Thừa Thiên Huế: Dân tái định cư nghèo mòn mỏi đợi ruộng khai hoang trên… bãi đá
- Dược liệu
- 21:44 - 13/08/2020
Diện tích khai hoang làm ruộng trồng lúa nước toàn đá thuộc dự án Nâng cấp đập La Tưng
A Lưới là huyện miền núi biên giới phía Tây tỉnh Thừa Thiên Huế, là huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh. Trong những năm qua, bên cạnh việc triển khai các kế hoạch hàng năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, các kế hoạch của tỉnh, để ổn định đời sống người dân, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế, huyện A Lưới cũng đã xây dựng nhiều khu tái định cư. Các hộ dân được đưa về các khu tái định cư mới từ các địa điểm nguy hiểm có khả năng xảy ra sạt lở núi, sạt lở bờ sông; nằm trong quy hoạch giãn dân theo đường vành đai biên giới, những hộ dân thiếu đất sản xuất, đất ở tại nơi ở cũ; đồng thời để thực hiện những dự án lớn như các công trình thuỷ điện,… Thôn La Tưng, xã Lâm Đớt là một trong những diện như thế.
Ông Hồ Sỹ Khu, Trưởng thôn thôn La Tưng (xã Lâm Đớt, huyện A Lưới) cho biết, thôn La Tưng hình thành từ năm 2003 nằm trong quy hoạch giãn dân theo đường vành đai biên giới của xã A Đớt cũ (nay sát nhập với xã Hương Lâm thành xã Lâm Đớt); đến ngày 19/3/2012, thôn này chính thức được thành lập. Ban đầu, La Tưng chỉ có 27 hộ, đều là những hộ mới lập gia đình, được UBND xã A Ðớt khi đó tách ra từ bảy thôn khác thuộc xã.
Xã Lâm Đớt hiện nay vẫn là 1 trong những xã có tỷ lệ nghèo cao nhất của huyện A Lưới, còn thôn La Tưng có thể xem là thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số. Theo ông Hồ Sỹ Khu, dân số toàn thôn hiện là 78 hộ với 294 nhân khẩu, trong đó có 32 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 41%); 16 hộ cận nghèo (20,5%).
Cũng theo ông Khu, vấn đề lớn nhất đối với người dân La Tưng hiện nay là thiếu đất sản xuất. "Các hộ đến trước rồi tự khai hoang thì còn có đất sản xuất chứ các hộ đến sau gần như không có. Những hộ này lại phải về xin ruộng với cha mẹ tại nơi ở cũ để làm, nhưng diện tích cũng chả đáng bao. Không đất sản xuất, việc làm không ổn định, cái nghèo cứ bám lấy người dân mãi", ông Khu khái quát tình hình dân cư trong thôn.
Theo tìm hiểu chúng tôi được biết, toàn thôn La Tưng hiện có khoảng 12ha ruộng trồng lúa; 38 hộ dân có đất trồng rừng với khoảng 134ha. Một số hộ có đất đã phát triển thêm các mô hình sinh kế như chăn nuôi gia súc, gia cầm, còn lại đa số thiếu tư liệu sản xuất. Mặt khác, đất canh tác ở đây vừa ít vừa cằn cỗi nên việc trồng trọt, chăn nuôi của người dân rất khó khăn.
Để giải quyết bài toán nói trên, năm 2015, UBND xã A Đớt có tờ trình gửi xin triển khai thực hiện Dự án Nâng cấp đập La Tưng, trong đó có hạng mục khai hoang, cải tạo ruộng lúa với diện tích 18h để chia cho người dân canh tác. Trên cơ sở đó, UBND huyện A Lưới đã lập tờ trình xin UBND tỉnh Thừa Thiên Huế hỗ trợ, bố trí vốn đầu tư xây dựng dự án từ nguồn vốn ngân sách của tỉnh và được UBND tỉnh đồng ý.
Tháng 8/2015, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế, kỹ thuật dự án Nâng cấp đập La Tưng. Theo quyết định này, tỉnh Thừa Thiên Huế đồng ý cho A Lưới triển khai xây dựng, nâng cấp đập thuỷ lợi La Tưng, tại thôn La Tưng, xã A Đớt với tổng kinh phí 2,736 tỷ đồng.
