THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 06:44

Giảm dần khoảng cách giới trong lao động việc làm

Chiến lược quy định hằng năm, trong tổng số người được tạo việc làm mới, bảo đảm ít nhất 40% cho mỗi giới (nam và nữ). Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2014 đã giải quyết việc làm cho 1.600.000 lao động, trong đó lao động nữ là 768.000 người, chiếm 48%. Tỷ lệ thất nghiệp là 2,17% trong đó tỷ lệ thất nghiệp đối với lao động nữ là 2,11%. Việc thông tin về thị trường lao động đã có những hình thức phù hợp với lao động nữ, đảm bảo lao động nữ được tiếp cận thông tin một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Ở nhiều bộ, ngành tỷ lệ lao động nữ được tuyển dụng mới có xu hướng cao hơn nam giới, như: bảo hiểm xã hội Việt Nam (đạt 51,7%), Ngân hàng Nhà nước (đạt từ 51 - 63% tùy thuộc vào các đơn vị), đặc biệt Bộ Tư pháp luôn đạt trên 80%.

Chiến lược quy định tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt 30% vào năm 2015. Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ nữ làm giám đốc, chủ doanh nghiệp là 24,8%; tỷ lệ nữ làm chủ trang trại là 8,64%. Theo báo cáo cho thấy, có 6 địa phương đã đạt tỷ lệ theo kế hoạch đề ra gồm: Bình Định (30%), Kon Tum (30%), Khánh Hòa (30,3%), TP Hồ Chí Minh (32,6%), Hà Tĩnh (36,57%), Đồng Nai (50,58%).

Ảnh minh họa.           (nguồn: Internet).

Trong năm 2014, tỷ lệ mới dạy nghề ước đạt 2,023 triệu người, đạt 113,7% kế hoạch, trong đó: Tuyển mới cao đẳng, trung cấp nghề 220.593 người, đạt 78,8% kế hoạch; sơ cấp nghề và dạy nghề dưới ba tháng 1,802 triệu người, đạt 120,2% kế hoạch. Trong đó, tỷ lệ nữ tuyển sinh dạy nghề đạt khoảng 45 - 47%.

Dạy nghề cho lao động nông thôn ngày càng được khẳng định, tạo điều kiện thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, cơ cấu lao động và xây dựng nông thôn mới, góp phần tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng thu nhập; có trên 30% người lao động sau học nghề đã tìm được việc làm mới hoặc đã thành lập doanh nghiệp, tổ hợp tác sau học nghề.

Theo số liệu thống kê trong 4 năm (2010 - 2013) có 1.615.034 lao động nông thôn được đào tạo nghề (nông nghiệp và phi nông nghiệp), trong số đó có 78.593 lao động là nữ, chiếm tỷ lệ 48,8%. Năm 2014, kết quả đào tạo nghề nông nghiệp như sau: Trong tổng số 164.803 người được đào tạo có 58.448 nữ, đạt tỷ lệ 35%. Tuy nhiên, việc thống kê có phân theo độ tuổi vẫn chưa thực hiện được, nên chưa có đủ căn cứ để đánh giá việc hoàn thành chỉ tiêu.

 Chiến lược quy định tỷ lệ nữ ở vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu được vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức đạt 80% vào năm 2015. Theo báo cáo của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, trong năm 2014, số lượng lao động nữ ở vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu được vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức là 38.970 khách hàng, chiếm tỷ lệ 76%. 

MINH CHÂU/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh