THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 08:13

“Tất cả những người bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học đều được hưởng chính sách của nhà nước”

Sửa đổi toàn diện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng

Tối 21/11, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tiến hành Phiên họp toàn thể lần thứ 16 để thẩm tra dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).

Phát biểu tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, Quốc hội đã giao Chính phủ chủ trì soạn thảo dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) trình UBTVQH xem xét vào Phiên họp tháng 12 tới. Là cơ quan được giao chủ trì soạn thảo dự án Pháp lệnh, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức thực hiện đầy đủ các nội dung về: tổng kết thi hành Pháp lệnh hiện hành;đánh giá tác động của chính sách;lấy ý kiến các bộ, ngành và đặc biệt là các đối tượng chịu sự tác động...

Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sỹ và gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 29/8/1994. Từ đó đến nay, Pháp lệnh này đã có 6 lần sửa đổi qua các năm 1998, 2000, 2002, 2005, 2007, 2012 và được đổi tên thành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Pháp lệnh là văn bản pháp lý quan trọng thể chế hóa chủ trương, đường lối chỉ đạo của Đảng về công tác người có công với cách mạng, là nền tảng pháp lý cho các cấp chính quyền tổ chức triển khai chăm lo đời sống vật chất, tinh thần người có công và thân nhân người có công với cách mạng.

“Tất cả những người bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học đều được hưởng chính sách của nhà nước” - Ảnh 1.

Chủ nhiệm UB về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, các thành viên Ủy ban đều nhất trí việc sửa đổi toàn diện Pháp lệnh Ưu đãi người có công.

Tờ trình Dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) nêu rõ, sửa đổi Pháp lệnh lần này tiếp tục thể chế hóa kịp thời quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về ưu đãi người có công với cách mạng được nêu tại các văn bản của Đảng qua các thời kỳ; giải quyết, tháo gỡ kịp thời những vấn đề vướng mắc về điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ xác nhận người có công với cách mạng; phấn đấu đến hết năm 2020, giải quyết căn bản hồ sơ đề nghị xác nhận người có công với cách mạng còn tồn đọng.

Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) nhằm huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, cộng đồng xã hội tham gia tích cực hơn nữa cùng với Nhà nước để chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng.

3 nội dung lớn trong Dự án Pháp lệnh hiện vẫn đang có nhiều ý kiến khác nhau được Chính phủ đưa ra xin ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội gồm: đề xuất bổ sung chính sách ưu đãi đối với thế hệ thứ 3 của người hoạt động kháng chiến liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học; về bổ sung chế độ đối với vợ hoặc chồng liệt sỹ đã tái giá và nội dung công nhận liệt sỹ, bệnh binh thời kỳ đất nước hòa bình.

Tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội đều nhất trí việc sửa đổi toàn diện Pháp lệnh Ưu đãi người có công.

Cho ý kiến về đề xuất bổ sung chính sách trợ cấp đối với thế hệ thứ 3 của người hoạt động kháng chiến liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học, nhiều đại biểu đề nghị cần có đánh giá khoa học thật cụ thể về tác động do chất độc hóa học gây ra đối với thế hệ thứ 3 của người hoạt động kháng chiến để đảm bảo sự công bằng với thân nhân của người có công với cách mạng khác.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Anh Trí lại cho rằng, không nên đặt vấn đề con cháu thế hệ thứ 3 vì nếu thế hệ thứ 4, thứ 5 bị ảnh hưởng chúng ta lại phải ngồi bàn bạc. Theo đại biểu, con cháu các thế hệ bị phơi nhiễm chất độc hóa học nếu còn bị ảnh hưởng, bị các bệnh tật có liên quan đến chất độc hóa học thì phải đều được hưởng chế độ… "Với tư cách là nhà khoa học, tôi đã được xem danh sách các loại bệnh tật bị ảnh hưởng bởi chất diệt cỏ mà Mỹ đưa ra.", ông Trí nói và nhấn mạnh cần quan tâm hơn nữa việc tầm soát sức khỏe sinh sản đối với con cháu những người bị chất độc hóa học.

Đồng quan điểm đại biểu Nguyễn Văn Sơn cũng cho rằng, đối tượng thế hệ thứ 3 nhiễm chất độc hóa học cũng cần được xem xét. Nhưng điều kiện phải thật chặt chẽ, từ hồ sơ của ông bà đến thời điểm sinh con, phải có hướng dẫn cụ thể của Chính phủ và lấy ý kiến nhân dân vùng đó, có phân định rõ ràng để chính sách không bị lợi dụng.

Phó Chủ nhiệm UB về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong cũng cho rằng, việc Chính phủ tiếp thu bổ sung ưu đãi thế hệ thứ 2, thứ 3 nhiễm chất độc hóa học rất chính đáng và xác đáng… Đối với đề nghị không xác nhận công nhận bệnh binh mới, ông Phong cho rằng nên cân nhắc.

Liên quan đến vấn đề công nhận liệt sỹ trong thời bình, ông Phong cho rằng, tiêu chí "có hành động đặc biệt dũng cảm" thì cần xem xét thế nào là dũng cảm, ví dụ như cứu người chết đuối, phòng chống bão lụt…có nên cân nhắc đưa vào không. Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cũng cho rằng, công nhận liệt sỹ thời bình là vấn đề rất khó bởi dũng cảm là khái niệm rất trừu tượng, chỉ mang tính định tính, khó định lượng nên cần đưa ra các tiêu chí cụ thể để quy định chặt chẽ hơn. Đại biểu cũng đề nghị cần sớm điều chỉnh tăng mức trợ cấp cho người có công.

Về chế độ với vợ và chồng liệt sĩ tái giá, theo nhiều đại biểu, nên coi đó là sự bù đắp vì mặc dù đã lấy vợ hoặc chồng mới nhưng nhiều người vẫn chăm sóc con, thờ cúng vợ hoặc chồng cũ đã hy sinh…, do vậy, ngoài chế độ BHYT theo đề xuất của Chính phủ, nhiều đại biểu cho rằng, nên bổ sung chế độ mai táng phí.

“Tất cả những người bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học đều được hưởng chính sách của nhà nước” - Ảnh 2.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giải trinh, làm rõ thêm một số vấn đề trong Pháp lệnh

Chính phủ lắng nghe, cầu thị và đã dành thời gian thảo luận những vấn đề còn ý kiến khác nhau

Giải trình, làm rõ thêm ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Chính phủ rất lắng nghe, cầu thị và đã dành thời gian để thảo luận những vấn đề còn ý kiến khác nhau, nhất là các ý kiến khác nhau tổng hợp từ các cấp, các ngành và ý kiến của từng thành viên Chính phủ. "Những ý kiến khác nhau dù là nhỏ nhất đều được đem ra để Chính phủ thảo luận để tạo sự thống nhất. Và báo cáo trong Tờ trình của Chính phủ hôm nay là sự thống nhất của Chính phủ và tôi được Thủ tướng ủy quyền phủ thay mặt Chính phủ báo cáo với Ủy ban chứ không chỉ với tư cách là Trưởng ban soạn thảo hay Bộ trưởng", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Đi và các vấn đề cụ thể, đối với việc bổ sung thế hệ thứ 3 bị nhiễm chất độc hóa học, Bộ trưởng cho biết, quan điểm chung là tất cả những người dân hay các con, cháu, thế hệ thứ 2, thứ 3 của người hoạt động kháng chiến bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học đều được hưởng chính sách của nhà nước. Chỉ có điều nếu là con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học thì được hưởng chính sách người có công, còn tất cả những người là nạn nhân chất độc hóa học thì hưởng chính sách bảo trợ xã hội.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết, hiện nay số lượng bao nhiêu cháu là thuộc đối tượng thế hệ thứ 3 cho đến nay chưa có căn cứ để Bộ tổng hợp, mới chỉ dựa vào số liệu, thông báo ban đầu của Hội nạn nhân chất độc hóa học. Trong quá trình lấy ý kiến các ngành, các cấp thì ý kiến còn rất khác nhau.

"Quan điểm của Ban soạn thảo thấy rằng chưa có căn cứ, chưa đầy đủ cơ sở để trình, chính thức đề nghị đưa vào đối tượng thuộc pháp lệnh người có công. Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận, Chính phủ thấy rằng, giữa tình và lý, đặc biệt là về đạo lý, nếu có căn cứ thì đề xuất nên đặt ra hai phương án, nếu Thường vụ Quốc hội quyết định thì chúng tôi phải làm tiếp, nếu không thì các cháu vẫn tiếp tục được hưởng chính sách bảo trợ xã hội và Chính phủ sẽ tiếp tục chăm lo cho các cháu", Bộ trưởng nói.

“Tất cả những người bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học đều được hưởng chính sách của nhà nước” - Ảnh 3.

Thứ hai là người giúp đỡ cách mạng, chúng ta rất trân trọng và biết ơn. Thời gian qua, họ đã được hưởng theo Điều 39 chế độ ưu đãi đối với NCC giúp đỡ cách mạng bao gồm 5 chế độ. Có điều một số địa phương muốn ngoài chế độ chính sách người có công giúp đỡ cách mạng thì muốn họ được hưởng thêm chính sách tù đày. "Tuy nhiên, về mặt cơ sở cũng như hồ sơ, tôi xin nói là rất khó có căn cứ để xác nhận,. Nói thật tâm tư thì tôi rất muốn nhưng rất khó khả thi để thực hiện điều này.", Bộ trưởng cho biết

Thứ ba, về điều kiện công nhận liệt sĩ, qua thảo luận ý kiến tại cơ sở thì phần đông ý kiến cho rằng, chỉ xác nhận liệt sĩ đối với người có vết thương tái phát 81% trở lên thay vì 61% như hiện nay. Tuy nhiên, theoa Bộ trưởng, chính sách của chúng ta trước giờ đã quy định 61% rồi, nếu bỏ đi thì sẽ gây tâm tư rất lớn cho các đồng chí thương binh nên Ban soạn thảo đã rất cân nhắc điều này. Chính vì vậy, mới thêm một căn cứ nữa là được sự đồng thuận của địa phương, nhân dân nơi sinh sống. Điều này rất quan trọng để hạn chế tiêu cực.

Về nội dung công nhận liệt sỹ, bệnh binh thời kỳ đất nước hòa bình, theo Bộ trưởng, đây là câu chuyện rất khó hiện nay.

"Cách đây 20 năm tôi là người đứng ra đề nghị công nhận liệt sĩ cho anh Nguyễn Bá Ngọc ở Thanh Hóa dũng cứu hai cháu bé trong chiến tranh và hy sinh, phải nói là rất khó khăn mới được công nhận liệt sĩ. Nhưng bây giờ, chỉ với một từ "dũng cảm" cứu người, cứu tài sản" mà vừa qua tôi buộc phải chấp nhận rất nhiều trường hợp kể cả trẻ em cứu bạn chết đuối sau đó bị chết đuối, hay nhiều trường hợp không cần phải hy sinh tính mạng nhưng bị tai nạn nhưng cứ dùng một từ "dũng cảm thực hiện nhiệm vụ…", chỉ cần địa phương tặng bằng khen là có hành động dũng cảm cứu người là buộc phải công nhận là liệt sĩ. Vừa rồi đưa ra Chính phủ thảo luận thấy nhiều trường hợp không chấp nhận được, nên mới dùng từ "có hành động đặc biệt dũng cảm", sau này chắc chúng chúng ta sẽ lại phải thảo luận, tiêu chí "đặc biệt" này là gì để xác định có công nhận liệt sĩ hay không.’ Bộ trưởng cho biết.

Về bệnh binh, trước đây chưa có pháp luật về BHXH, thì những trường hợp ốm đau, mất sức từ 31% trở lên được công nhận là bệnh binh để được hưởng chính sách. Về bản chất, đa phần là những người yếu sức khỏe, không phục vụ được trong quân ngũ nữa để ra quân. "Bây giờ thời bình, có những đồng chí cả đời sống ở khu vực chùa một cột nhưng ốm đau, mất sức tự nhiên trở thành người có công thì có công bằng không?" Bộ trưởng đặt câu hỏi.

Theo Bộ trưởng, bệnh binh hiện vẫn còn nhưng bệnh binh bình thường thì chuyển sang hưởng chính sách theo pháp luật BHXH. Còn những trường hợp đặc biệt như giải quyết những công việc cấp bách theo phân công của quân đội, công an như trường hợp vụ cháy công ty Rạng Đông vừa qua thì hoàn toàn có thể có chính sách để thực hiện. "Như vậy, bệnh binh vẫn còn nhưng khoanh đối tượng lại chứ không phải không còn.", Bộ trưởng khẳng định.

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh