THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:44

Luật ATVSLĐ: Cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện

Tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Thơ, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động cho biết: Luật ATVSLĐ  được thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIII với 7 chương, 93 điều, trên cơ sở cụ thể hóa 20 điều tại Chương IX quy định về ATVSLĐ của Bộ luật Lao động năm 2012 và kế thừa các quy định về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN) tại mục 3 Chương III của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Luật có hiệu lực thi hành từ 1//7/2016. Đây là Luật ATVSLĐ đầu tiên của Việt Nam và Việt Nam là nước thứ sáu trong ASEAN ban hành luật này.

Theo ông Nguyễn Anh Thơ, so với quy định tại Bộ luật Lao động và một số văn bản luật khác, Luật ATVSLĐ có một số điểm mới chủ yếu như: Mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với tất cả các tổ chức, cá nhân có liên quan đến ATVSLĐ; mở rộng đối tượng áp dụng đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động; Mở rộng chế độ chính sách đối với người bị TNLĐ - BNN theo hướng hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động bị TNLĐ -     BNN sau khi họ được điều trị, trở lại làm việc; hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ - BNN giữa những người tham gia bảo hiểm và các doanh nghiệp.

Thực hành trang thiết bị an toàn tại Trường CĐ nghề công nghiệp Hà Nội.

Luật cũng quy định việc tham gia bảo hiểm TNLĐ theo hình thức tự nguyện của người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động; Về các quyền, nghĩa vụ về ATVSLĐ của người sử dụng lao động, người lao động và các chủ thể khác: Nếu như trước đây, Bộ luật Lao động chỉ quy định về nghĩa vụ thì trong Luật ATVSLĐ, các quy định về quyền của người lao động, người sử dụng lao động đã cụ thể và rõ nét. Đồng thời, Luật cũng  quy định cụ thể quyền, trách nhiệm về an toàn, vệ sinh lao động của tổ chức công đoàn, Hội Nông dân Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các thành viên của mặt trận và các tổ chức xã hội khác.

Đáng chú ý, hiện nay với sự gia tăng hàng năm các doanh nghiệp trong nền kinh tế, cùng với tiến trình công nghiệp hóa, đưa vào sử dụng máy móc, thiết bị mới, hiện đại, công tác thanh tra ATVSLĐ trở nên hết sức quan trọng. Do vậy, Luật ATVSLĐ quy định: “Thanh tra an toàn, vệ sinh lao động là thanh tra chuyên ngành” và được tổ chức ở cấp Trung ương và cấp tỉnh. Về phòng ngừa và giảm thiểu tổn thất do TNLĐ - BNN, Luật có các qui định cụ thể và khuyến khích doanh nghiệp thực hiện các biện pháp đánh giá, phòng ngừa rủi ro, cải thiện điều kiện lao động và xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc.“Phương châm đảm bảo ATVSLĐ là các giải pháp phòng ngừa ít tốn kém hơn nhiều so với giải quyết hậu quả, xây dựng văn hóa an toàn tại doanh nghiệp cần nhấn mạnh hơn nhiều so với việc kêu gọi hỗ trợ nạn nhân khi bị TNLĐ - BNN xảy ra. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, huấn luyện để nâng cao nhận thức cho người lao động, chủ sử dụng lao động...”- ông Nguyễn Anh Thơ nhấn mạnh.

Tại hội thảo, các đại biểu đã chỉ ra một số khó khăn trong quá trình triển khai Luật như: Các văn bản quy phạm pháp luật còn có những điểm chồng chéo, không theo kịp sự phát triển của kinh tế - xã hội; bộ máy tổ chức làm công tác ATVSLĐ hiện nay chưa theo kịp sự phát triển của các doanh nghiệp; hoạt động thông tin, tuyên truyền, huấn luyện chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu trong việc nâng cao nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động và nhận thức của xã hội…

Để triển khai có hiệu quả Luật ATVSLĐ, theo các đại biểu kiến nghị cần xây dựng và ban hành đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật để thống nhất triển khai, áp dụng; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin kết hợp với tuyên truyền qua báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng; Tăng cường đội ngũ thanh tra ATVSLĐ cả về số lượng và chất lượng để đáp ứng việc thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi không chấp hành đúng các quy định gây nguy cơ mất ATVSLĐ. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện chế tài xử lý để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực ATVSLĐ.

Trao đổi tại hội thảo, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động cho biết, ngay sau khi Luật ATVSLĐ được thông qua, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ LĐ-TB&XH xây dựng các văn bản để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các điều trong Luật ATVSLĐ, gồm 4 nghị định (3 Nghị định sẽ có hiệu lực từ 1/7/2016 và 1 Nghị định có hiệu lực từ 1/1/2018).  “ Hiện chúng tôi đang sớm hoàn thiện các Nghị định, Thông tư  trình Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH phê chuẩn trong tháng 3/2016. Quá trình xây dựng các văn bản luật tiếp thu được rất nhiều ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Tuy nhiên, để Luật sớm đi vào cuộc sống thì các Nghị định, Thông tư phải quy định rất cụ thể, khoa học. Do vậy,  rất cần các ý kiến phản hồi của các chuyên gia độc lập, các tổ chức quốc tế, công đoàn; VCCI; Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý địa phương, đóng góp tâm huyết của các chuyên gia…” - ông Hà Tất Thắng nhấn mạnh.            

VĂN LÝ/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Hàng nghìn CEO trên toàn cầu tự tin về triển vọng tăng trưởng như chưa hề có đại dịch

Hàng nghìn CEO trên toàn cầu tự tin về triển vọng tăng trưởng như chưa hề có đại dịch

Giám đốc điều hành (CEO) của các doanh nghiệp lớn nhất thế giới ngày càng lạc quan về triển vọng của doanh nghiệp mình. Mặc dù biến thể Delta làm chậm quá trình "trở lại bình...
3 năm trước