CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:17

Siết chặt công tác đảm bảo ATVSLĐ

 

Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động cho biết, Luật ATVSLĐ có những điểm mới: So với phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Bộ luật Lao động năm 2012, Luật lần này quy định rộng hơn, bao quát và cụ thể hơn các hoạt động về ATVSLĐ. Phạm vi điều chỉnh bao gồm các quy định về tổ chức quản lý công tác ATVSLĐ trong cơ sở sản xuất, kinh doanh, chính sách, chế độ đối với người bị TNLĐ, BNN... Công tác ATVSLĐ liên quan đến tất cả các tổ chức, cá nhân có hoạt động lao động, sản xuất, cụ thể: Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng: mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với tất cả các tổ chức, cá nhân có liên quan đến ATVSLĐ; mở rộng đối tượng áp dụng đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động; Quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ về ATVSLĐ của người sử dụng lao động, người lao động, người làm công tác ATVSLĐ; người làm công tác y tế, an toàn vệ sinh viên (tại Bộ luật Lao động, điều 138 chỉ quy định cụ thể nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động về ATVSLĐ).

Lớp tập huấn ATVSLĐ tại Cty cổ phần đầu tư xây dựng Vinaconex.

Bên cạnh đó, Luật cũng bổ sung  2 chính sách mới về bảo hiểm TNLĐ, BNN cho người lao động làm việc theo hợp đồng lao động: hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị TNLĐ, BNN khi trở lại làm việc và chính sách hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ, BNN; ghi rõ mức đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN linh hoạt, tối đa 1%; chế độ bảo hiểm về BNN cho người mắc bệnh sau khi đã nghỉ hưu, hoặc chuyển công việc khác; bảo vệ quyền lợi cho người lao động khi giao kết nhiều hợp đồng lao động bị TNLĐ; bảo vệ quyền, lợi ích cho người lao động khi nhận công việc về nhà làm. Luật cũng đã chú trọng đổi mới công tác huấn luyện ATVSLĐ, hoạt động kiểm định; hoạt động thống kê, báo cáo, điều tra về TNLĐ, BNN; đánh giá rủi ro tại nơi làm việc và tự kiểm tra về ATVSLĐ.

Luật ATVSLĐ cũng đã quy định cụ thể trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, quyền và trách nhiệm của tổ chức công đoàn, của Hội nông dân Việt Nam trong bảo đảm ATVSLĐ; quy định hội đồng ATVSLĐ cấp quốc gia, cấp tỉnh, doanh nghiệp và cơ chế tham vấn, đối thoại, nhằm bảo đảm ATVSLĐ; phân định thẩm quyền quản lý nhà nước về ATVSLĐ giữa Bộ LĐ-TB&XH với các bộ, ngành khác để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Ngoài ra, Luật còn thiết lập chặt chẽ hơn hệ thống kiểm soát rủi ro ở các cấp độ: nơi làm việc, doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Về cơ bản, việc thiết lập và vận hành hệ thống kiểm soát rủi ro ở các cấp độ khác nhau sẽ hạn chế TNLĐ, BNN, tạo môi trường làm việc, điều kiện làm việc an toàn cho người lao động.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng: “Luật đã hướng đến mục tiêu phòng ngừa, hạn chế TNLĐ với nhiều quy định cụ thể. Trong đó, người lao động có quyền yêu cầu người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh trong quá trình lao động tại nơi làm việc; được cung cấp thông tin đầy đủ về các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc và những biện pháp phòng, chống; được đào tạo, huấn luyện về ATVSLĐ; được thực hiện chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện BNN; được đóng bảo hiểm TNLĐ...”

Theo quy định, người lao động có quyền từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc mà vẫn được trả đủ tiền lương và không bị coi là vi phạm kỷ luật lao động khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra TNLĐ và phải báo ngay cho người quản lý trực tiếp để có phương án xử lý. Người lao động chỉ tiếp tục làm việc khi người quản lý trực tiếp và người phụ trách công tác ATVSLĐ đã khắc phục các nguy cơ để bảo đảm ATVSLĐ. Đồng thời, đối với các đơn vị sử dụng lao động vi phạm quy định về ATVSLĐ, luật cũng có các quy định và chế tài xử lý rõ ràng. Qua đó, các đơn vị ý thức hơn trong việc đảm bảo ATVSLĐ.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội, lưu ý: “Người lao động trong khu vực chính thức được bảo đảm tốt, còn lao động không trong khu vực hợp đồng lao động lại chưa được đảm bảo. Do vậy, cần mở rộng đối tượng áp dụng, đối với người lao động thuộc khu vực không có quan hệ hợp đồng lao động là cần thiết, tạo nên sự bình đẳng giữa các loại hình lao động...”

Được biết, để hướng dẫn triển khai Luật ATVSLĐ, trong năm 2015, Bộ LĐ-TB&XH đã giao Cục An toàn lao động xây dựng 4 Nghị định và 11 Thông tư trình Chính phủ ban hành. Thời gian qua, Cục cũng đã phối hợp với các địa phương tổ chức các hội nghị giới thiệu những điểm mới liên quan đến công tác ATVSLĐ tại cơ sở, đồng thời thảo luận một số vấn đề liên quan để xây dựng các văn bản hướng dẫn triển khai Luật cho phù hợp.

Với sự quan tâm của Chính phủ, sự phối hợp triển khai chặt chẽ của các bộ, ngành Trung ương và địa phương, hy vọng Luật ATVSLĐ sẽ đi vào cuộc sống, góp phần giảm thiểu TNLĐ, BNN, tạo môi trường làm việc an toàn cho người lao động.

ĐÔNG SƠN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh