Nhà biên kịch Giáp Kiều Hưng: Nhiều áp lực cho người làm phim truyền hình
- Văn hóa - Giải trí
- 15:01 - 14/04/2016
* Có ý kiến cho rằng, phim truyền hình Việt ngày càng nhiều nhưng cũng ngày càng chán? Theo anh điều này có bắt nguồn từ cái gốc là kịch bản?
- Tôi có thể nói ngay rằng, do quy định thời lượng phát sóng phim Việt Nam phải đạt ít nhất 50% thời lượng sóng phim truyền hình, nên nhu cầu về kịch bản phim truyền hình rất lớn, nhất là khi ngày càng có nhiều kênh truyền hình ra đời. Trước yêu cầu này, đa số các hãng sản xuất phim đều khao khát có kịch bản hay, tuy nhiên, cái hay thì lúc nào cũng hiếm. Bởi vậy, đôi khi có những kịch bản không ưng ý lắm, nhưng các nhà sản xuất vẫn phải “nhắm mắt” mà làm nếu đề cương đã được nhà đài duyệt.
Trong khi đó, năng lực của một số biên kịch, trong đó có tôi- cũng có hạn, không phải xuất chúng đến nỗi cứ ngồi vào máy là gõ rào rào. Các hãng chỉ biết trả cho biên kịch mấy triệu đồng một tập, còn không cần biết anh làm việc trong môi trường nào, bỏ bao nhiêu tiền ra đi thực tế, tình hình sức khỏe, tinh thần ra sao. Họ chỉ làm mỗi một việc là thi thoảng gọi điện hỏi: “Được bao nhiêu tập rồi em?”.
Nhà biên kịch Giáp Kiều Hưng.
* Viết biên kịch mà lại thiếu vốn sống thực tế ? Anh có thể nói rõ hơn về tình trạng này ?
- Theo quy trình làm phim hiện nay thì nhà đài duyệt đề cương, nhà sản xuất đầu tư tiền để làm phim. Đầu tiên, đơn vị sản xuất bỏ tiền đầu tư sáng tác kịch bản, mà tiền đã bỏ ra rồi nên nhiều khi “đâm lao phải theo lao”, phải xoay xở đủ kiểu để làm được phim, chứ không thể hơi tí là đi… kiện biên kịch. Tiềm lực và khả năng của các nhà sản xuất phim hiện nay chưa lớn nên họ thường chơi bài ăn chắc như gọi một nhóm biên kịch có ý tưởng hay, sau đó mới đi chào sóng, thậm chí có nơi chào được nhà tài trợ rồi mới đầu tư tiền viết kịch bản. Tiếp đó, nhà sản xuất phải chịu áp lực về thời gian trước cả đài truyền hình và nhà tài trợ. Ví dụ, đài truyền hình bảo đề tài này chỉ có thể phát trong năm nay, sang năm là vứt đi, thế nên họ phải cuống cuồng làm.
Nhưng nếu nhà đài bảo đề tài này để sang năm, thì đơn vị sản xuất lại không muốn đầu tư ngay. Thậm chí, nhà tài trợ thấy phim rất phù hợp với chiến dịch đầu tư và sẵn sàng chi tiền, nhưng lại yêu cầu phim phải ra đúng thời điểm.
Những áp lực vừa nêu, cuối cùng lại dồn vào biên kịch, tiếp đó là ê kíp làm phim. Phim có 30 tập, nhưng họ yêu cầu chúng tôi viết trong vòng hai tháng và y hẹn phải hoàn thành toàn bộ kịch bản. Bởi thế, biên kịch rất bị động, không có thời gian đi thực tế, nhiều phim chất lượng thấp cũng bởi một phần nguyên do này.
* Bị động trong sáng tác thì khó có tác phẩm hay là đương nhiên, song chẳng lẽ những người viết kịch bản cứ mãi chấp nhận?
- Tôi không nói tất cả, nhưng cách tốt nhất là những người viết kịch bản phải biết “cắn răng chịu đựng”, vì chỉ cần kêu than với nhà sản xuất là bị dọa kiện, ví như: “Tụi em đã ký hợp đồng rồi mà không chịu viết, dự án đổ là biên kịch phải chịu phạt đấy”. Chuyện chúng tôi bị dọa phạt hợp đồng là thường xuyên...
Cảnh trong phim “Vượt qua bóng đêm”, kịch bản Giáp Kiều Hưng.
Thực ra, đơn vị sản xuất thừa hiểu rằng, năng lực thực sự của một số biên kịch vốn không cao nên khó chờ để cho ra đời tác phẩm tốt. Có nhà sản xuất luôn than vãn không có kịch bản hay, nhưng khi có thì họ tính toán từng đồng. Cá nhân tôi, dù viết rất nhiều kịch bản, nhưng chưa gặp một đơn vị nào đồng ý đầu tư để nhả chữ thong thả, cẩn thận. Có nơi dù đã đuợc duyệt đề cương, nhưng phải năm sau mới phát sóng, thì nhà sản xuất cũng chờ đến sát nút rồi mới chi tiền đầu tư cho viết kịch bản. Trường hợp này chính nhà sản xuất tự gây áp lực cho họ, nhưng nghĩ kỹ thì lại cần thông cảm, bởi họ bỏ tiền đầu tư, phải chịu trách nhiệm về lao động của người khác, nhưng lại không được trực tiếp can thiệp. Đưa tiền cho biên kịch rồi thì họ ngồi lo, không biết rồi chúng tôi sẽ viết ra cái gì; hoặc đưa một cục tiền cho đạo diễn nhưng cũng không rõ rồi sản phẩm được mang về sẽ như thế nào. Vì thế, cũng dễ hiểu khi nhà sản xuất tính toán kỹ vì chẳng lẽ hơi một tí là mang nhau... ra tòa ?.
* Anh tự nhận năng lực thực sự của biên kịch hiện nay không cao. Vậy sao phim của anh vẫn liên tiếp xuất hiện trên truyền hình?
- Cứ nhìn vào thành quả lao động của mình là những bộ phim đã và đang chiếu trên truyền hình là biết. Thông thường cứ thấy phim dở thì người ta đổ lỗi cho đạo diễn, đạo diễn lại bảo “kịch bản chỉ có thế”.
Nhưng nếu ông là đạo diễn giỏi, đọc một kịch bản dở ông đã không làm. Ngược lại, biên kịch khi được đặt hàng một đề tài mình không hiểu rõ nhưng vẫn cố viết là sao? Đó là tại bản lĩnh nghệ sĩ không cao.
Vì thu nhập kém, nên anh phải làm nhiều để kiếm tiền, chứ cứ ngồi chờ những cái thật sự có cảm hứng thì chỉ có chết đói. Nếu môi trường làm việc tốt hơn thì bản lĩnh nghệ sĩ cũng tốt hơn, lúc ấy họ có thể chọn những gì thực sự phù hợp với mình chứ không “ăn tạp” như bây giờ. Phim tôi thường xuyên xuất hiện không phải bởi tôi quá tài, mà bởi khi viết, tôi biết tránh những gì mình thực sự chưa hiểu rõ. Tôi tự thấy phim mình chưa thật hay, chỉ ở mức khá, thậm chí có phim ở mức trung bình khá.
Giáp Kiều Hưng là tác giả kịch bản các phim: “Những chàng rể họ Lê”, “Chạm vào quá khứ”, “Thiên sứ lông bông”, “Mùa tinh khôi”, “Xóm trọ”, “Khát vọng thượng lưu”, “Mua láng giềng gần”, “Mùa hạ yêu dấu”, “Cocktail cho tình yêu”, “Tam nam vẫn phú”, “Tha thứ cho anh”, “Vượt qua bóng đêm”, “Không thể gục ngã”, “Làm chồng đại gia”, “Đại ca U70”... |