằm sát với khu dân cư, nên theo Thứ trưởng nếu cần thiết có thể di dời tạm thời người dân ra khỏi khu vực để đảm bảo sức khỏe cho họ. Ngoài ra, Thứ trưởng cũng đề nghị khi làm nhà kho, nhà ở cho công nhân ở cần xây dựng kiên cố, chắc chắn để sau khi hoàn thành dự án có thể bàn giao lại cho chính quyền địa phương sử dụng vào mục đích dân sinh, công trình công cộng.

Khởi công dự án xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So  - Ảnh 8.

Tặng quà cho các nạn nhân chất độc hóa học

Trong khuôn khổ buổi lễ, ban tổ chức đã trao quà cho các nạn nhân chất độc dioxin, gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Đông Sơn.

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh