Tài nguyên du lịch miền Trung – Tây Nguyên như một viên ngọc thô!
- Văn hóa - Giải trí
- 02:50 - 17/02/2019
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị "Phát triển du lịch miền Trung và Tây Nguyên" tại Huế
Sáng 16/2, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và chủ trì Hội nghị “Phát triển du lịch miền Trung và Tây Nguyên” diễn ra tại TP. Huế.
Sau khi nghe báo cáo kết quả phát triển du lịch của khu vực trong thời gian qua cũng như các ý kiến tham luận góp ý phát triển du lịch khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Thủ tướng đã có những phát biểu nhận định, chỉ đạo đối với công tác trên.
Thủ tướng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Miền Trung – Tây Nguyên là nơi hội tụ và có hầu hết các nguồn tài nguyên du lịch quý giá: Từ tài nguyên biển, đảo, vịnh nước sâu, đồi núi, hồ thác, di sản văn hóa - lịch sử, cửa khẩu biên giới,…đặc biệt là có 11 di sản văn hóa thế giới và gần 2.000km bờ biển. Nơi đây còn là địa bàn sinh sống của 47 dân tộc anh em đã tạo thành một kho tàng văn hóa đặc sắc nhất trong cả nước, nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa mà tiêu biểu,…
“Không có hệ đếm hay mỹ từ nào đủ để có thể lột tả hết và tô điểm hết được các tài nguyên quá đặc sắc và phong phú của khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Khu vực có đủ điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các cụm ngành du lịch, như: cụm ngành du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa – lịch sử, du lịch di sản, du lịch biển đảo, sinh thái, khám phá đồi núi, hang động,…” Thủ tướng phân tích. Theo Thủ tướng, một cụm ngành vô cùng nhiều các ngành liên qua, trong đó trung tâm là du lịch tự nhiên, nhân tạo xoay quanh các dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, ngành cung cấp yếu tố đầu vào, cung cấp dịch vụ hỗ trợ,…Do đó phải phát triển các ngành đồng bộ chứ không phải lấy tài nguyên du lịch làm điểm. Các địa phương phải nhận thức đầy đủ khái niệm này để phát triển một cách bền vững.
Mặt khác, theo Thủ tướng, ngành du lịch khu vực miền Trung – Tây Nguyên trong những năm qua đã có những phát triển vượt bậc. Song, tài nguyên du lịch nơi đây vẫn như một viên ngọc thô, chưa được mài dũa hoặc chưa tìm được người thợ mài dũa xứng đáng. “Đồng thời, việc có nhiều tài nguyên du lịch đôi khi lại là một cái bất lợi khiến chúng ta khó tìm được một bản sắc, sự nhận diện thương hiệu. Nhiều tài nguyên đôi khi cũng là một cái bẫy dẫn đến sự quan tâm, chắt chiu chưa đúng mực trong quản lý, phân bổ, trong khai thác, sử dụng dẫn đến lãng phí, không hiệu quả. Tài nguyên dẫu có vô tận nhưng nếu không biết khai thác thì tài nguyên dễ bị suy thoái”, Thủ tướng cảnh báo.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan một gian hàng triển lãm xúc tiến đầu tư bên lề Hội nghị
Song song với đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra những điểm còn tồn tại, hạn chế trong phát triển du lịc của khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Theo Thủ tướng, du lịch khu vực này nói riêng, cả nước nói chung đang còn mất cân đối, thiếu sâu sát, nhạt bản sắc,…Tài nguyên du lịch bị phân mảnh trong quản lý, khai thác, sử dụng; nhiều nơi bị xuống cấp, mất giá trị, rất khó - và thậm chí không thể phục hồi.
Sản phẩm du lịch còn đơn điệu, mức chi tiêu trung bình của du khách còn thấp, chất lượng, dịch vụ, năng lực phục vụ của các nơi lưu trú, khách sạn, nhà hàng, quán ăn, các dịch vụ vui chơi giải trí,… chưa đáp ứng được yêu cầu; dịch vụ hỗ trợ, giá trị gia tăng còn đơn điệu, nghèo nàn, lặp lại trên hầu hết các địa phương.
Các địa phương mới chỉ chú trọng khai thác tài nguyên du lịch trong khi thiếu đầu tư các dịch vụ liên quan dẫn đến tài nguyên chưa được khai thác hiệu quả, giá trị sản phẩm du lịch chưa cao.
Ngành du lịch còn chậm đổi mới. Trong khi các vấn nạn chặt chém, chèo kéo, chèn ép du khách, xe dù, bến cóc,… vẫn diễn ra đã làm xấu đi hình ảnh đất nước trong mắt bạn bè quốc tế và ảnh hưởng đến việc phát triển du lịch. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm vấn đề này; các địa phương không được để vấn nạn “chặt chém” trở thành thương hiệu của mình.
Thủ tướng đặt ra 5 câu hỏi yêu cầu ngành du lịch tìm ra câu trả lời. Đó là làm thế nào khách đến đông hơn? Làm thế nào khách đến ở lại lâu thay vì đi sớm hơn? Làm thế nào để khách tiêu tiền nhiều hơn thay vì không có gì để tiêu? Làm thế nào để khách kể lại câu chuyện đi du lịch với người thân, bạn bè một cách đầy hứng khởi thay vì kể câu chuyện nào đó xấu ở Việt Nam? Làm thế nào để du khách quay trở lại sớm nhất chứ không phải một đi không trở lại?
Thủ tướng chỉ đạo ngành du lịch cần tập trung đào tạo nhân lực, chú trọng kỹ năng thực tế, ngọai ngữ; cần đa dạng hóa, không ngừng đổi mới các sản phẩm du lịch; chú trọng phát triển du lịch cộng đồng; tiếp tục ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch; tăng cường liên kết du lịch; cần chú trọng sản phẩm du lịch phải độc đáo, khác biệt, đổi mới liên tục, tập trung khai thác các thị trường có chất lượng cao, xây dựng mỗi người Việt Nam thành một đại sứ du lịch,…
Du lịch miền Trung - Tây Nguyên chưa phát triển tương xứng với tiềm năng to lớn sẵn có
Đối với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu cần phải tự lực bứt phá; giải quyết điểm nghẽn đất đai, tài nguyên du lịch để thu hút nhà đầu tư. Đối với các doanh nghiệp, Thủ tưởng chỉ đạo, các doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp du lịch cần phải có tính tự hào, tự tôn dân tộc trong phát triển du lịch. Không thể vì kinh doanh mà làm xấu, làm ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước, dân tộc Việt Nam; cần phải công khai, minh bạch, bình đẳng trong đầu tư, kinh doanh,… “Tôi mong rằng, các doanh nghiệp sẽ luôn đồng hành với Chính phủ trong công cuộc phát triển du lịch khu vực miền Trung – Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Về phía Trung ương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu và đồng hành cùng ngành du lịch cả nước nói chung, khu vực miền Trung – Tây Nguyên nói riêng. Thủ tướng cam kết sẽ cùng với các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương gìn giữ môi trường hòa bình, an ninh trật tự; tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho các địa phương kêu gọi nhà đầu tư; tạo ra các sự kiện quốc tế; mở cửa bầu trời, nâng cấp sân bay, cảng biển, đường ven biển theo hướng xã hội hóa,…vấn đề visa, cấp thị thực cho du khách nước ngoài,…
“Hiện nay, quy mô, tầm vóc của du lịch Miền trung – Tây Nguyên đã ở một vị thế khác so với những năm trước đây. Vì vậy, tôi mong, sau Hội nghị này, các địa phương, các ngành sẽ có những chuyển biến căn bản về nhận thức và hành động để thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết 08 của Đảng chúng ta. Đó là đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, Thủ tướng chỉ đạo.