Thừa Thiên - Huế đã có 44 xã đạt chuẩn nông thôn mới
- Dược liệu
- 23:11 - 07/10/2019
Chiều 7/10, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm Chương trình xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010 – 2020).
Hội nghị nhằm đánh giá toàn diện, tổng thể kết quả và tác động của 10 năm thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung đánh giá những mặt được, chưa được, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; đề xuất các nguyên tắc, chủ trương, cơ chế, chính sách và giải pháp chủ yếu triển khai Chương trình giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến 2030 phù hợp với điều kiện của địa phương.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Thừa Thiên – Huế, từ năm 2011 đến 9/2019, tổng số vốn huy động thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh đạt 11.110 tỷ đồng. Nhiều địa phương đã huy động được nguồn lực của bà con phương xa hàng tỷ đồng, của doanh nghiệp,…tham gia xây dựng nông thôn mới.
Qua đó, Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Thừa Thiên – Huế đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hạ tầng nông thôn được tăng cường đầu tư, bộ mặt nông thôn có bước khởi sắc. Đời sống nhân dân vùng nông thôn từng bước được cải thiện, nâng cao một phần nhờ Chương trình xây dựng nông thôn mới. Văn hóa –xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội cơ bản được đảm bảo,…
Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được chú trọng. Tính đến nay toàn tỉnh đã hỗ trợ đào tạo nghề cho 33.181 lao động nông thôn, có 30.842 người đã học xong và có 28.293 người có việc làm sau thời gian học nghề. Tỷ lệ lao động có việc làm đạt 98%. Đến nay, có 100/104 xã đạt tiêu chí Lao động có việc làm, đạt 95,2%, tăng 10,3% so với năm 2010 và 2,9% so với năm 2015.
Bên cạnh đó, Thừa Thiên – Huế đã lồng ghép thực hiện các mục tiêu, dự án giảm nghèo bền vững với xây dựng nông thôn mới, nhất là bố trí, huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật nông thôn đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân; triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo và các chính sách an sinh xã hội.
Thừa Thiên – Huế cũng đã tăng cường hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, phát triển dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp để giải quyết việc làm cho người dân, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo. Nhờ vậy, các hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và tiếp cận tốt hơn các dịch vụ y tế, giáo dục, vốn vay,…
Theo kết quả tổng điều tra hộ nghèo theo chuẩn mới, cuối năm 2018 khu vực nông thôn tỉnh Thừa Thiên – Huế có 12.003 hộ nghèo, tỷ lệ 7,25%; giảm 7,65% so với năm 2010 và 4,8% so với năm 2015. Đến nay đã có 69/104 xã đạt tiêu chí Tỷ lệ Hộ nghèo, tăng 19,2% so với năm 2015.
Tính đến tháng 9/2019, toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế , có 44/104 xã đạt chuẩn nông thôn mới (42,3%). Số tiêu chí bình quân đạt 16,2 tiêu chí/xã, không còn xã đạt dưới 8 chỉ tiêu.
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho rằng, bên cạnh kết quả đạt được, Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh vẫn còn một số mặt tồn tại, hạn chế, như: kết quả ở mốt số địa phương chưa bền vững, chưa đồng đều giữa các vùng, địa bàn trong tỉnh; chất lượng tiêu chí đạt được còn thấp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tái sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới còn chậm,…
Tỉnh Thừa Thiên – Huế phấn đấu đến cuối năm 2019 sẽ có 54 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 52%); dự kiến trong năm 2019 – 2020 có thị xã Hương Thủy hoàn thành xây dựng nông thôn mới và huyện Quảng Điền đạt chuẩn nông thôn mới.