THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:42

Thiếu trường mầm non trong các Khu Công nghiệp: Công nhân chật vật tìm chỗ học cho con

 

Bức xúc nhu cầu nơi gửi con

Sắp hết thời gian nghỉ thai sản 6 tháng, chị Mai Trang (quê Phú Thọ) đang làm việc tại KCN Quang Minh (Hà Nội) chia sẻ: Chỉ còn 1 tháng nữa là em phải đi làm nhưng đến giờ em vẫn chưa tìm được nơi gửi con an toàn, giá cả hợp lý. Cháu còn quá nhỏ nếu  gửi con tại các cơ sở trông trẻ tự phát thực sự không yên tâm. Bởi đây là các nhà trẻ, lớp mẫu giáo nhỏ lẻ, chưa được cấp phép, người trông trẻ không có chuyên môn, nghiệp vụ mà gửi vào trường công thì mình không có hộ khẩu. Ông bà nội ngoại thì không thể xuống đây trông cháu, vì thế nếu em đi làm thì phải gửi con về quê nhờ bà ngoại chăm sóc.

Theo Báo cáo của Ban nữ công Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) về thực trạng nhà trẻ mẫu giáo trong các KCN hiện nay cho thấy, có hơn 10 triệu lượt nhân khẩu đang làm việc trong các khu công nghiệp, trong đó gần 70% là lao động nữ, đa phần lao động nữ có tuổi đời khá trẻ, từ 18 - 40 tuổi chiếm 97,9%. Theo số liệu khảo sát của Ban nữ công,TLĐLĐVN  đối với 1.000 công nhân ở các KCN, KCX của 7 tỉnh đại diện cho các vùng miền, trong đó số phiếu phỏng vấn lao động nữ là 91,9% cho thấy, tỷ lệ công nhân có con trong độ tuổi mầm non chiếm gần 60%, độ tuổi dưới 3 tuổi chiếm 58,6%. Do đó, vấn đề nhà trẻ mẫu giáo tại các KCN hiện nay đang đặt ra nhiều bức xúc.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng đã tiến hành một cuộc khảo sát tại năm tỉnh, thành phố có nhiều KCN, đó là: Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Ðồng Nai, Hải Dương. Kết quả cho thấy, hầu hết con của nữ công nhân ở các KCN, KCX đều gửi vào nhóm trẻ nhỏ, tư thục chưa được cấp phép. Năm 2011, TLĐLĐVN cũng tiến hành một cuộc điều tra khảo sát trong 10 tỉnh có KCN, KCX, kết quả là chỉ có 16,9% số KCN, KCX có nhà trẻ, mẫu giáo cho con công nhân, trong đó, công lập chiếm 39,9%, tư thục là 60,1% và phần đông đều là tự phát.

 

Giấc mơ được học trường công của con em công nhân trong các KCN.

 

Số liệu từ Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD-ĐT), năm học 2016-2017 cả nước tăng 354 trường và 11.318 nhóm, lớp; trong đó tăng nhiều là nhóm trường mầm non ngoài công lập (277/354 trường). Các trường mầm non tư thục đang phát triển nhanh để giảm áp lực cho các trường công lập. Theo thống kê, tốp 5 địa phương có tỉ lệ trường mầm non ngoài công lập cao nhất là: Đà Nẵng (64,8%, tăng 0,3%), Bình Dương (63,0%, tăng 0,15%), Thành phố Hồ Chí Minh (60,8%, tăng 0,8%), Bà Rịa - Vũng Tàu (30,5%, tăng 0,1%) và Hà Nội (28,8%, tăng 0,3%). Mặc dù mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất được tăng cường cả về số lượng và chất lượng như vậy, nhưng vẫn chưa đáp ứng đúng mức yêu cầu phát triển giáo dục mầm non. Một số khu đô thị, khu công nghiệp vẫn thiếu trường lớp, chưa đáp ứng nhu cầu gửi con của công nhân, người lao động.

Chỉ là giải pháp trước mắt

Doanh nghiệp không thể lo được chỗ gửi trẻ cho công nhân, ngành Giáo dục cũng khó có thể “chạy” kịp nhu cầu, nên công nhân chỉ còn biết trông chờ vào nhóm trẻ tư thục, bất chấp những rủi ro mô hình này mang lại. Do đó, tại thời điểm này hỗ trợ phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở KCN, KCX là việc làm cần thiết.  Để tháo gỡ khó khăn cho tình trạng trên, ngày 20-3-2014 Chính phủ đã ban hành Quyết định 404/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở KCN, KCX đến năm 2020” (Đề án 404). Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện. Mục tiêu đặt ra rất nhân văn, đến năm 2020, 80% cán bộ, giáo viên, bảo mẫu của các nhóm trẻ tư thục thuộc Đề án sẽ được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ; 70% trẻ dưới 36 tháng tuổi được gửi tại các nhóm trẻ được quản lý và bảo đảm chất lượng; 500 nhóm trẻ độc lập tư thục được hỗ trợ kiện toàn, xây dựng và phát triển…

 

Thiếu trường mầm nọn cho con công nhân khiến người lao động không thể yên tâm làm việc.

 

Song, khi thực thi quả thật là gặp nhiều khó khăn. Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng Ban Gia đình xã hội (Hội LHPN Việt Nam), phải thốt lên, chúng tôi đã không lường trước được khó khăn lại nhiều đến thế! Theo khảo sát của Hội LHPN Việt Nam chỉ có 20% số trẻ trong độ tuổi nhà trẻ, mầm non được gửi an toàn, còn 80% các em phải đối mặt với nhiều nguy cơ. Vì nguồn lực có hạn nên Hội dự kiến mỗi tỉnh sẽ thực hiện triển khai thành công cho 5 nhóm/năm. Tuy nhiên, nhiều địa phương khi triển khai Đề án 404 còn gặp phải khó khăn về quỹ đất do sự thiếu thống nhất trong hệ thống văn bản liên quan đến đất đai trong KCN, KCX. Ngoài ra, nguồn giáo viên cũng rất khan hiếm.

Bà Tuyết Mai cũng cho rằng, do các KCN được hình thành từ rất sớm, lúc thành phố chưa có các chế tài cần thiết để buộc nhà đầu tư phải xây dựng các công trình phục vụ người lao động. Vì vậy, hầu hết việc xây dựng đều do chủ đầu tư tự nguyện. Tuy nhiên, do diện tích đất ở các KCN có hạn, quỹ đất dùng trong việc trồng cây xanh, bảo vệ môi trường nhiều nên việc xây dựng nhà trẻ là rất khó khăn. “Nếu không xây dựng được thì các KCN nên liên kết với các nhà đầu tư khác, hoặc các trường mầm non lân cận để đáp ứng nhu cầu cho người lao động. Việc ổn định nơi ở (nhà lưu trú, nhà cho công nhân) cùng với nơi gửi con sẽ khiến cho người lao động toàn tâm, toàn ý phục vụ công việc sản xuất hơn là thả nổi, buộc người lao động phải “tự bơi” với nhu cầu của mình” – bà Mai kiến nghị.    

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh