CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:16

Du lịch nông thôn mở ra triển vọng phát triển mới để xóa đói giảm nghèo

 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, du lịch nông thôn - một xu hướng mới tại Việt Nam thời gian qua và vai trò của phương thức kinh tế này đối với xây dựng nông thôn mới, phát triển bền vững, góp phần tăng thu nhập cho cư dân nông thôn.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trải nghiệm du lịch nông thôn ở Sìn Hồ, Lai Châu.

 

Bà Giàng Páo Mỷ, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu cho biết năm 2018, tỉnh Lai Châu đã lựa chọn thí điểm mô hình phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới tại 3 xã: Khun Há, Hồ Thầu (huyện Tam Đường), Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ). Lai Châu, là một trong những địa phương có quyết tâm mạnh mẽ trong phát triển du lịch nông thôn.“Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới là hướng đi đúng đắn, mở ra triển vọng cho các tỉnh, thành phố, trong đó có Lai Châu đối với phát triển kinh tế - xã hội. Người dân ở nông thôn thực sự phát huy được tính chủ động, sáng tạo của mình, vừa sản xuất nông nghiệp, vừa cung ứng dịch vụ để tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống”, bà Giàng Páo Mỷ cho hay.

Theo ông Lê Khánh Hải, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới dựa chủ yếu trên nền tảng của hoạt động, không gian sản xuất nông nghiệp với quan điểm phát triển bền vững về môi trường sinh thái và văn hóa.

Đại diện một số doanh nghiệp tổ chức các chương trình du lịch ở nông thôn đánh giá cao lợi ích từ phương thức du lịch này khi họ đang triển khai hiệu quả nhiều tour ở các tỉnh Ninh Bình, Lào Cai, Lâm Đồng, Tây Nam Bộ,... Trong thực hiện, các doanh nghiệp đề cao giá trị từ tự nhiên, tập quán sản xuất và văn hóa đặc sắc của khu vực nông thôn và tính chuyên nghiệp của cư dân là nền tảng quan trọng để thu hút khách du lịch.

Còn theo nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Thị Hương Lan, Trường Đại học KHXH&NV TP Hồ Chí Minh: "Những kết quả bước đầu có được ở một số địa phương là nhờ sự cam kết và quyết tâm thực hiện của chính quyền. Vai trò của cộng đồng rất quan trọng nhưng không có sự chung tay của lãnh đạo chính quyền, ngành du lịch vào công việc thì không thể làm được trong bảo đảm an toàn cho du khách hay hỗ trợ, khuyến khích sự sáng tạo của cư dân,...”.

Các địa phương cần xây dựng những tour du lịch đặc trưng để hút khách.

 

PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương nhận định, xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch có quan hệ biện chứng với nhau, cần phải xây dựng các chuỗi giá trị của du lịch nông thôn và kết nối các bên liên quan, tập trung vào tính đặc thù văn hoá để xây dựng thương hiệu.

Hiện, Bộ NN&PTNT đang đề xuất tập trung xây dựng mô hình du lịch Làng văn hoá du lịch ở các địa phương Hà Giang (Thung lũng dược liệu xanh), Lai Châu (tập trung khai thác văn hoá người Mông trên dãy Hoàng Liên Sơn), Thanh Hóa (Công viên văn hoá tre, luồng), Bến Tre (văn hóa cây cảnh, vườn). Một số địa phương như Lào Cai, Bắc Kạn, Ba Vì (Hà Nội) cũng đăng ký triển khai các mô hình du lịch nông thôn theo đặc trưng của mình.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chương trình xây dựng nông thôn mới có bước tiến rất quan trọng khi cả nước có 59 huyện của 29 tỉnh, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới. Sang năm 2019 cả nước sẽ có 50% số xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới thay vì tới năm 2020 như yêu cầu của Nghị quyết Quốc hội. Nhiều vùng quê, khu dân cư trở thành kiểu mẫu của đời sống nông thôn, thành nơi đáng sống. Bên cạnh đó, du lịch đang có sự phát triển khá bùng nổ khi năm 2019, cả nước sẽ thu hút 18 triệu du khách quốc tế, về “đích” trước so với chỉ tiêu của Nghị quyết 08 một năm và vượt chỉ tiêu 1 triệu khách quốc tế.

Do đó, Phó Thủ tướng cho rằng, cần gắn kết xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch nông thôn bằng khung khổ chính sách cụ thể. Theo Phó Thủ tướng, du lịch nông nghiệp dựa trên cơ sở sản xuất nông nghiệp, tài nguyên nông nghiệp mà chủ thể là người nông dân. Còn du lịch nông thôn thì không chỉ dựa trên sản xuất mà còn dựa trên tài nguyên, thiên nhiên, văn hoá, bản sắc dân tộc. Xác định rõ nội hàm để các bộ, ngành không lúng túng trong xây dựng quy hoạch chiến lược xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch trong tương lai.

Dẫn ra xu hướng du lịch nông thôn ở các quốc gia khác, Phó Thủ tướng nhận thấy khi du lịch, dịch vụ nông thôn phát triển (đóng góp tới 40% trong tổng thu nhập của cư dân nông thôn) thì sản xuất nông nghiệp co hẹp lại và đi vào chiều sâu. Hiện nay, kinh tế nông nghiệp chủ yếu phát triển theo chiều rộng. Trong đó, du lịch nông thôn chỉ được coi là công cụ chống đói nghèo và đa dạng thu nhập cho nông dân. Với nguồn lực 38% lao động ở nông nghiệp và hơn 60% cư dân nông thôn, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương nhận thức du lịch nông thôn phải xuất phát từ nguồn lực tự nhiên, con người, văn hoá,... để tạo ra các sản phẩm du lịch hiệu quả, thu hút du khách, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững cả về kinh tế, văn hóa và môi trường.

Từ thực tiễn những lần đi khảo sát ở nhiều địa phương, Phó Thủ tướng bày tỏ điều kiện thành công cho phát triển du lịch ở nông thôn là 3 yếu tố: Tôn trọng cộng đồng, bản sắc văn hóa và tính xác thực; kết hợp lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội (bảo vệ môi trường, ngành nghề truyền thống,..,) và sự tham gia của cộng đồng khi ra quyết định. Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương cần đánh giá định hướng tiềm năng phát triển du lịch, kết nối với các tour, sản phẩm đặc thù. Tuy nhiên, lãnh đạo Chính phủ lưu ý không phát triển du lịch nông thôn tràn lan, đồng thời, phát triển dịch vụ phụ trợ đễ hỗ trợ cho du lịch, gắn phát triển hạ tầng du lịch nông thôn với ứng phó biến đổi khí hậu, giảm tải tác động của thiên tai, bảo vệ môi trường, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho cư dân nông thôn,...

VĂN QUYẾT

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh