Du lịch góp phần giải quyết việc làm cho 180.000 lao động miền Trung – Tây Nguyên
- Tây Y
- 20:36 - 16/02/2019
Hội nghị “Phát triển du lịch miền Trung và Tây Nguyên”
Sáng 16/2, tại TP. Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế với vai trò Chủ tịch Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nhiệm kỳ 2017 – 2018 đã phối hợp với Bộ VH – TT&DL cùng một số Bộ, ngành Trung ương tổ chức Hội nghị “Phát triển du lịch miền Trung và Tây Nguyên”.
Tham dự và chủ trì Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; lãnh đạo các Ủy ban, Bộ, ban ngành Trung ương; cùng khoảng 300 đại biểu là lãnh đạo 19 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên; đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, đại diện các doanh trong và ngoài nước.
Khu vực miền Trung - Tây Nguyên gồm có 19 tỉnh, thành phố với diện tích tự nhiên xấp xỉ gần 152 ngàn km2, dân số hơn 24 triệu người. Với 1.870 km đường bờ biển, hơn 1.500 km biên giới đường bộ với Lào và Campuchia, miền Trung - Tây Nguyên là lãnh thổ có nguồn tài nguyên khá đa dạng và phong phú với nhiều tiềm năng nổi trội về biển, đảo, vịnh nước sâu, đồi núi, hồ thác, di sản văn hóa - lịch sử, cửa khẩu biên giới… cho phép phát triển kinh tế tổng hợp với nhiều ngành chủ lực, đặc biệt là phát triển du lịch.
Là cửa ngõ ra biển của hành lang kinh tế Đông - Tây, lại có lãnh thổ trải dài trên tuyến du lịch xuyên Việt, xuyên Á, miền Trung - Tây Nguyên có vị trí đặc biệt quan trọng trong bản đồ du lịch Việt Nam.
Ngoài ra, miền Trung và Tây nguyên là nơi tập trung 11 di sản văn hóa thế giới, trong đó các di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận như: Thừa Thiên Huế có 5/9 di sản của Vùng, cụ thể gồm: Quần thể di tích cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, Mộc bản và Châu bản Triều Nguyễn, thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế; di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha (Quảng Bình) , Quảng Nam Phố cổ Hội An và Khu di tích Mỹ Sơn và còn có Dân ca bài chòi miền Trung và “Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên”. Đồng thời, đây là nơi tập trung 47 dân tộc anh em đã tạo thành một kho tàng văn hóa đặc sắc nhất trong cả nước, nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa mà tiêu biểu là văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chăm, văn hóa Trung Hoa, văn hóa Nhật Bản,... Bên cạnh đó, có hơn 3.000 di tích lịch sử văn hóa, di tích lịch sử cách mạng được công nhận trong đó 700 di tích cấp quốc gia, gần 40 di tích quốc gia đặc biệt.
Miền Trung và Tây nguyên có hệ thống hạ tầng, giao thông được quy hoạch khá hoàn thiên, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội với các trục giao thông Bắc - Nam cả trên đường bộ và đường sắt.
Hoạt động đào tạo nhân lực du lịch tập trung ở hệ thống 10 trường đại học, 11 trường cao đẳng và trung cấp có đào tạo chuyên ngành du lịch hoặc chuyên ngành liên quan. Ở cấp cao đẳng hiện có 2 trường cao đẳng nghề du lịch Huế và Nha Trang được đầu tư khá đồng bộ, có khả năng đào tạo nghề du lịch theo Chương trình VITOS với 13 nghề đạt tiêu chuẩn châu Âu.
Trong những năm qua du lịch miền Trung và Tây Nguyên đã đạt được những kết quả khả quan, cụ thể năm 2018 đã đón hơn 58 triệu lượt khách,trong đó khách quốc tế là 9,5 triệu lượt, tổng thu nhập từ du lịch đạt khoảng 116.000 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho hơn 180.000 lao động. góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của miền Trung – Tây Nguyên cũng như sự phát triển du lịch chung của cả nước.
Đã thu hút nhiều dự án, nhà đầu tư có thương hiệu trong và ngoài nước; công tác xúc tiến quảng bá du lịch được chú trọng với việc hình thành nhiều sự kiện du lịch như Festival Huế, Fesival pháo hoa Đà Nẵng, Đêm rằm phố cổ Hội An, Fesival biển Nha Trang, Festval Hoa (Lâm Đồng), … đã góp phần tích cực hình thành hình ảnh điểm đến khu vực miền Trung - Tây Nguyên; hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch từng bước được nâng cao, nhận thức về du lịch ở các cấp chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và cư dân ở các địa phương có chuyển biến tích cực; công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch phục vụ cho các trung tâm du lịch của vùng được đẩy mạnh; hoạt động hợp tác, liên kết vùng trong phát triển du lịch đã được chú trọng, một số mô hình liên kết giữa các địa phương đã được hình thành và hoạt động có hiệu quả.
Để đẩy mạnh thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển du lịch khu vực miền Trung - Tây Nguyên trong thời gian tới, Chủ tịch Hội đồng Vùng đã thay mặt Hội nghị đề xuất Thủ tướng Chính phủ quan tâm một số vấn đề trọng điểm, như: Xem xét thí điểm cơ chế, chính sách tạo động lực nhằm đưa du lịch miền Trung - Tây Nguyên phát triển tương xứng với tiềm năng và vị thế trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam; Cho phép áp dụng cơ chế ưu đãi nhất theo quy định hiện hành để thu hút đầu tư đảm bảo đến năm 2025 sẽ hoàn chỉnh ít nhất 03 khu du lịch biển, đảo có sức cạnh tranh quốc tế; Cho phép thực hiện thí điểm thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch tại các tỉnh và Vùng với nguồn thu từ huy động nguồn lực xã hội từ doanh nghiệp du lịch; Cho phép lấy visa tại các cửa khẩu hàng không quốc tế Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Bài và cửa khẩu đường bộ Lao Bảo… Có chính sách riêng hổ trợ cho đào tạo nghề du lịch cho lao động miền Trung và Tây Nguyên; Cho phép thực hiện cơ chế sử dụng ít nhất 10% nguồn thu ngân sách để lại từ du lịch để xây dựng hệ thống thu gom và xử lý chất thải tại các địa bàn trọng điểm du lịch; phát triển hệ thống nhãn sinh thái cho các sản phẩm du lịch.
Bên cạnh đó, Hội nghị cũng đề nghị Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các địa phương, các bộ ngành khác rà soát điều chỉnh quy hoạch vùng phù hợp Luật qui hoạch năm 2017, nhằm xác định lại không gian của vùng nhất là khu du lịch, hệ thống hạ tầng của Vùng. Cho phép ban hành Quy chế điều phối, liên kết Vùng duyên hải miền Trung, trong đó xác định rõ nguyên tắc, nội dung, nhiệm vụ và quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Hội đồng điều phối liên kết vùng duyên hải miền Trung trên cơ sở điều chỉnh bổ sung nhiệm vụ và quyền hạn, thành phần và chế độ làm việc của Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.