THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:16

Hơn 50% số xã ở vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long đạt chuẩn nông thôn mới

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia sẽ chủ trì Hội nghị. Cùng tham dự còn có lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trong vùng và các chuyên gia kinh tế, nông nghiệp và môi trường,...

Hơn 50% số xã ở vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long đạt chuẩn nông thôn mới - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tham quan gian trừng bày nông sản của người dân.

Vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long là hai vùng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội với các điều kiện và lợi thế để phát triển công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp.

Hai vùng này có 1.731 xã, dân số chiếm 37,2% và tổng diện tích đất tự nhiên chiếm 19,3% toàn quốc. Đến hết tháng 7 năm 2019, cả hai vùng đã có 874/1.731 xã (50,49%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (tương đương với tỷ lệ bình quân chung của cả nước 50,8%).

Vùng Đông Nam Bộ có 311/445 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 69,89%, tăng 35,8% so với cuối năm 2015), trong đó, 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Dương có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt, Đồng Nai là địa phương đầu tiên trong vùng và của cả nước đã công nhận 31 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Dự kiến trong năm nay, tỉnh Đồng Nai cũng công nhận một xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Vùng đồng bằng sông Cửu Long có 563/1.286 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 43,78%, tăng 30,88% so với cuối năm 2015).

Hai vùng có 30 đơn vị cấp huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (vùng Đông Nam Bộ có 18 đơn vị và vùng đồng bằng sông Cửu Long có 12 đơn vị) chiếm 33,7% của cả nước (89 đơn vị). Trong đó, Đồng Nai là tỉnh có 100% đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Trong những năm qua, các địa phương đã chú trọng đầu tư, nâng cấp hạ tầng nên phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng nông thôn có chuyển biến rõ nét, nhất là trong tổ chức sản xuất và chất lượng đời sống, sinh hoạt cho người dân.

Đến nay, gần 100% số xã vùng Đông Nam Bộ có đường giao thông đến huyện, đường trục xã; 98% đường trục thôn được bê tông, nhựa hóa…; vùng đồng bằng sông Cửu Long 97% số xã có đường đến huyện, 96,5% đường trục xã được bê tông, nhựa hóa; trên 91% số xã có đường trực thôn được rải nhựa, bê tông, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho thúc đẩy tiêu thụ nông sản, hàng hóa quy mô lớn, đồng thời góp phần thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào khu vực nông thôn, kể cả ở các vùng sâu, vùng xa.

Những kết quả này đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 vùng Đông Nam Bộ khoảng 51,26 triệu đồng (tăng gấp 1,8 lần so với năm 2010), vùng đồng bằng Sông Cửu Long là khoảng 36,7 triệu đồng (tăng 2,4 lần so với năm 2010 và tăng 1,1 lần so với năm 2016), cao hơn bình quân cả nước (35,88 triệu đồng).

Trong 10 năm qua, tốc độ gia tăng thu nhập của người dân nông thôn ở cả hai vùng đều nhanh hơn so với tốc độ gia tăng thu nhập của người dân đô thị, góp phần rút ngắn khoảng cách chênh lệch thu nhập giữa nông thôn và thành thị. Trong đó, nổi bật nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long khi chênh lệch thu nhập giữa thành thị và nông thôn chỉ còn 1,41 lần, thấp hơn so với vùng Đông Nam Bộ (còn 1,57 lần) và cả nước (cả nước còn 1,8 lần năm 2018, so với 2,1 lần năm 2008).

Tỷ lệ hộ nghèo của hai vùng đều thấp hơn so mới cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều khu vực nông thôn năm 2018 của vùng Đông Nam Bộ dự kiến còn khoảng 0,3% (giảm 0,5% so với năm 2016), trong đó, TPHCM và Đồng Nai áp dụng chuẩn nghèo riêng của địa phương với định mức và yêu cầu cao hơn nhiều so với tiêu chí chung của cả nước. Vùng đồng bằng sông Cửu Long còn khoảng 3,3% (giảm khoảng 3,4% so với năm 2016).

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh