THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 11:06

Nhiều ưu đãi cho lao động nữ chưa đi vào cuộc sống

 

Nhiều ưu đãi

Trong Bộ luật Lao động 2012, lao động nữ được quy định trong một chương riêng (Chương X, với 10 điều), quy định khá cụ thể những quyền lợi mà họ được hưởng. Đơn cử như: Nhà nước bảo đảm quyền làm việc của phụ nữ bình đẳng về mọi mặt với nam giới, có chính sách khuyến khích tạo điều kiện để người lao động nữ có việc làm thường xuyên; cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khoẻ, tăng cường phúc lợi của lao động nữ... Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, có thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi...

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về chính sách với lao động nữ, trong đó qui định lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt trữ sữa nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.

Nhiều chính sách đối với lao động nữ không được thực thi nghiêm túc khiến lao động nữ chịu thiệt.

Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20/11/2014, đã có những thay đổi căn bản nhất chủ yếu tập trung ở hai chế độ: Thai sản và hưu trí. Cụ thể, về chế độ thai sản, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã bổ sung quy định lao động nam có Vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 5 ngày làm việc đối với trường hợp sinh thường và 7 ngày làm việc đối với trường hợp sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi; 10 ngày làm việc nếu sinh đôi và từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc; 14 ngày làm việc nếu sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật. Quy định này tuy áp dụng đối với lao động nam, nhưng lại có tác dụng rất lớn, đó là giúp lao động nam có điều kiện chăm sóc Vợ, con tốt hơn. Cũng vì thế, người phụ nữ (lao động nữ) cũng có điều kiện sớm phục hồi sức khỏe để cùng chăm lo cho tổ ấm gia đình cũng như tiếp tục làm việc, cống hiến cho công việc cơ quan.

Thiệt thòi trong thụ hưởng chính sách

Mặc dù chính sách có nhiều ưu đãi tạo điều kiện tốt nhất cho lao động nữ tại nơi làm việc, tuy nhiên các chính sách được thực hiện trong thực tế tại các doanh nghiệp còn nhiều khoảng cách. Thống kê mới nhất của Ban Nữ công (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), cho thấy: Tại các doanh nghiệp số lao động nữ được hưởng chế độ nghỉ ngơi dưỡng sức rất ít; một số chế độ thai sản như nghỉ 60 phút cho con bú, 30 phút vệ sinh kinh nguyệt... bị vi phạm. Ngoài ra, hiện nay phần lớn các cơ sở sử dụng lao động nữ khoán lương theo sản phẩm nên việc lao động nữ nghỉ việc cho con bú đều không được thể hiện trong tiền lương. Mặc dù theo pháp luật, lẽ ra lao động nữ phải được hưởng. Khảo sát tại nhiều DN có sử dụng nhiều lao động nữ cho thấy, số lao động nữ được hưởng chế độ nghỉ ngơi dưỡng sức rất ít. Điều đáng nói những chế độ này hầu như không được nhiều người biết đến.

Chị Trần Thị Lan, công nhân công ty may xuất khẩu ở An Khánh (huyện Hoài Đức, Hà Nội) tỏ ra khá ngạc nhiên khi biết luật qui định những công nhân đang nuôi con nhỏ như chị được nghỉ thêm 60 phút cho con bú hay 30 phút vệ sinh kinh nguyệt.

Chị Lan cho biết: “Công ty chúng tôi có nhiều phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi và như tôi biết thì không một ai được nghỉ thêm giờ mỗi ngày. Tôi làm ở công ty gần 4 năm và đây là đứa con thứ hai rồi, nhưng không hề biết những phụ nữ như tôi có chế độ nghỉ ngơi, chăm con như vậy. Công đoàn, đại diện nữ công hay bất cứ một lãnh đạo nào trong công ty đều không thông báo cho chúng tôi”.

Không biết đến quy định nên không đòi hỏi được quyền lợi của mình là một chuyện, với những lao động nữ hiểu biết hơn họ cũng tỏ ra không mặn mà với chính sách này, nhiều người lựa chọn làm việc trọn vẹn thời gian. Chị Nguyễn Thị Hương công nhân công ty dệt len Hà Nội chia sẻ: “Tôi cũng nghe nói có quy định đó trong Bộ luật Lao động, nhưng chúng tôi làm khoán sản phẩm vì vậy ai cũng tranh thủ thời gian làm việc mà không quan tâm đến vấn đề có được nghỉ hay không”.

Những chính sách đãi ngộ cho lao động nữ đã được Bộ luật Lao động quy định cụ thể. Tuy nhiên, nhiều DN tỏ ra không hưởng ứng với những quy định này, nhất là những DN sử dụng nhiều lao động nữ và làm việc theo dây chuyền. Đại diện Công ty May 9 (Nam Định) cho biết: “Quy định thời gian nghỉ cho lao động nữ có con dưới 12 tháng tuổi nghỉ thêm 1 tiếng mỗi ngày và 30 phút vệ sinh kinh nguyệt cho lao động nữ nói chung khó khả thi. Với một công ty có đến 80% là lao động nữ thì việc nghỉ ngơi như vậy sẽ ảnh hưởng lớn tới hiệu suất lao động của công ty, nhất là những thời điểm có đơn hàng gấp”.

Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng: Sự thiếu hiểu biết pháp luật của lao động nữ cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng người lao động không biết để đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình nên các chủ doanh nghiệp cũng thờ ơ và không có trách nhiệm. Tuy nhiên, cũng nhiều lao động dù nắm được quy định của pháp luật nhưng vẫn chấp nhận làm công việc không được như mong muốn vì không tìm được công việc nào khác hơn. Do vậy để việc thi hành các chính sách ưu đãi với lao động nữ được nghiêm túc tại các doanh nghiệp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Bộ luật Lao động, bên cạnh cần có những  chế tài mạnh đối với các doanh nghiệp không thực thi các chính sách ưu đãi đối với lao động nữ.

CHÂU ANH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh