CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:47

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Lấy người dân làm chủ thể trong xây dựng nông thôn mới

Lấy người dân làm chủ thể trong xây dựng nông thôn mới - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Cả hai vùng đạt được nhiều thành tựu toàn diện

Ngày 14/9 tại tỉnh Bạc Liêu, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia đã chủ trì Hội nghị tổng kết 10 năm vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010- 2019.

Tham dự Hội nghị còn có Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Phó Trưởng Ban Thường trực; Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Nguyễn Quang Dương cùng các đại biểu thuộc các Bộ, ngành trung ương và các tỉnh Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới Vương Đình Huệ ghi nhận những kết quả xây dựng nông thôn mới của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ.

Phó Thủ tướng nêu rõ tác động tích cực của lĩnh vực này đến cơ cấu sản xuất, lao động khu vực nông thôn, góp phần nâng cao đời sống nhân dân về vật chất, tinh thần và đẩy mạnh công tác giảm nghèo.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đồng bằng Sông Cửu Long và Đông Nam bộ là hai vùng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Hai vùng có tổng diện tích đất tự nhiên chiếm 19,3% và dân số chiếm 37,2% của cả nước; có 1.731 xã; có các điều kiện và lợi thế để phát triển công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của cả nước.

Lấy người dân làm chủ thể trong xây dựng nông thôn mới - Ảnh 2.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại Hội nghị

Sau hơn 9 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, cả hai vùng đã đạt được nhiều thành tựu toàn diện và vững chắc về xây dựng nông thôn mới. Hai vùng có 874/1.731 xã (50,49%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 563/1.286 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Tổng nguồn vốn huy động thực hiện chương trình từ năm 2010 - 2019 của hai vùng khoảng 932.498 tỷ đồng, cao nhất cả nước. Các địa phương của hai vùng tập trung phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân với tỷ lệ các xã đạt chuẩn các tiêu chí về thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, nhà ở khu dân cư đều cao hơn nhiều so với bình quân cả nước.

Phát huy những kết quả đạt được của giai đoạn 10 năm (2010 - 2020), bám sát quan điểm, mục tiêu của Trung ương để đề ra được chương trình, mục tiêu cụ thể, sát với tình hình thực tế…, để tạo động lực phát triển và quyết tâm phấn đấu hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra đến năm 2025.

Cụ thể, có ít nhất 8/19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Trong đó, Đồng bằng Sông Cửu Long có 4 tỉnh, thành phố, Đông Nam bộ có 4 tỉnh, thành phố. Mỗi tỉnh, thành phố có ít nhất một đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân tăng ít nhất 1,8 lần…

Lấy người dân làm chủ thể trong xây dựng nông thôn mới - Ảnh 3.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, lãnh đạo các Bộ, ngành và các tỉnh trao đổi bên lề Hội nghị

Tự làm chủ qua mô hình Hội quán

Là tỉnh còn nghèo nhưng Đồng Tháp nổi lên là một trong những địa phương tiêu biểu của vùng và cả nước về xây dựng nông thôn mới. Hiện nay trên 50% số xã đã đạt chuẩn nông thôn mới và có 1 đơn vị cấp huyện nông thôn mới, trung bình toàn tỉnh đã đạt trên 16 tiêu chí/xã.

Bí thư tỉnh uỷ Đồng Tháp Lê Minh Hoan chia sẻ tại hội nghị về cách xây dựng nông thôn mới của Đồng Tháp là để người dân làm chủ như đúng tinh thần Nghị quyết số 26/NQ-TW của Trung ương về nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Với mô hình hội quán, Bí thư Lê Minh Hoan cho biết trước hết đây là nơi bà con gặp mặt nhau và sau đó là hợp tác trong làm ăn.

"Muốn hùn thì phải hạp, phải gặp nhau và hiểu nhau từ câu chuyện đời thường thì mới "hùn hạp" làm ăn được", ông Hoan lý giải theo ngôn ngữ địa phương và cho rằng Hội quán là không gian cộng đồng, bước đệm giữa "nhà" và "nước".

Được biết, Hội quán ở Đồng Tháp hiện nay trước hết có tác dụng giúp nông dân liên kết mua chung bán chung, giảm chi phí, nâng cao giá trị hàng hoá, giúp địa phương làm du lịch nông thôn, truyền thông các chủ trương, chính sách của đảng, nhà nước, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Lấy người dân làm chủ thể trong xây dựng nông thôn mới - Ảnh 4.

Phó Thủ tướng thăm hỏi, tham quan khu trưng bày gian hàng của người dân

Còn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh cho biết tỉnh đã khơi dậy được vai trò và trách nhiệm của đồng bào công giáo góp phần quan trọng đối với xây dựng nông thôn mới. Huyện Thống Nhất có hơn 50% đồng bào công giáo đã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của cả nước vào năm 2015. Có 93% người dân nông thôn hài lòng với cuộc sống.

Ông Võ Văn Chánh kiến nghị Chính phủ thiết kế chính sách mới có tính tới việc phân loại xã chuyên về nông nghiệp và xã nằm trong vùng đô thị hoá để địa phương triển khai đầu tư tiết kiệm, hiệu quả.

Cũng tại hội nghị, các bộ ngành Trung ương đóng góp nhiều ý kiến trong thực tiễn xây dựng nông thôn mới. Theo đó, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Nguyễn Quang Dương khẳng định: Sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò của người đứng đầu, sẽ tạo ra sự chuyển biến rõ nét.

"Thực tiễn cho thấy, ở những nơi nào người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể thực sự tâm huyết, trách nhiệm, vào cuộc thường xuyên, quyết liệt thì việc xây dựng nông thôn mới đạt được cả mục tiêu về số lượng và đi vào chiều sâu chất lượng", ông Dương nói.

Tiêu chí nông thôn mới: Sẽ phân cấp mạnh hơn cho địa phương

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao các kết quả xây dựng nông thôn mới của hai vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long với nhiều cách làm hay, đạt được nhiều chỉ tiêu quan trọng, huy động hợp lý đóng góp của người dân.

Lấy người dân làm chủ thể trong xây dựng nông thôn mới - Ảnh 5.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm mô hình kinh tế hộ gia đình của ông Nguyễn Văn Lâm, ở xã Bình An. 4 ha mãng cầu mang lại thu nhập 1 tỷ đồng/năm cho gia đình ông.

Tới nay, các địa phương đã hoàn thành trước 18 tháng chỉ tiêu của Quốc hội và Chính phủ giao về xây dựng nông thôn mới với trên 50% tổng số xã đạt 19 tiêu chí. Do đó, Phó Thủ tướng, Trưởng Ban chỉ đạo cho rằng việc tổng kết và đề xuất các chính sách, cách làm mới cần được làm sớm để cả nước triển khai Chương trình ngay khi bước vào giai đoạn phát triển mới.

Trong quá trình triển khai, Trưởng Ban chỉ đạo đề nghị các bộ, địa phương không được chủ quan, thoả mãn, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ngành thực hiện thực chất xây dựng nông thôn mới trên tinh thần "tam nông là chiến lược, xây dựng nông thôn mới là căn bản, hiện đại hoá nông nghiệp là then chốt và vai trò của người nông dân là chủ thể" của Nghị quyết số 26/NQ-TW của Trung ương Khoá X.

Đi vào một số vấn đề cụ thể, Phó Thủ tướng cho rằng Chính phủ sẽ tiếp tục phân cấp mạnh hơn cho địa phương quyết định các tiêu chí nông thôn mới. Ví dụ vùng đồng bằng sông Cửu Long, nếu xã đã có chợ nổi thì không cần thiết bộ tiêu chí phải quy định phải có chợ trên bờ, hay ý kiến của tỉnh Đồng Nai về xác định lại tiêu chí của xã thuần nông và xã ven đô,...

Phó Thủ tướng cũng "đặt hàng" các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, đóng góp ý kiến về quy hoạch phát triển đô thị và vùng nông thôn đồng bằng sông Cửu Long trên tinh thần "thuận thiên", thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cùng với đó, tính toán việc xây dựng thôn, ấp nông thôn mới; kiến nghị tới Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh định mức phân bổ đầu tư hạ tầng phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng đồng bằng này; phát triển nông nghiệp phát triển bền vững gắn với công nghiệp, dịch vụ,...

Thảo Nguyên - Thành Công

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh