Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác ATVSLĐ
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 15:09 - 19/03/2016
*Thứ trưởng đánh giá thế nào về tình hình thực hiện công tác ATVSLĐ-PCCN trong năm 2015?
- Năm 2015 là năm cuối của kế hoạch 2011- 2015, là giai đoạn tập trung xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản pháp luật về ATVSLĐ. Trong năm, Quốc hội đã thông qua Luật An toàn, vệ sinh lao động. Trước tình hình ATVSLĐ-PCCN có diễn biến phức tạp, với trách nhiệm quản lý nhà nước được giao, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm; đã huấn luyện nghiệp vụ ATVSLĐ cho hơn 5.000 giảng viên an toàn và gần 5 triệu lượt cán bộ quản lý, người lao động. Cùng với đó, công tác thông tin, tuyên truyền cũng được đẩy mạnh và đa dạng hóa. Đặc biệt, hệ thống truyền thông đại chúng, các Đài truyền hình, Đài phát thanh đã mở chuyên mục tư vấn, phổ biến kiến thức về ATVSLĐ.
Lực lượng Cảnh sát PCCC, Bộ Công an đã tham mưu với Đảng ủy Công an Trung ương, trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy”. Đây là lần đầu tiên có Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác PCCC, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng đối với công tác PCCC; phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân đối với công tác PCCC; tạo sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động của các cấp, các ngành và toàn xã hội.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp.
Song, dù chúng ta đã có rất nhiều cố gắng trong triển khai thực hiện công tác ATVSLĐ và phòng chống cháy nổ, nhưng tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ trong năm 2015 vẫn diễn biến rất nghiêm trọng; số vụ tai nạn lao động tăng, số người chết do TNLĐ và số vụ cháy đều tăng.
* Có thực tế, các vụ TNLĐ gây chết người có xu hướng gia tăng, nhưng số vụ việc bị khởi tố lại rất ít, nên việc bảo đảm ATVSLĐ-PCCN chưa đạt kết quả mong muốn. Thứ trưởng đánh giá ra sao về thực trạng này ?
- Năm 2015, ngoài một số vụ TNLĐ nghiêm trọng, làm chết nhiều người và đang trong quá trình điều tra, chưa có hình thức xử lý thì đã có 5 vụ được chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân đề nghị khởi tố. Có 1 vụ đã xét xử, đó là vụ tai nạn sập giàn giáo xảy ra ngày 25/3, làm 13 người chết và 29 người bị thương, xảy ra tại công trường thi công thuộc Dự án Formusa, của Cty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formusa Hà Tĩnh, Khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh. Đơn vị thi công là Cty samsung C&T Corporation. Cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Ngày 21/12/2015 TAND tỉnh Hà Tĩnh đã xét xử, tuyên án 4 bị can về tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động” với tổng hình phạt 144 tháng tù giam...
Trong năm qua, cũng có một số vụ TNLĐ của các năm trước đã được đưa ra xét xử, trong đó có vụ tai nạn xảy ra tại Cty thuộc da Hào Dương (khu công nghiệp Hiệp Phước), huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh.
* Thời gian tới, có các giải pháp chủ yếu nào nhằm giảm thiểu TNLĐ, thưa Thứ trưởng ?
- Nhằm triển khai Luật ATVSLĐ, đáp ứng yêu cầu tăng cường hoạt động phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp; đồng thời mở rộng phạm vi, đối tượng của công tác ATVSLĐ đến với mọi người lao động trong cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực không có quan hệ lao động, cũng như thiết lập chặt chẽ hơn hệ thống kiểm soát rủi ro ở các cấp (nơi làm việc, doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan), công tác ATVSLĐ trong thời gian sẽ được triển khai với những nội dung như sau:
- Nâng cao trách nhiệm của Nhà nước trong quản lý, đầu tư cho công tác ATVSLĐ, trong đó ưu tiên các hoạt động: Hoàn thiện khung khổ pháp luật về ATVSLĐ phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế; bổ sung, hoàn chỉnh các văn bản pháp quy dưới luật về ATVSLĐ cùng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATVSLĐ.
Huấn luyện an toàn lao động cho công nhân.
- Hoàn thiện hệ thống tổ chức và tăng cường hoạt động của hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về ATVSLĐ, trước hết là nghiên cứu xây dựng hệ thống tổ chức Thanh tra chuyên ngành về ATVSLĐ từ Trung ương đến địa phương; tổ chức thanh tra chuyên ngành về ATVSLĐ trong các lĩnh vực phóng xạ; thăm dò, khai thác dầu khí; các phương tiện vận tải đường sắt, đường bộ, đường hàng không. Dự kiến sẽ có khoảng 300 cán bộ thuộc các cơ quan quản lý nhà nước ở các bộ, ngành, địa phương có chuyên môn phù hợp bổ sung cho lực lượng thanh tra chuyên ngành này. Cùng với đó là từng bước tăng cường cả về số lượng, chất lượng thanh tra viên về ATVSLĐ, bảo đảm cho các đơn vị, doanh nghiệp có sử dụng máy, thiết bị, vật tư, hóa chất độc hại phải được kiểm tra, thanh tra ít nhất mỗi năm một lần.
- Triển khai các chiến dịch thanh tra ATVSLĐ trong lĩnh vực xây dựng, trong các lĩnh vực có nguy cơ cao về TNLĐ, BNN và cương quyết xử lý nghiêm các vi phạm ATVSLĐ gây TNLĐ nghiêm trọng. Xây dựng và triển khai các mô hình quản lý ATVSLĐ trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phù hợp với các cơ sở lao động trong làng nghề, hợp tác xã, quy mô doanh nghiệp. Đảm bảo mỗi doanh nghiệp phải có người có chuyên môn phù hợp, hoặc được bồi dưỡng và đào tạo kiến thức về ATVSLĐ. Tại các doanh nghiệp có quy mô từ 300 lao động trở lên phải có biên chế cán bộ chuyên trách làm công tác bảo hộ lao động tương ứng và phù hợp với số lượng lao động cũng như mức độ nguy cơ TNLĐ, bệnh nghề nghiệp.
- Phát huy vai trò và sự tham gia ngày càng tăng của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và các tổ chức khác, kể cả của tư nhân vào hoạt động ATVSLĐ trong khuôn khổ qui định của pháp luật. Trong các hội, hiệp hội đó, có một số đơn vị liên quan trực tiếp, hoặc có mối quan hệ đến lĩnh vực bảo hộ lao động như Hội KHKT An toàn và Vệ sinh lao động Việt Nam (VOSHA), Hội Y học lao động Việt Nam, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Hội Lạnh và điều hoà không khí Việt Nam, Hội Môi trường công nghiệp Việt Nam v.v...
- Đẩy mạnh phân cấp cho địa phương, tập trung xây dựng chương trình hành động, kế hoạch và tổ chức triển khai các chính sách, chương trình, dự án ATVSLĐ; tiếp nhận nguồn lực của Trung ương và huy động nguồn lực tại chỗ; quản lý nhà nước các hoạt động sự nghiệp ATVSLĐ do Trung ương chuyển giao về địa phương; tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện chính sách ATVSLĐ ở địa phương, nhất là trong doanh nghiệp...
- Đổi mới việc tổ chức Tuần lễ Quốc gia ATVSLĐ và Phòng chống cháy nổ hàng năm sang thành Tháng hành động Quốc gia về ATVSLĐ, nhằm hướng các nội dung ATVSLĐ được triển khai đầy đủ, toàn diện và cụ thể tại các doanh nghiệp, nơi làm việc.
- Triển khai các Chương trình Quốc gia về ATVSLĐ giai đoạn 2016-2020 và các giai đoạn tiếp theo với các trọng tâm, ưu tiên cho lĩnh vực có nguy cơ cao và khu vực không có quan hệ lao động.
* Xin cảm ơn Thứ trưởng !
Năm 2015, cả nước xảy ra 2.792 vụ cháy (trong đó có 1.101 vụ cháy tại các cơ sở, 1.121 vụ cháy nhà dân, 182 vụ cháy phương tiện giao thông và 388 vụ cháy rừng), làm chết 62 người, bị thương 264 người, tiêu hủy về tài sản trị giá 1.498,3 tỷ đồng và 1.623,2 ha rừng. Trong năm cũng đã xảy ra 35 vụ nổ, làm chết 12 người, bị thương 41 người, thiệt hại về tài sản 896 triệu đồng. |