CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:14

Những mùa xuân gùi muối của nhà thơ Giang Nam

Những hạt muối hạnh phúc

Khánh Hòa là một trong những vựa muối lớn của đất nước. Nắm được yếu điểm này nên trong chiến tranh giặc phong tỏa tất cả các đường vận chuyển muối lên chiến khu.

Nhà thơ Giang Nam cho biết, những năm tháng chiến tranh,  hạt muối ở chiến khu quý hơn vàng. Vầng trán đã xô dày nếp nhăn, nhíu mày mãi, Giang Nam kể:

 “Tôi giác ngộ cách mạng rất sớm, năm 20 tuổi, lại được người anh trai, nhà cách mạng Nguyễn Lưu truyền cho bầu nhiệt huyết nên tôi luôn sôi sục ý chí chiến đấu và sẵn sàng nhận nhiệm vụ.

Từ năm 1946 đến 1953 địch liên tục bao vây chiến khu Đá Bàn, nhất là dịp Tết, muối là số một, không có muối là sẽ chết”.

Những mùa xuân gùi muối của nhà thơ Giang NamMỗi ngày nhà thơ Giang Nam vẫn dành 3  tiếng đọc sách báo và viết hồi ký về chiến trường. 

Để có muối, năm nào cũng vậy, đến cuối tháng 10 âm lịch, Giang Nam cùng đồng đội mở đường máu đi lấy muối. Nhớ mùa xuân Giáp Ngọ (năm 1954), mặc dù đang giữ chức Trưởng Văn phòng Tỉnh ủy, nhưng ông vẫn cùng với người yêu là bà Phạm Thị Chiều đi gánh muối đến tứa máu hai vai.

Ông kể: “Nhìn cảnh đồng đội của mình vì thiếu muối, sinh bệnh tật, không đủ sức chiến đấu, lòng tôi quặn thắt. Đặc biệt là dịp xuân, địch thường truy càn ráo riết. Mỗi lần đi lấy muối, sợ địch phát hiện, chúng tôi rải lá dọc đường để không để lại dấu chân, những con đường rừng, gió quất tơi bời, có lần vừa gánh muối, vừa chạy, bom giặc quạt cho ngã nhúi đầu xuống đất, trán tôi giờ còn nhiều dấu vết từ những lần ngã đó. Khi muối về đến căn cứ, các chiến sỹ ùa ra, mỗi người được phát một nhúm họ ăn ngấu nghiến ngay tại chỗ, còn một ít thì để dành ăn trong những ngày Tết. Muối được chia đếm từng hạt”.

Sau này để địch không phát hiện, Giang Nam cùng các chiến sỹ của mình dùng những chiếc giỏ của đồng bào dân tộc, ngụy trang bên ngoài bằng lá cây để đi lấy muối vào ban đêm.

Những mùa xuân gùi muối của nhà thơ Giang NamNhà thơ Giang Nam (đeo kính, thứ 2 từ phải sang) cùng các đồng đội của mình ở chiến trường.

Từ năm 1959 đến 1974, địch dồn tất cả quân lực để chặn đường muối vận chuyển lên chiến khu ở Khánh Hòa. Theo chúng, chặn đường muối là cách tuyệt diệt sức khỏe cán bộ, chiến sĩ của ta một cách hiệu quả nhất.

Những ngày tháng gian khổ ấy đã như găm sâu trong ký ức, Giang Nam nghẹn ngào: “Không ít lần thấy đồng đội bị địch truy đuổi, đánh đập khi đang gánh muối.

Nhớ mùa xuân Bính Ngọ  (1966), hàng trăm chiến sỹ gần như kiệt sức vì thiếu muối. Nhiều người phải ngắt ớt rừng ăn để xua đi cảm giác thiếu muối.

Lúc đó, tôi cùng ông Phan Minh Đạo (sau này là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thuận Hải) và một số đồng chí cải trang thành nông dân không quản ngày đêm luồn rừng hàng trăm km lên căn cứ Đầm Ròn (Lâm Đồng) gùi muối mang về, có những chuyến đi kéo dài nửa tháng trời”.

Giang Nam ví, những hạt muối đó với ông mãi mãi là những hạt muối hạnh phúc.Những mùa xuân gùi muối của nhà thơ Giang Nam

Gia đình nhà thơ Giang Nam quây quần mỗi dịp xuân về.

Tất cả đều hướng về Tổ quốc, về đồng đội

Trong khi kể về những mùa xuân chiến trường tôi thấy nhiều lần nhà thơ Giang Nam đưa tay lau nước mắt. Ông tâm sự: “Tình cảm đồng đội, đồng bào ở cái thời đó nó mạnh mẽ và thiêng liêng.

Đồng bào bị giặc dụ dỗ và tuyệt đường muối, nhưng họ vẫn trung thành và đi theo, ủng hộ cách mạng, sẵn sàng chia sẻ cho nhau từng hạt muối, cọng rau”.

Trong lần vận chuyển muối chuẩn bị Tết năm 1970, bị địch càn, một chiến sỹ bị ngã xuống hố nước, muối đeo trên lưng bị ướt tan dần ra, nhưng vẫn kiên quyết vượt lên mang muối về cho đồng đội.

Giang Nam sụt sùi: “Thương đồng đội ở nhà lắm, chúng tôi bảo đồng chí bị thương đựng vào chiếc bao nilon để cho nước muối và máu trong người rỏ xuống rồi cột bao nước lại mang về chiến khu chưng cất lên lấy muối ăn.

Từng đấy cũng đủ hồi sức cho hàng chục chiến sỹ đang bị phù nề vì thiếu muối. Kỷ niệm này suốt đời tôi không quên”.

Xuân năm 1972, bị địch chặn lại và tìm đủ cách dụ dỗ, nhưng các ông vẫn kiên quyết hướng về Tổ quốc.

Ông nhớ lại: “Có những ngày cận kề với cái chết, lại có những đêm, vai tôi tứa máu vì gùi muối, đạn địch bắn ầm ào ngay trên nóc hầm, nhưng ai nấy cùng một lòng thề chiến đấu đến cùng bảo vệ Tổ quốc.

Hình tượng Tổ quốc và ước vọng hòa bình được đưa ra như một sự thiêng liêng trong những đêm giao thừa. Vô hình, nhưng có sức mạnh ghê gớm lắm”.   

 Vẫn đau đáu với những đồng đội đã hy sinh

Sau ngày đất nước giải phóng, mùa xuân nào cũng vậy, việc đầu tiên vợ chồng nhà thơ nghĩ đến đó là hỏi thăm gia đình những người đồng đội đã hy sinh. Thậm chí, cất công đi tìm vị luật sư ngày xưa đã bào chữa miễn phí cho bà Chiều nhưng không gặp.

 Giờ bà Chiều đã về bên kia thế giới, lòng nhà thơ như nhân lên những nỗi niềm khi xuân sang. Ông nói với tôi: “Anh là người đầu tiên từng viết về mối tình của tôi và anh biết đấy, vợ tôi là người tiếp cho tôi mọi nghị lực, giờ bà ấy thành người thiên cổ, trong tôi nhức nhói lắm.

Nhớ mãi một chiều giữa năm 2013, khi bà Chiều lâm bệnh nặng nhưng khi thấy tôi bà vẫn đưa tay quẹt nước mắt tâm sự rằng: “Anh ạ, có người phụ nữ nào lại không thích gần chồng nhưng nếu vì tình yêu riêng này thì ích kỷ quá, phải không?.

Vậy nên, trong suốt những năm chiến tranh tôi một mực bảo anh Nam để Tổ quốc lên trên hết. Giờ tôi có mất đi nhưng vẫn nhắc anh Nam còn sức thì Tết đến nên đi thăm những đồng đội cũ, thắp nhang cho những người đã hy sinh”.

Khi còn sống, gần chục lần bị giặc bắt và tra khảo nhưng bà Chiều vẫn cắn răng chịu đựng tuyệt đối không khai việc ra chồng mình làm cộng sản. Nói về ước vọng của mùa xuân năm này, Giang Nam tâm sự:

“Sau bao ngày lặn lội chiến trường và làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, vợ mất, giờ sức khỏe của tôi gần cạn kiệt rồi, xuân Giáp Ngọ 2014 này, tôi ước vọng cuộc sống càng giàu đẹp hơn, bớt giành giật hơn.

Riêng lĩnh vực văn nghệ, cái lĩnh vực tôi yêu như máu thịt thì mong sao những người làm văn nghệ, lãnh đạo văn nghệ cũng vậy là phải phát hiện ra cái mới, ra người tài, ra những cá tính độc đáo, phải đi tìm, nuôi dưỡng và bảo vệ những người sáng tạo đích thực chứ không phải đến ngồi tán gẫu nhau cho sung sướng rồi hưởng lương, rồi đấu đá, thế thì buồn lắm...

Như vậy chúng ta mới xứng đáng với những người đã hy sinh”. 

Bài và ảnh: HÀ VĂN ĐẠO

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh