THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:22

Thơ Nguyễn Phan Quế Mai: Tổ quốc gọi tên

 

 

TỔ QUỐC GỌI TÊN  

  
Đêm qua tôi nghe Tổ quốc gọi tên mình 
Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá 
Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả 
Nơi bão tố dập dồn, chăng lưới, bủa vây 
 
Tổ quốc của tôi, Tổ quốc của tôi! 
Bốn nghìn năm chưa bao giờ ngơi nghỉ 
Thắp lên ngọn đuốc Hòa bình, bao người đã ngã 
Máu của người nhuộm mặn sóng biển Đông 
 
Ngày hôm nay kẻ lạ mặt rập rình 
Chúng ngang nhiên chia cắt tôi và Tổ quốc 
Chúng dẫm đạp lên dáng hình đất nước 
Một tấc biển cắt rời, vạn tấc đất đớn đau 
 
Sóng chẳng bình yên dẫn lối những con tàu 
Sóng quặn đỏ máu những người đã mất 
Sóng cuồn cuộn từ Nam chí Bắc 
Chín mươi triệu môi người thao thức tiếng “Việt Nam” 
 
Chín mươi triệu người lấy thân mình chở che Tổ quốc linh thiêng 
Để giấc ngủ trẻ thơ bình yên trong bão tố 
 
Ngọn đuốc Hòa bình trên tay rực lửa 
Tôi lắng nghe  
Tổ quốc  
gọi tên mình


  ----------------------------
ĐỒNG LỘC 

Hoa không ngăn nổi mình chảy dòng tang trắng 
Cỏ không ngăn nổi mình trào nấm mộ xanh 
Tôi nhỏ bé hơn hoa thấp hơn cỏ             

                        ………nghiêng mình 

Con gió trắng bay qua đồi cát

 

Con gió trắng hát mười bài hát: Võ Thị Tần, Hồ Thị Cúc, Võ Thị Hợi, Nguyễn Thị Xuân, Dương Thị Xuân, Trần Thị Rạng, Hà Thị Xanh, Nguyễn Thị Nhỏ, Võ Thị Hà, Trần Thị Hường

 

Mười suối tóc mười cung đàn ngân hát

 

Xanh  
Xanh 
Xanh  
Nắng gió  
Ngút ngàn

 

Mười dải mềm nối một dải Trường Sơn 
Mười ánh mắt đã thành ánh sáng

 

Hoa không ngăn nổi mình hóa dòng tang trắng 
Chảy về trời trong tiếng hát chị tôi

 Ngã ba Đồng Lộc, tháng 9/2010 

 -------------------

HAI NẺO TRỜI VÀ ĐẤT 

Trắng trời những ngôi mộ vô danh

Trắng đất những người con đi tìm mộ bố

Mưa tả tơi xuống họ

 

Những đứa con chưa biết mặt cha

Những người cha không thể trở về nhà

Tiếng gọi “con” còn chôn sâu trong ngực

Tiếng gọi “cha” hơn bốn mươi năm thao thức

 

Đêm nay tôi nghe tiếng chân cha và con từ hai nẻo trời và đất

Những bước chân rần rật

lần tìm về nhau

những bước chân cạn máu

lạc nhau qua triệu dặm đường

lạc nhau qua nghìn thế kỷ

 

Mỗi bàn chân tôi đặt trên đất nước

   đang đặt lên bao nhiêu thân thể lạnh khói hương trong lòng đất?

    dẫm lên bao nhiêu biển nước mắt

         của những người con chưa tìm được mộ cha mình? 

 -----------------------

                                 QUẢNG TRỊ 

Người mẹ chạy về phía chúng tôi

Tên hai đứa con tràn hai hốc mắt

Mẹ gào lên “con tôi ở đâu?”

 

Người mẹ chạy về phía chúng tôi

Tên chồng mẹ lõm sâu lồng ngực

Mẹ gào lên “trả chồng cho tôi!”

 

Nắng héo đôi vai

     xác xơ tóc trắng

 

Trời sập nắng kéo lê tôi trên những quãng đường chi chít hố bom mắt người chết toang hoác mở

những ruộng đồng nẻ khô thoi thóp thở

 

Hoa phượng loang tươi đỏ những con đường

Còn sâu hoắm vết thương

Quảng Trị

 ----------------------- 

Thời gian trắng

Trong mưa phùn mùa đông, tiếng ve xé lòng mùa hạ  
Tôi nhìn thấy ông 
Kiên nhẫn đứng như một chấm than giữa phố phường lũ lượt còi xe  
Người người mắc cạn trong sự vội vã của chính mình

Ông một mình 
Lặng lẽ 
Nhỏ bé  
Thời gian chảy qua hai bàn tay

 
Tôi mua một cuốc xe ôm  
Ông chở tôi đi không kỳ kèo giá cả 
Hình như, ông chỉ muốn ai đó nghe thấy giọng mình trồi lên trên những tòa nhà cao ốc 
trên những điệu nhạc ộc từ quán bar 
vượt lên tiếng còi xe người người bắn vào nhau như đang ở trong cuộc chiến

 

Tôi ngồi sau xe 
Lắng nghe ông kể chuyện 
Nghe gió Trường Sơn thổi về từ mái tóc bồng điểm bạc 
Nghe nắng miền Trung hát trên đôi vai gầy guộc 
Nghe tiếng súng xuyên về từ ngày tôi chưa sinh

 

Người lính già 
Đem giọt mưa xa về mắt tôi 
Giọt mưa mang vị ngọt chiến thắng, vị đắng cuộc chiến đã xa ông vĩnh viễn ghi tên mình vào nó  
Vị mặn trăn trở - “rồi có ai còn nhớ tới Trường Sơn” 
Và, vị cay của cuộc sống đời thường tấp nập chảy quanh tôi  
như chỉ biết vươn mình về phía trước 
về phía trước 
phía trước...

Mà quên đi 
Quên đi  
Những người lính và những câu chuyện cần được kể 
Quên đi 
Người lính già bé nhỏ 
Cạnh ngã tư đường 
thời gian trắng qua đôi bàn tay

 

Nhận xét về thơ Nguyễn Phan Quế Mai

“Một giọng thơ biết tiết chế để khi chạm đến cái riêng tư vẫn không sa vào vụn vặt. Tình cảm với đất nước quê hương của người xa xứ, hoặc đang sống ngay giữa lòng đất nước, thật tha thiết mà không lạm dụng cảm xúc. Tác giả cũng chứng tỏ một bản lĩnh thơ trẻ, không chấp nhận cách cấu tứ quen tay, không sa vào ngôn từ dễ dãi, cũng không gây choáng bằng hình thức cầu kỳ, phù phiếm... ”

(Nhận xét của Hội đồng Chung khảo Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội, về tập thơ Cởi gió, năm 2010)

“Ý thơ của Nguyễn Phan Quế Mai đa dạng và bao trùm, nhưng không bao giờ xa đất nước và gia đình cô... Đọc toàn bộ tập thơ, người ta không thể không cảm thấy mỗi bài thơ được viết vào cảnh quan Việt Nam qua trí tưởng tượng của nhà thơ. Những bài thơ không chỉ được tạc vào cảnh quan đó, mà được chạm khắc một cách rất tinh tế, để bảo tồn vẻ đẹp của một đất nước mà những vết thương chiến tranh không thể khuất phục được nó.”

(Tạp chí thơ quốc tế Poetry International Review, Mỹ, giới thiệu tập thơ Bí mật của hoa sen, năm 2015)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh