THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:40

Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập trong tâm trí của thiếu tá Mỹ

 

Cuốn hồi ký mang tên “Why Vietnam?” (Tại sao Việt Nam?) của Chỉ huy đơn vị Cơ quan Tình báo chiến lược Mỹ (OSS), thiếu tá Archimedes L.A Patti không chỉ miêu tả không khí sôi sục, hân hoan của người dân Việt Nam tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945, mà còn viết về những cảm nhận không thể nào quên của tác giả khi gặp Lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Kỳ đài nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, ngày 2/9/1945 (ảnh tư liệu)

Năm 1944, thiếu tá Archimedes L.A Patti được tướng William Donovan – người đứng đầu Cơ quan Tình báo chiến lược Mỹ cử đến Trung Quốc với nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo tại đây, cũng như tìm hiểu những hoạt động bí mật mà phát xít Nhật đang thực hiện ở Đông Dương. Kể từ năm 1940, Nhật Bản gần như nắm quyền kiểm soát hoàn toàn khu vực Đông Dương. Vào tháng 3/1945, quân đội Pháp ở Đông Dương đã tổ chức những cuộc tấn công chống lại quân Nhật nhằm giành lại quyền kiểm soát Việt Nam.

Trong khi ông Patti và các đồng nghiệp đang lên kế hoạch để làm thế nào "quấy rối" lực lượng phát xít Nhật thì đất nước mặt trời mọc bị rung chuyển bởi 2 quả bom nguyên tử vào tháng 8/1945. Do đó, phát xít Nhật đã đầu hàng quân Đồng minh không điều kiện. Sau đó, lực lượng Việt Minh đã chớp thời cơ tổ chức Cách mạng Tháng Tám thành công.

Cựu thiếu tá quân đội Hoa Kỳ Archimedes L.A Patti

Chiều 22/8/1945, với nhiệm vụ thu thập tin tức tình báo, trợ giúp và phối hợp với quân đội Trung Hoa Dân Quốc (Quân đội Tưởng Giới Thạch) tổ chức giải giáp quân đội phát xít Nhật bại trận và giải quyết vấn đề tù binh chiến tranh, Thiếu tá Patti đã tới Việt Nam. Mặc dù là sĩ quan tình báo nhưng Chỉ huy đơn vị OSS lại có cái nhìn đúng đắn về Cách mạng tháng Tám của Việt Nam. Cụ thể, trước khi sang Việt Nam, thiếu tá Patti đã có dịp gặp mặt và trò chuyện với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ngôi làng nhỏ Chin Chou Chieh ở Tĩnh Tây, Quảng Tây (Trung Quốc) vào ngày 27/4/1945.

Trong cuộc gặp đó, hai bên đã thảo luận và bàn về việc phối hợp hoạt động chống Nhật giữa Mặt trận Việt Minh và cơ quan OSS. Chính cuộc gặp này đã khiến vị thiếu tá có cảm nhận và ấn tượng sâu sắc về Lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Ông Patti vô cùng cảm phục trước trí tuệ uyên bác, phong cách ngoại giao giản dị mà đầy sức thuyết phục của Bác Hồ.

Trong cuốn hồi ký “Why Viet Nam?”, Thiếu tá Patti viết: “Mặc dù tôi đã tỏ ra khách quan và vô cùng thận trọng để bản thân không dính vào những khía cạnh chính trị liên quan đến vấn đề Đông Dương, nhưng sự chân thành và tài hùng biện đầy sức thuyết phục của ông Hồ đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng tôi... Đó là một lãnh đạo vô cùng thông minh, thấu hiểu những vấn đề của đất nước mình, Người thấu tình đạt lý và vô cùng tinh tế. Tôi cũng cảm thấy có thể tin tưởng ông như người bạn đồng minh đứng cùng chiến tuyến chống lại phát xít Nhật…”.

Không chỉ làm nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo, trợ giúp và phối hợp hoạt động với quân đội Trung Hoa Dân Quốc (Quân đội Tưởng Giới Thạch) tổ chức giải giáp quân đội phát xít Nhật bại trận và giải quyết vấn đề tù binh chiến tranh, Thiếu tá Patti còn nhận lời chuyển giúp một số thư, điện của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Mỹ, đứng ra làm trung gian cho các cuộc tiếp xúc Việt - Pháp đầu tiên vào tháng 9/1945…

Quần chúng nhân dân tham dự lễ mitting mừng ngày Độc lập, 2/9/1945 (ảnh tư liệu)

Trước ngày Độc lập của Việt Nam, thiếu tá Patti là người vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh cho xem, cũng như trao đổi ý kiến về nội dung của bản Tuyên ngôn Độc lập do chính Người soạn thảo. Đến ngày 2/9/1945, ông Patti cùng với đồng nghiệp của mình đã có mặt tại Quảng trường Ba Đình để chứng kiến sự kiện trọng đại có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình lịch sử Việt Nam.

Trong cuốn hồi ký “Why Viet Nam?”, Archimedes L.A Patti đã miêu tả tỉ mỉ, sống động về thời khắc trọng đại đó: “Từ sớm tinh mơ, dân chúng Hà Nội như những bầy ong, từng đoàn lớn nhỏ, lần lượt đổ về khu vực xung quanh Quảng trường Ba Đình để tham dự sự kiện có tính lịch sử trên.

Một số nơi thấp thoáng bóng dáng dân chúng ở các làng ngoại ô thành phố. Một số nhóm ăn mặc trang phục truyền thống của dân tộc thiểu số và nông dân diện những bộ khăn áo cổ truyền.

….Cho đến tận trưa, tất cả thành viên trong cơ quan OSS của chúng tôi làm việc tại Hà Nội đã đi loanh quanh khắp các con phố để chụp ảnh, ghi chép về các nhóm tham dự buổi lễ, những sự kiện, khẩu hiệu, biểu ngữ, áp phích… Trong số đó có một số khẩu hiệu viết bằng tiếng Pháp, Anh, một số bằng tiếng Việt có nội dung: "Việt Nam của người Việt Nam", "Hoan nghênh Đồng minh", "Hoan nghênh phái đoàn Mỹ", "Thà chết, không nô lệ"…

Tầm trưa, Knapp Bermque Grelecki và tôi đi về phía Quảng trường Ba Đình. Tôi đã quyết định từ chối lời mời của ông Hồ đến khu vực Lễ đài dành cho quan khách. Tôi muốn chứng kiến buổi lễ như một người quan sát bình thường, được hòa mình trong không khí sôi sục, phấn khởi của quần chúng để ghi lại những cảm nhận chân thực, sống động nhất. Chúng tôi chọn được một địa điểm tương đối đẹp - ở ngay trước lễ đài.

Trong khi chờ đợi ông Hồ và các quan chức Việt Nam đến cử hành buổi lễ, tôi nhìn thấy một đoàn cố đạo Thiên chúa giáo mặc áo thầy tu trắng và xanh đen. Trong đó, có một số chức sắc mang khăn quàng và dải viền đỏ.

Bất chợt có tiếng còi và các hiệu lệnh quân sự phát ra từ đội hình quân sự. Đội danh dự và các đơn vị bộ đội đứng thẳng và chăm chú theo dõi ai sẽ là người đầu tiên xuất hiện trên lễ đài. Mấy phút sau, nổi lên tiếng hô: "Bồng súng chào!". Quần chúng bỗng im lặng. Trên lễ đài, mọi người đều bận đồ trắng, thắt cavát và để đầu trần, trừ một người có dáng hình nhỏ nhắn, mặc áo kaki màu sẫm... Đó chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

… Sau đó, tiếng trong loa phóng thanh nổi lên phá vỡ sự im lặng, giới thiệu ông Hồ "là người giải phóng, vị cứu tinh của dân tộc". Quần chúng đuợc sự hướng dẫn của các đảng viên, cất tiếng hát và trong mất phút liền hô vang "Độc lập". Ông Hồ đứng yên mỉm cười và phía dưới là sự hoan hô của người. Ông giơ tay ra hiệu im lặng và bắt đầu đọc bản Tuyên ngôn - nay trở thành bản Tuyên ngôn nổi tiếng...

Ông Hồ dừng lại đột ngột và hỏi người dân: "Đồng bào có nghe rõ tôi nói không?". Quần chúng hô vang đáp lại: "Rõ". Thực là một nghệ thuật diễn thuyết bậc thầy! Từ lúc đó, quần chúng lắng nghe và theo dõi chăm chú từng lời nói, cử chỉ của ông Hồ. Chúng tôi không hiểu ông Hồ đã nói gì.

Lê Xuân - nguyên là người liên lạc của chúng tôi phải cố gắng lắm để dịch những lời của ông Hồ cho chúng tôi nhưng cũng rất khó khăn. Tuy nhiên, chỉ cần nghe giọng nói của ông Hồ bình tĩnh, rõ ràng, ấm cúng và thân mật cũng như nghe thấy câu trả lời mạnh mẽ của quần chúng thì chúng tôi cũng cảm nhận được phần nào tài diễn thuyết đầy sức thuyết phục của ông Hồ...

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và biệt đội Con nai của Hoa Kỳ

Đến khoảng hai giờ, ông Hồ kết thúc bản Tuyên ngôn và tiếp sau đó là Tướng Võ Nguyên Giáp nói về vai trò của Việt Nam, nhấn mạnh vào công tác của Đảng trong lĩnh vực chính trị, quân sự, phát triển kinh tế - xã hội, chương trình giáo dục và văn hoá… Sau bài diễn văn, các Bộ trưởng mới được chỉ định, từng quan chức một được giới thiệu lần lượt và ra mắt quần chúng. Buổi lễ kết thúc bằng việc các Bộ trưởng tuyên bố nguyện trung thành và triệt để ủng hộ Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà….”

Những cảm nhận của thiếu tá Patti vô cùng chân thực, chi tiết và sống động, đã trở thành nguồn tài liệu nghiên cứu vô cùng lý thú và không thể bỏ qua của các nhà sử học. Tuy nhiên, phải đến 30 năm sau, cuốn hồi ký này mới được công bố với mọi người. Trước đó, ông Patti đã dự định xuất bản cuốn hồi ký vào năm 1954 sau khi Pháp thất trận tại Điện Biên Phủ, nhưng vì một số lý do nên kế hoạch của ông bị tạm hoãn.

Theo Kiến thức

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh