Thơ Teresa Mei Chuc: Cuộc hành hương kỳ vĩ
- Văn hóa - Giải trí
- 22:03 - 26/07/2015
Càng ngày những chuyến trở về Việt Nam của chị càng dày hơn. Nhưng có một cuộc trở về không bao giờ đứt quãng và không phụ thuộc vào thời gian, không gian. Đó là cuộc trở về cố hương trong tâm tưởng của chị. Cuộc trở về này da diết, bền bỉ và sâu thẳm hơn tất cả mọi cuộc trở về mà tôi có thể gọi là Cuộc hành hương kỳ vĩ của một con người. Con đường dẫn chị trở về cố hương như vậy đã hiện lên trong thơ chị. Nó hiện hữu và lộng lẫy như con đường chạy qua cánh đồng lúa vàng mà chính tôi đang đi. Trong bài thơ Tiếng của mẹ của nhà thơ Teresa Mei Chuc có đoạn :
Dấu sắc như một tia chớp xéo
Dấu ngã bồng bềnh như sóng lượn chân trời
Dấu mũ giống như một đỉnh núi chót vót
Và dấu nặng là giọt trăng rơi
Tôi chỉ thêm bốn cái dấu nhỏ thôi
Như bốn viên ngọc lung linh
Là tôi đã hoàn tất
Cuộc trở về
Với tiếng Việt của mẹ tôi.
Với những gì tôi đọc, tôi thấy không ai viết về tiếng Việt hay như thế. Và chỉ mấy dòng thơ đó thôi, chị đã được đóng dấu thị thực trong cuốn hộ chiếu tâm hồn chị khi trở về cố hương mình. Và con đường trong tâm tưởng chị, trong thi ca chị là con đường cho một cuộc hành hương kỳ vĩ nhất của một con người - Cuộc hành hương trở về nguồn cội.
Nhà thơ NGUYỄn QUANG THIỀU - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam (Giới thiệu)Tiếng của mẹ
Tôi viết tên tôi
Bằng tiếng Việt
Chúc Mỹ Tuệ
Như trong giấy khai sinh
Mà cha mẹ đặt cho tôi lúc chào đời.
Dấu sắc như một tia chớp xé
Dấu ngã bồng bềnh như sóng lượn chân trời
Dấu mũ giống như một đỉnh núi chót vót
Và dấu nặng là giọt trăng rơi
Tôi chỉ thêm bốn cái dấu nhỏ thôi
Như bốn viên ngọc lung linh
Là tôi đã hoàn tất
Cuộc trở về
Với tiếng Việt của mẹ tôi.
Đinh Văn Thân dịch
-------------
Trong Sự Ngợi Ca Cái Không
Tôi đang tìm những gì là không
những nơi ta đã đi qua
cái đường cong của miệng bát
của cái cửa sổ.
Lúng túng trên tờ giấy
trắng mịn
giữa các từ
và những dòng kẻ
Những gì không phải là lời nói
những gì không được thực hiện
rỗng không bên trong con chim là bộ xương
Khi ai đó nhìn vào lòng bàn tay tôi
thấy rỗng không
thì lúc ấy chính là tôi có tất cả thế giới...
HQ dịch
------------------
Những cái tên
Thật mệt mỏi vì có năm cái tên
phải đổi mỗi khi nhập cảnh
một đất nước mới hay bắt đầu một cuộc sống mới.
Cái tên Đầu Tiên, với tôi là thực nhất,
nhưng tôi không dùng,
cũng không ai gọi tôi bằng cái tên Việt ấy
cho dù nó được ghi trong giấy khai sinh.
Tue My Chuc
Cái tên bập bùng giọng mũi
Tiếng sợi dây căng.
Ba mẹ nói tên tôi trong tiếng Quảng Đông
là Chuc Mei Wai.
Ba tiếng chim hót mềm,
và Ah Wai là cái tên cha mẹ tôi thường gọi.
Vừa đến Mỹ, tôi hóa thành
Teresa My Chuc, rồi Teresa Mei Chuc
Teresa như tiếng nước chảy trên hai bàn tay.
Sau đám cưới đầu
Tên tôi là Teresa Chuc Prokopiev
Sau đám cưới thứ hai
Tôi là Teresa Chuc Dowell.
Bây giờ tôi trở lại
Là Teresa Mei Chuc
Nhưng tôi muốn trở về
Lấy lại cái tên ngày nào
Tôi đã nhận rồi nhanh mất đi vì cố thành một ai khác hợp.
Tue My Chuc là ai?
Tôi không biết.
Tôi chưa bao giờ thực sự là cô
Sinh nhật cô, ngày 16 tháng Ba
Tôi chưa từng kỷ niệm
Đó không phải là ngày sinh thật của tôi
Dù giấy khai sinh ghi vậy.
Thật ra tôi sinh ngày 26 tháng Giêng âm lịch
Hoặc vào tháng Mười hai
Nhưng tôi phải giả vờ rằng sinh ngày ấy,
Bởi vì sau chiến tranh mẹ tôi làm giấy chậm
Ngày sinh tôi thay đổi hàng năm vì tính theo âm lịch
Ngày hôm ấy cha mẹ tôi kỷ niệm vì đó mới là ngày sinh thật của của tôi.
Những cái tên và những ngày sinh làm cho tôi chóng mặt.
Đôi khi tôi không thấy mình là Teresa nữa.
Tue phát âm thật là giản dị
Một trái cây học cách yêu dòng nhựa chính mình.
Tôi muốn là sợi dây...cộng hưởng
Như chiếc cung co mạnh
Rồi dội lại bằng mũi tên bắn thẳng vào tim.
Ngô Tự Lập dịch
--------------------
Tôi nắm lấy không
Và bẻ nó gẫy đôi
như thể muốn giễu tôi
thậm chí cái hư không
còn lớn hơn nữa
và tôi thấy mình rơi.
Tôi nắm lấy cuộc rơi
và bẻ nó gẫy đôi
nó không dừng cuộc rơi.
tôi lao sâu hơn nữa.
Tôi nắm lấy khoảng sâu
rồi tôi gom lại đêm tối
với tất cả những ngôi sao
và đặt nó lên
đôi cánh một con dơi.
Tôi dõi theo nó
bay vào trong khoảng sâu nhất
của những cái hang
chính nơi nó kêu lên
rồi lắng nghe
tiếng vọng
dội lại
từ những tường đá.
Đặng Thân dịch
---------------------------
Khi tôi gặp ba lần đầu
Khi tôi gặp ba lần đầu,
ông trông như một con mèo Ai Cập
gầy, dáo dác tìm đồ ăn, và khắc khổ
vừa được thả khỏi trại tù Việt Cộng
Ông nói với chúng tôi ông ghét màu đỏ.
Mười sáu năm sau
Ông mặc áo thun dài tay màu đỏ và cười tươi
Trái tim ông đã bắt bắt đầu hé mở
Để cho những giọt sáng màu đỏ đầu tiên tràn vào...
Lê Đình Nhất Lang dịch.