Thu hàng tỉ đồng của sinh viên nghèo vùng trung du miền núi trái quy định
- Pháp luật
- 03:16 - 04/08/2016
Trường ĐH KTCN Thái Nguyên
Bắt sinh viên phải mua bài giảng riêng của nhà trường, tự ý chuyển hàng trăm sinh viên thuộc diện buộc thôi học sang học ngành khác để duy trì học phí...Hiệu trưởng Trường ĐH KTCN Thái Nguyên đang coi nhà trường như cỗ máy kiếm tiền và đối tượng bị hà lạm chính là những sinh viên nghèo vùng trung du miền núi.
Bán bài giảng chưa được phép xuất bản
Viện lý do cung cấp tài liệu cho sinh viên học tập, nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo theo học chế tín chỉ, Trường ĐHKTCN Thái Nguyên đã xây dựng bài giảng đối với tất cả các môn học. Các bài giảng được in dưới dạng tài liệu nội bộ, chưa có giấy phép xuất bản.
Vậy nhưng nhà trường lại ra quyết định số 440/QĐ2010 bắt “sinh viên nộp tiền bài giảng cùng với tiền học phí tại bộ phận tài vụ, Phòng Hành chính – Tài vụ của trường. Tiền bài giảng là khoản tiền bắt buộc như học phí”. Việc thu tiền bài giảng nói trên không nằm trong danh mục phí thuộc lĩnh vực Giáo dục - Đào tạo được quy định tại Pháp lệnh 38/2001-UBTVQH về phí và lệ phí.
Quyết định trên thực hiện từ năm 2010 đến nay. Với quyết định này, chỉ tính riêng năm học 2012- 2013 số tiền thu sai của sinh viên đã lên tới trên 1,5 tỉ đồng. Điều đáng nói là nhà trường không hạch toán vào sổ kế toán tài sản của đơn vị mà được chi trên 16 phiếu chi nhưng không giải trình rõ ràng, các phiếu chi này cũng không hạch toán trong sổ sách.
Ở đây đối tượng phải gánh chịu chính là gia đình những sinh viên nghèo vùng trung du miền núi phía Bắc. Để lo cho con cái ăn học, cứ mỗi kì nộp học phí, các gia đình nông dân đã phải bán trâu, bò, lợn gà thậm chí còn phải đi vay lãi, vét đến từng hạt thóc cuối cùng...Đau xót hơn, một phần của những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi, nước mắt ấy lại bị chiếm đoạt, tư lợi bởi một số người được gọi là “thầy” hàng ngày đứng trên bục giảng, ra rả dạy dỗ hàng nghìn, hàng vạn sinh viên.
Nhà trường hay cỗ máy kiếm tiền
Ở Trường ĐHKTCN Thái Nguyên, dường như mục tiêu kiếm tiền được đặt lên trên chất lượng giảng. Chỉ trong một học kì năm học 2012- 2013, số lượng sinh viên học tập kém thuộc diện buộc phải thôi học lên tới 500 em.Tuy nhiên. Nếu số sinh viên này cùng nghỉ một lúc, thì nhà trường sẽ hụt nguồn thu học phí, nên Hiệu trưởng không ngần ngại ra quyết định vượt quyền cho những sinh viên thuộc diện buộc thôi học chuyển sang học các chuyên ngành đại học khác.Cụ thể chuyển 81 em sang chuyên ngành kĩ thuật ô tô, 205 em sang ngành công nghệ điện – điện tử và 57 em sang ngành công nghệ chế tạo máy. Việc làm này có biểu hiện lạm quyền bởi trường chưa được Đại học Thái Nguyên- cấp trên trực tiếp giao đào tạo các nhóm ngành này.Nhà trường cũng không có đủ căn cứ để điều chuyển sinh viên thuộc diện buộc thôi học từ nhóm ngành hệ 5 năm sang nhóm ngành hệ 4 năm.Thực hiện việc chuyển đổi sinh viên buộc thôi học sang ngành khác chí ít ra Hiệu trưởng Trường ĐHKTCN Thái Nguyên cũng cần phải có văn bản xin ý kiến cơ quan chủ quản là ĐH Thái Nguyên nhưng để đạt được mục đích giữ sinh viên, bảo đảm nguồn thu ông Phan Quang Thế, Hiệu trưởng đã không ngần ngại vượt quyền.