Các hạng mục chính của dự án, gồm: Thay mới đường ống nhựa dẫn nước đã hư hỏng bằng ống thép D350; xây dựng hệ thống kênh tưới, công trình lấy nước. Đặc biệt là hạng mục san tạo mặt bằng vùng khai hoang phục hoá, với diện tích 18ha. Mục tiêu của dự án là đảm bảo cung cấp nước tưới ổn định và chủ động cho 28ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã A Đớt (10ha sẵn có và 18ha khai hoang); tạo quỹ đất sản xuất lúa cho người dân địa phương.
Tháng 10/2018, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt điều chỉnh đối với công trình nêu trên. Theo đó, dự án được bổ sung tuyến ống chính kéo dài 13m, ống dẫn bằng thép không rỉ S201; xây dựng tuyến đường cấp phối nội đồng từ kênh N1 đến kênh N2 dài 537m; tổng kinh phí dự án được nâng lên thành 2,992 tỷ đồng.
Tháng 10/2015, Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiến hành thẩm định dự án. Một trong những nội dung mà đơn vị thẩm định yêu cầu Chủ đầu tư dự án (Ban QLDA Đầu tư và Xây dựng khu vực huyện A Lưới) khi đó là: "Trước khi triển khai thi công, đề nghị Chủ đầu tư thuê tổ chức, đơn vị có đủ năng lực tiến hành nghiên cứu khảo sát đánh giá thổ nhưỡng để có phương án cải tạo đất, chuyển đổi sang đất trồng lúa đảm bảo tính khả thi của dự án."
Lãnh đạo UBND huyện A Lưới cho biết, dự án hoàn thành xây dựng được nghiệm thu tháng 7/2019. Cùng thời gian, Chủ đầu tư dự án đã bàn giao cho UBND xã A Đớt toàn bộ hồ sơ hoàn công liên quan công trình và đề nghị địa phương sớm bàn giao cho bà con canh tác sản xuất trên diện tích đất đã khai hoang.
Tuy nhiên cho đến nay, việc bàn giao đất sản xuất cho người dân vẫn chưa được tiến hành. Qua thực tế ghi nhận, khu vực diện tích khai hoang theo dự án nói trên lộ ra nhiều điểm bất cập, đặc biệt, có nhiều diện tích đất ruộng lại là những bãi đá lộ thiên. Anh Hồ Văn Phất, người dân thôn La Tưng cho biết: "Tôi thấy họ làm được 3 đợt rồi mà mãi chưa chia cho dân. Mà có nhận được ruộng thì người dân cũng khó trồng lúa vì toàn đá, đất bên dưới cũng toàn đất cứng".
Lý giải về việc mãi chưa chia đất cho người dân, UBND huyện A Lưới cho rằng, do diện tích đất khai hoang có chứa hàm lượng chất hữu cơ, độ phì và chất dinh dưỡng khác có trong đất còn nghèo nên bà con chưa tiến hành sản xuất ngay được. Hiện nay, huyện đã có phương án cải tạo đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp nhưng chưa có kinh phí để thực hiện.
Trong thời gian đến, sau khi UBND xã Lâm Đớt bàn giao diện tích đất nói trên cho bà con nhân dân, UBND huyện sẽ chỉ đạo, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp để bà con yên tâm canh tác, sản xuất trên diện tích đã san tạo, khai hoang.
Như vậy, phải chăng đề nghị đánh giá thổ nhưỡng để có phương án cải tạo đất, chuyển đổi đất đảm bảo tính khả thi của dự án trước đó của Sở NN&PTNNT Thừa Thiên Huế đã không được huyện A Lưới thực hiện một cách nghiêm túc? Còn tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ lại phải "rót" thêm một khoản tiền nữa để địa phương cải tạo lại diện tích đã từng cải tạo? Trong khi đó, có lẽ người dân địa phương lại tiếp tục chờ đợi trong mỏi mòn và nghèo đói?