THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:34

Đổi thay ở bản Pa Ay

Một góc của bản Pa Ay ngày nay

Pa Ay là thôn tái định cư thuộc xã miền núi đặc biệt khó khăn Hồng Thủy của huyện A Lưới. 118 hộ dân, trong đó có 105 hộ dân ở đây là các hộ được di dời từ các địa điểm nguy hiểm có khả năng xảy ra sạt lở núi, sạt lở bờ sông trên địa bàn xã Hồng Thủy sau cơn bão số 9 năm 2009. Sau hơn 7 năm khu tái định cư này hình thành, cùng với sự đầu tư về cơ sở hạ tầng của Nhà nước, sự chung tay của các cơ quan, lực lượng chức năng, doanh nghiệp về nhà ở, sinh kế, Pa Ay đang từng bước khởi sắc.  

Xã Hồng Thủy được biết đến là một xã đặc biệt khó khăn, nằm cách trung tâm huyện miền núi A Lưới khoảng 30km về phía tây Nam. Theo kết quả rà soát hộ nghèo và cận nghèo theo chuẩn mới đa chiều để thực hiện chính sách năm 2018, toàn xã có 246 hộ nghèo (chiếm 31,3%), 181 hộ cận nghèo (chiếm 23,09%).

Theo người dân địa phương, trận bão số 9 năm 2009 đã để lại những hậu quả nặng nề cho xã Hồng Thủy. Hệ thống giao thông bị sạt lở và hư hỏng nhiều nơi; các cống ngang, các ngầm tràn trên đường hư hỏng nặng và bị nước lũ cuốn trôi gây trở ngại rất lớn trong việc đi lại của người dân. Nghiêm trọng hơn, thời điểm đó, trên địa bàn xã có 3 cây cầu thì 2 chiếc là cầu Pa Ay (khánh thành trong năm 2009, với 5 nhịp, dài 40m) nối thôn 6 với thôn 7 và cầu treo được xây dựng năm 1997, cải tạo năm 2006 nối đường Hồ Chí Minh với trung tâm xã đã bị nước lũ cuốn trôi. Nhiều công trình dân sinh cũng bị tàn phá bởi thiên tai.

Sau cơn bão số 9 năm ấy, tuyến đường duy nhất nối trung tâm huyện A Lưới với xã Hồng Thủy là đường Hồ Chí Minh bị sạt lở nặng, nhất là tại khu vực đèo Pê Ke bị chia cắt hoàn toàn do sạt lở ta luy dương tại 36 điểm. Các đồi núi ở khu vực thôn 1 có hiện tượng nứt gãy, sụt lún ở đỉnh đồi gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân đang sống ở xung quanh khu vực và dưới chân các đồi núi, sông suối. Ước tính có 69 hộ dân thôn 1 có nguy cơ bị sạt lở núi và khoảng 45 hộ dân có nguy cơ sạt lở bờ sông.

Trước tình hình đó, tháng 4/2010, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ký Quyết định số 709/QĐ – UBND về việc phê duyệt dự án đầu tư hạ tầng tái định cư cho thôn 1 xã Hồng Thủy, huyện A Lưới. Vị trí được lựa chọn để thực hiện dự án có điểm đầu tại Km1 + 900 tuyến đường giao thông thôn Pa Ay, giáp với sông Pa Ay. Tổng diện tích sử dụng đất của dự án là khoảng 36,5 ha, với kinh phí đầu tư 24.518 triệu đồng.

Sau khi nhà nước xây dựng xong cơ sở hạ tầng, đến khoảng tháng 8/2011, các hộ dân bắt đầu được di chuyển về nơi ở mới. Theo ông Hồ Văn Đức, Trưởng thôn Pa Ay cho biết, hiện toàn thôn có 118 hộ/ 543 nhân khẩu.

Cán bộ chiến sĩ bộ đội biên phòng thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân giúp người dân Pa Ay trong lao động sản xuất

Anh Hồ Văn Thòi (sinh năm 1985) và vợ là chị Hồ Thị Thái (sinh năm 1986) cưới nhau năm 2006. Sau khi xảy ra cơn bão số 9 năm 2009, gia đình anh nằm trong diện được di dời khỏi vùng nguy cơ sạt lở. Sau hơn 7 năm vào nơi ở mới, hiện nay cuộc sống của gia đình anh đã ổn định. Hai vợ chồng siêng năng trồng chuối, sắn, ngô và chăn nuôi gia súc, gia cầm để phát triển kinh tế và có tiền nuôi 2 con nhỏ ăn học. “Chúng tôi vô cùng biết ơn sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đã đưa chúng tôi vào đây định cư, không còn lo sợ sạt lở núi đe dọa cuộc sống nữa. Khi vào đây, chúng tôi còn được Nhà nước và cán bộ chiến sĩ biên phòng đóng chân trên địa bàn, các doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng nhà cửa kiên cố, hỗ trợ sinh kế, giúp chúng tôi trồng ngô, trồng sắn…”, anh Hồ Văn Thòi cho biết.

Giống như hộ anh Thòi, vợ chồng anh Hồ Văn Tân (sinh năm 1986) cũng đã vào tái định cư tại Pa Ay từ tháng 8/2011. Hiện nay, vợ chồng anh rất tích cực xây dựng kinh tế hộ gia đình với việc trồng ngô, sắn, keo lấy gỗ, làm ruộng. Ngoài ra, vợ chồng anh còn vay vốn ngân hàng chính sách để đầu tư chăn nuôi gà lấy thịt. “Trong năm 2017, vợ chồng tôi đã đầu tư nuôi thử nghiệm 100 con gà lấy thịt, đến nay đã xuất bán được 2 đợt. Hiện nay, tôi đã đặt thêm 150 con gà giống để gối đầu. Ngoài ra, gia đình tôi còn nuôi thêm 1 con bò và 1 con trâu nữa”, anh Tân cho biết.

Theo trưởng thôn Hồ Văn Đức, hầu hết các hộ dân trong thôn Pa Ay đều quyết tâm làm ăn, xây dựng khu tái định cư mới ngày càng phát triển hơn. “Trong thôn có nhiều hộ thu nhập bình quân 1 năm từ 20 - 30 triệu đồng; tiêu biểu có các hộ như Hồ Thị Liệt, Đặng Xuân Thịnh, Hồ Thị Thương có mức thu nhập bình quân 1 năm lên đến 50 triệu đồng”, ông Đức cho biết. Mặc dù con số thu nhập từ 20 - 30 triệu trên 1 năm chưa phải là cao, xong nó cũng cho thấy sự đổi mới trong cả tư duy lẫn phương thức làm ăn vốn dĩ còn nhiều lạc hậu của người dân miền núi Hồng Thủy nói riêng và toàn huyện A Lưới nói chung.

Với sự chung tay giúp đỡ của nhiều cơ quan, đơn vị, bản Pa Ay ngày càng đổi thay

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Văn Siêng, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy cho biết, trong những năm qua, chính quyền địa phương đã tranh thủ nhiều nguồn để hộ trợ cho người dân của xã, trong đó có người dân ở Pa Ay để phát triển sinh kế, xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt, hiện nay, xã Hồng Thủy đang được sự đỡ đầu của 3 cơ quan gồm: Công an tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế và Trường Đại học Khoa học Huế trong kế hoạch trợ giúp các xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 25% mà UBND tỉnh Thừa Thiên đã và đang triển khai thực hiện.

Bà Nguyễn Thị Sửu, Bí thư Huyện ủy A Lưới cho biết, các cấp, các ngành đã thường xuyên chung tay giúp đỡ người dân A Lưới phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Riêng đối với thôn Pa Ay, Đảng và Nhà nước đã quan tâm đầu tư để tái định cư cho người dân, đồng thời thông qua các cơ quan doanh nghiệp tạo mọi điều kiện tốt nhất để người dân ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế xã hội, trong đó có việc hỗ trợ về đất đai, nhà ở và hỗ trợ phát triển sinh kế.

Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân và chính quyền địa phương, thì người dân Pa Ay hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là thiếu đất sản xuất. Được biết, mỗi hộ dân khi vào nơi ở mới Pa Ay được cấp 500m2 bao gồm cả đất ở và đất vườn. Với số diện tích này, người dân muốn phát triển sản xuất phải mượn đất sản xuất của người dân các thôn 6, 7 để làm. Lý giải việc này, chính quyền địa phương cho rằng, do diện tích đất ở đây người dân các thôn 6, 7 đã canh tác từ lâu và được cấp chủ quyền nên chưa có quỹ đất để bố trí đất sản xuất cho người dân mới. Thứ 2, đó là do việc xâm canh của người dân xã A Bung (Quảng Trị). Ngoài ra, Pa Ay là khu tái định cư, giải quyết về nơi ở cho người dân vùng nguy hiểm nên họ vẫn còn đất sản xuất tại nơi ở cũ nên vẫn có thể về trồng trọt, sản xuất. Nhưng cũng có nhiều hộ do đông con cái, anh em nên tại nơi ở cũ họ vốn đã thiếu đất sản xuất từ lâu. Vì vậy, thiết nghĩ chính quyền huyện A Lưới và tỉnh Thừa Thiên Huế cần có biện pháp tiếp tục hỗ trợ để người dân Pa Ay thật sự thoát nghèo tại nơi ở mới.

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh