THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 03:53

Thu hẹp khoảng cách để mọi người dân cùng hưởng lợi

 

* Ông nghĩ như thế nào về khoảng cách chênh lệch giàu nghèo trong xã hội hiện nay, đặc biệt là việc tiếp cận các dịch vụ về y tế, xã hội của người dân?

- Ông Ngô Trường Thi: Tôi cho rằng bất bình đẳng là một thực tế của bất kỳ quốc gia nào và nó xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như vị trí địa lý, đặc điểm nhóm dân tộc, quan niệm của mỗi người… Nhưng việc giải quyết bất bình đẳng theo tôi là trách nhiệm của Nhà nước phải làm để tiến tới một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Việc giải quyết bất bình đẳng thể hiện ở thể chế, chính sách, giải pháp và thực thi. Và một điểm nữa tôi cho rằng là chính từ các đối tượng trong xã hội cũng phải vươn lên, chúng ta không nên nhìn một bức tranh chỉ thấy sự bất bình đẳng. Nếu chúng ta cố gắng vươn lên thì vẫn có cơ hội để giải quyết vấn đề.

 

Ông Ngô Trường Thi (ở giữa) cùng chiến dịch thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.

 

Trong tất cả các văn bản, từ Đảng, Quốc hội đến Chính phủ cũng đang hết sức cố gắng để giải quyết bất bình đẳng bằng cơ chế, chính sách, giải pháp, đặc biệt trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, chính sách cho người nghèo. Sự cố gắng đang theo hướng phát huy được vai trò của chính đối tượng thụ hưởng, phát huy được nội lực của cộng đồng. Chúng ta thường nói đến các vấn đề dân tộc thiểu số, tiếng nói người dân tộc, bản sắc văn hóa dân tộc…, đó là chúng ta đang trao quyền cho họ, giúp đỡ để họ tự khẳng định mình. Tôi cho rằng khi chúng ta có niềm tin và tạo cho họ niềm tin thì cuộc sống của họ sẽ tốt hơn, thu hẹp được khoảng cách và đảm bảo bình đẳng kể cả vị thế và tiếng nói. Ngoài vấn đề hỗ trợ của nhà nước ra thì chúng ta cần nâng cao hơn nữa công tác truyền thông về tác dụng của các chính sách; nâng cao chất lượng dịch vụ công như: khám chữa bệnh, điều kiện trường lớp…

*Trong một báo cáo của Oxfam có đề cập rằng “khung chính sách hiện hành chưa đủ để giải quyết các dạng bất bình đẳng đang ngày càng phổ biến trong xã hội”. Ông nhìn nhận như thế nào về việc này?

- Ông Ngô Trường Thi: Đây là nhận xét mang tính chủ quan của một tổ chức thể hiện thực tế ở Việt Nam. Chúng tôi cho rằng có lẽ đây cũng là cơ hội để các tổ chức phi chính phủ quốc tế với Chính phủ Việt Nam phải có cách nhìn nhận thống nhất với nhau. Chúng ta không tô hồng một bức tranh của xã hội nhưng cũng không nên nhìn nhận tiêu cực quá bởi vì trong thực tế luôn luôn diễn ra những vấn đề mâu thuẫn như vậy. Chúng ta phải làm sao để khắc phục hạn chế và phát huy những thế mạnh mà chúng ta đã đạt được.

* Cũng theo Oxfam, hiện một nhóm 210 người giàu nhất Việt Nam có thể đưa 3,2 triệu người thoát nghèo. Gần đây Quốc hội cũng đề cập đến khoảng cách chênh lệch giàu nghèo cũng ngày càng lớn. Ông nghĩ sao về sự so sánh này?

- Ông Ngô Trường Thi: Tôi cho rằng để một đất nước phát triển thì chúng ta không nên kìm hãm sự phát triển của những người, những tổ chức, những địa phương có lợi thế phát triển mà thực hiện theo đúng pháp luật. Nếu đất nước phát triển thì chúng ta mới tạo được nhiều việc làm, giải quyết được vấn đề đời sống cho người lao động và có ngân sách để giải quyết những vấn đề xã hội, đồng thời có những chính sách để hỗ trợ những nhóm yếu thế không rơi xuống dưới mức sống cùng cực. Chúng ta cũng không hạn chế sự phát triển của nhóm khác với điều kiện phải phát triển trên cơ sở tuân thủ pháp luật.

* Để kéo gần khoảng cách giàu nghèo, theo ông, các chính sách hiện nay đã đủ chưa và chúng ta có sự thay đổi nào tốt hơn để kéo gần khoảng cách này?

- Ông Ngô Trường Thi: Chúng ta phải dùng từ là hạn chế tốc độ gia tăng chứ không phải hạn chế khoảng cách. Nếu hạn chế khoảng cách để mọi người đều như nhau thì chắc không ai có điều kiện để hỗ trợ nhau. Các chính sách hiện nay thì Đảng, Quốc hội và Chính phủ cũng đang tập trung để thực hiện để cải cách về thể chế, làm sao đảm bảo minh bạch, công khai, hiệu quả trong các chính sách kinh tế vĩ mô, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách về an sinh xã hội. Trước mắt chúng ta nên thực hiện hiệu quả những chính sách đang có và theo hướng phải trao quyền, đẩy mạnh phân cấp và tăng cường sự tham gia.

Xin cảm ơn ông!

VÂN KHÁNH (ghi)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh