THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:48

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng: Giảm nghèo bền vững đạt nhiều thành tựu quan trọng

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng tặng quà hộ nghèo ở Hà Giang.

 

Nhìn tổng quan, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 2016-2020 đã lan tỏa sâu rộng toàn xã hội, đạt được nhiều thành tựu to lớn: Gảm nghèo cho hàng chục triệu người, xóa bỏ tình trạng thiếu đói trên cả nước, hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển sản xuất, sinh kế cho người dân khu vực nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm, đầu tư với hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Mặc dù thiên tai, lũ lụt liên tiếp xảy ra hàng năm ảnh hưởng đến nhiều tỉnh, thành, cả nước vẫn đạt chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo Nghị quyết Quốc hội đề ra (tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 6,70%, năm 2017, xuống còn 5,35%, vào cuối năm 2018); Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo 30a còn dưới 35% (giảm khoảng 5% so với cuối năm 2017). Tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vùng dân tộc và miền núi giảm 3 - 4% so với năm 2017.  Kiềm chế có hiệu quả tái nghèo (tỷ lệ tái nghèo trung bình cả nước giảm từ 0,13% (năm 2016) xuống 0,10% (năm 2017.).  Hiện, đã có 8 huyện 64 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a thoát nghèo; 14 huyện hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn...

 Để có những thành công này, các chính sách giảm nghèo đã được thực hiện đồng bộ từ trung ương đến địa phương, bãi bỏ dần các chính sách cho không, loại bỏ tâm lý trông chờ ỷ lại của người nghèo, hộ nghèo. Nhiều địa phương  đã ban hành nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ cho người nghèo, đồng thời có nhiều chủ trương, cách làm mới để huy động sự vào cuộc, phát huy trách nhiệm toàn hệ thống chính trị và thu hút sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng vào cuộc chung tay “Vì người nghèo”.

Tuy đã đạt được những thành tựu lớn về giảm nghèo, nhưng chúng ta đang đứng trước nhiều thách thức trong thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, đó là: Tốc độ giảm nghèo không đồng đều; chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chậm được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Việc chuyển dịch cơ cấu lao động chậm, phổ cập giáo dục còn chênh lệch, đặc biệt với nhóm trẻ em dân tộc thiểu số, hộ nghèo và vùng đặc biệt khó khăn…  đã ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững ở nhiều vùng miền, đặc biệt ở những địa bàn phát triển kinh tế xã hội khó khăn- nơi vùng lõi của nghèo đói.

Để giải quyết những thách thức này, theo chỉ đao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đã tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội tích hợp chính sách thuộc các lĩnh vực bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, dễ theo dõi, dễ thực hiện nhằm hướng tới hoàn thành mục tiêu về giảm nghèo trong năm 2019. Cùng với đó, khắc phục tình trạng trục lợi chính sách; đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi chính sách giảm nghèo, tích hợp chính sách thuộc các lĩnh vực bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, dễ theo dõi, dễ thực hiện; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cấp xã, huyện, đặc biệt là các xã nghèo, các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, chú trọng hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, để không rơi vào tình trạng tái nghèo trở lại. Thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, bảo đảm huy động đầy đủ, kịp thời; tăng cường huy động vốn từ ngân sách địa phương và các nguồn đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp, vận động tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước...

NGUYỄN SÍU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh