CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:49

Thành lập Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường

Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường có nhiệm vụ chủ trì điều hành, phối hợp, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ khắc phục hậu quả chất độc hóa học đối với môi trường và con người sau chiến tranh; xử lý ô nhiễm hóa chất độc, chất nguy hại, khắc phục sự cố hóa chất độc xạ và môi trường trong phạm vi toàn quốc; chủ trì xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu thông tin về khắc phục hậu quả chất độc hóa học sau chiến tranh.

Đồng thời thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực khắc phục hậu quả chất độc hóa học sau chiến tranh, xử lý ô nhiễm hóa chất độc, chất nguy hại, khắc phục sự cố hóa chất độc xạ và môi trường.

Bên cạnh đó phối hợp xây dựng và tổ chức triển khai các chương trình, kế hoạch công tác về khắc phục hậu quả chất độc hóa học sau chiến tranh, các hoạt động xử lý ô nhiễm hóa chất độc, chất nguy hại, khắc phục sự cố hóa chất độc xạ và môi trường.

Trung tâm còn có nhiệm vụ tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực cho các lực lượng tham gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học sau chiến tranh, xử lý ô nhiễm hóa chất độc, chất nguy hại, khắc phục sự cố hóa chất độc xạ và môi trường.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Quốc phòng trực tiếp chỉ đạo, Bộ Tư lệnh Hóa học quản lý Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường để thực hiện việc điều hành, phối hợp, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khắc phục hậu quả chất độc hóa học sau chiến tranh; xử lý ô nhiễm hóa chất độc, chất nguy hại, khắc phục sự cố hóa chất độc xạ và môi trường trong phạm vi toàn quốc.

Phương hướng hoạt động trong thời gian tới của Trung tâm là khắc phục hậu quả chất độc hoá học, hỗ trợ nạn nhân bị ảnh hưởng; xây dựng các tổ hợp tập trung xử lý chất độc hoá học, chất thải công nghiệp nguy hại; chuẩn bị phương án, phương tiện, lực lượng và vật tư để ứng phó hiệu quả các sự cố hoá chất độc hại và ô nhiễm môi trường trên phạm vi toàn quốc, các tình huống khẩn cấp…

Thành lập Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường - Ảnh 1.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh sau hơn 40 năm, hậu quả chiến tranh ở Việt Nam còn rất nặng nề, ngoài lượng bom đạn khổng lồ sót lại trong lòng đất còn có hàng triệu ha đất ở bị chất độc hoá học tàn phá, hàng triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm. "Đến giờ phút này, theo thống kê chưa đầy đủ, Việt Nam có trên 3 triệu người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, nhiều gia đình bị phơi nhiễm đến thế hệ thứ ba, rất thương tâm", Phó Thủ tướng nói.

Trước yêu cầu phát triển phải bảo đảm bền vững, bảo vệ môi trường đặt ra ngày càng cấp thiết, Phó Thủ tướng cho rằng công tác khắc phục hậu quả ô nhiễm chất độc hoá học sau chiến tranh, ứng phó với các nguy cơ mới trong quá trình phát triển về môi trường nói chung (trong đó có chất độc, hoá chất, phóng xạ) trở nên vô cùng quan trọng.

Phó Thủ tướng đánh giá cao những nỗ lực, kết quả đạt được thời gian qua trong khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hoá học để lại sau chiến tranh ở Việt Nam với sự hỗ trợ, hợp tác của các tổ chức quốc tế, nhiều quốc gia trên thế giới.

Điểm lại một số sự cố môi trường mới đây như: Cháy Nhà máy bóng đèn, phích nước Rạng Đông, Phó Thủ tướng đánh giá lực lượng nòng cốt của Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hoá học và môi trường đã vào cuộc, xử lý rất tốt, được các nhà khoa học, chính quyền đánh giá cao, nhân dân cảm kích và tin tưởng. Tuy nhiên, nhiệm vụ của Trung tâm tới đây còn rất lớn, từ việc xử lý hàng trăm nghìn m3 đất đá bị ô nhiễm, các kho dự trữ chất độc hoá học trong chiến tranh đến ứng phó với nguy cơ ô nhiễm mới.

"Bộ Quốc phòng cùng các bộ, ngành cần tập trung kiện toàn Trung tâm, đầu tư nâng cao năng lực công nghệ, nhân lực nhằm đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới. Trung tâm phải là 'hạt nhân' để hình thành mạng lưới ứng phó sự cố về chất độc hoá học, môi trường, thúc đẩy các dự án hợp tác quốc tế", Phó Thủ tướng đề nghị.

Cùng với đó, các cấp, ngành, toàn xã hội phải tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức "yêu cầu phát triển bền vững là tối quan trọng, không đánh đổi môi trường để tăng trưởng" từ trong quy định pháp luật, chiến lược, quy hoạch đến từng dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, từng người dân… Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn các kỹ năng cần thiết để xử lý sự cố môi trường ngay tại chỗ với sự hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn.

Phó Thủ tướng khẳng định: Để bảo đảm phát triển bền vững, môi trường không bị ô nhiễm, trái đất không bị huỷ diệt, Việt Nam - với tư cách là thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế - mong muốn các tổ chức quốc tế, các quốc gia tiếp tục tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này.

"Qua những kinh nghiệm, dự án thực tế, Việt Nam sẵn sàng tham gia giải quyết những vấn đề chung tại những khu vực khác trên thế giới. Chúng ta mong rằng, Việt Nam cũng như toàn thế giới ngày càng phát triển, mọi người có cuộc sống hoà bình, thịnh vượng và trái đất luôn mãi màu xanh", Phó Thủ tướng nói.

THANH MẠNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh