Thích ứng già hóa dân số ở việt Nam: Cần chuẩn bị cho tuổi già từ khi còn trẻ
- Dược liệu
- 13:06 - 07/04/2019
Việt Nam đang trong giai đoạn già hóa dân số nhanh, đến năm 2030 NCT từ 65 tuổi chiếm khoảng 13% dân số.
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, hiện tại Việt Nam có khoảng 11,3 triệu người cao tuổi. Trong đó, người từ đủ 90 tuổi trở lên khoảng 350.000 người, từ đủ 80 tuổi trở lên 1,8 triệu người. Việt Nam đang trong giai đoạn già hóa dân số nhanh, đến năm 2030 NCT từ 65 tuổi chiếm khoảng 13% dân số.
Dự báo của Tổng cục thống kê cho thấy, đến năm 2038, nhóm có dân số từ 60 tuổi trở lên khoảng hơn 21 triệu người, chiếm 20% tổng dân số. Cũng theo dự báo này, từ năm 2038, dân số trong độ tuổi lao động bắt đầu giảm và sự biến động dân số này sẽ tác động bất lợi tới phát triển kinh tế - xã hội, nếu không có chính sách phù hợp. Bên cạnh đó, xu hướng nữ hóa dân số cao tuổi cũng diễn ra ở tất cả quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, đòi hỏi các chính sách, chương trình thích ứng với già hóa dân số đều phải tính đến yếu tố giới và nhu cầu khác biệt về giới trong dân số cao tuổi.
Để thích ứng với quá trình già hóa dân số ở Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH cũng có những đề xuất về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật NCT về bổ sung nhóm chính sách phát triển công tác xã hội đối với NCT, trong đó tập trung vào vai trò, nhiệm vụ của công tác xã hội đối với NCT, tiêu chuẩn, dịch vụ; các chính sách công tác xã hội đặc thù với NCT. Cùng với đó là cải cách thủ tục hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết chính sách an sinh xã hội đối với NCT, góp phần thực hiện Chính phủ điện tử. Hoàn thiện nhóm cơ chế tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước các cấp, Hội NCT trong thực hiện công tác NCT.
Bà Astrid Bant (giữa) Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam: Chúng ta đang tiến tới một tương lai tươi đẹp hơn mà mọi người hằng mong ước, “không bỏ ai lại phía sau” sẽ mang lại cơ hội để NCT đóng góp cho xã hội.
Bà Astrid Bant, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam chia sẻ: “Chúng ta đang tiến tới một tương lai tươi đẹp hơn mà mọi người hằng mong ước, “không bỏ ai lại phía sau” sẽ mang lại cơ hội để NCT đóng góp cho xã hội. Chúng ta hãy tăng cường những quyền con người này và đảm bảo có sự tham gia đầy đủ của NCT để xây dựng xã hội tốt đẹp hơn cho mọi lứa tuổi. Tôi tin rằng bằng cách tham gia và cộng tác cùng nhau, chúng ta thực sự có thể tạo ra sự khác biệt và giúp xây dựng các ứng phó có ý nghĩa đối với già hóa dân số, các ứng phó dựa trên các giá trị không phân biệt đối xử và bình đẳng giúp thúc đẩy tầm nhìn về một tuổi già hạnh phúc và khỏe mạnh”.
TS Nguyễn Văn Tiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: Cần phải chuẩn bị cho tuổi già từ khi còn trẻ để giảm thiểu những rủi ro khi bước vào tuổi già.
Trong Báo cáo “Xây dựng chính sách quốc gia toàn diện thích ứng với già hóa dân số tại Việt Nam”, để chuẩn bị cho những người trẻ tuổi bước vào tuổi già với niềm tin và thái độ tích cực, trong tình trạng sức khỏe tốt và điều kiện tài chính lành mạnh, TS Nguyễn Văn Tiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội lưu ý: Cần phải chuẩn bị cho tuổi già từ khi còn trẻ (thể chất, tinh thần, tài chính và kỹ năng quản lý tài chính) để giảm thiểu những rủi ro khi bước vào tuổi già; đảm bảo an ninh tài chính, đầu tư đúng cách, tiết kiệm, tăng trình độ kỹ năng và năng suất lao động, tham gia bảo hiểm xã hội (hiện chỉ có hơn 20% người lao động tham gia), chương trình hưu trí. Duy trì lối sống lành mạnh, năm 2015, 70% nam và 11% nữ uống bia, rượu (chung 2 giới là 45%, năm 2010 chỉ 37%). Đảm bảo sức khỏe, dinh dưỡng tốt. Thực tế cho thấy, gần 30% dân số lười hoạt động thể lực, ăn muối quá nhiều… Sau 5 năm, tỉ lệ hoạt động thể lực của người Việt giảm từ 30% xuống 26%, nam giảm mạnh 28% xuống 19%.