Thi THPT quốc gia trên máy tính từ năm 2021 có khả thi?
- Giáo dục nghề nghiệp
- 18:08 - 12/08/2018
Từ năm 2021, Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ tổ chức thi THPT quốc gia trên máy tính.
Theo đề án tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2018 của Bộ GD&ĐT, từ năm 2021, học sinh có thể sẽ làm bài thi THPT Quốc gia trên máy tính. Với việc tuyển sinh đại học hướng tới tổ chức thi trên máy tính, thí sinh có thể thi nhiều lần trong năm do tổ chức khảo thí thực hiện. Các trường có thể sử dụng kết quả này để xét tuyển hay tổ chức thi, kiểm tra riêng.
Theo đó, từ năm 2021 trở đi, các bài thi, môn thi được thiết kế phù hợp với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; nếu điều kiện cho phép có thể tổ chức cho thí sinh làm bài thi trên máy tính. Bộ GD&ĐT cho biết, để triển khai thi trên máy tính từ năm 2021 cần chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, thiết bị phần mềm quản lý ngân hàng câu hỏi thi trên máy tính, phần mềm quản lý và tổ chức thi.
Dự kiến, sẽ xây dựng 25 trung tâm tổ chức vệ tinh của Bộ tại nhiều khu vực khác nhau trên cả nước, để triển khai tổ chức thi thử nghiệm trên máy tính giúp thí sinh ở các tỉnh giảm chi phí đi lại, đảm bảo an toàn, hiệu quả. Đồng thời, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện ngân hàng đề thi. Đề thi được xây dựng theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng dần các câu hỏi ở mức độ vận dụng, các câu hỏi mở đòi hỏi thí sinh phải vận dụng kiến thức, kỹ năng tổng hợp, liên môn, kinh nghiệm sống, hiểu biết xã hội để trả lời. Cũng theo đề án này, nội dung đề thi có 2 khối kiến thức gồm kiến thức cơ bản ở mức độ nhận biết, thông hiểu và vận dụng, đảm bảo hầu hết thí sinh đáp ứng được yêu cầu này.
Mặc dù có những ưu điểm như vậy nhưng nếu tổ chức cho một số lượng thí sinh dự thi THPT quá đông thì cần có lộ trình triển khai từng bước và có thời gian chuẩn bị về điều kiện cơ sở vật chất, máy móc, hạ tầng kỹ thuật và ngân hàng đề thi. Một vị lãnh đạo phòng khảo thí và quản lý chất lượng của Sở GD&ĐT Tiền Giang nhấn mạnh, thi trên máy tính có nhiều ưu điểm hơn so với cách thức tổ chức hiện nay, đảm bảo tính khách quan, hạn chế gian lận và đỡ tốn kém. Nhưng để làm được cần chuẩn bị phương án thi tốt, đặc biệt là ngân hàng đề thi trực tuyến và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin ở những khu vực còn nhiều khó khăn.
Việc triển khai thi trên máy tính cần được tính toán kỹ và chuẩn bị tốt các điều kiện, để đảm bảo tính khả thi.
Đồng quan điểm trên, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT phân tích thêm: Có một triệu thí sinh thi, mỗi em 1 máy thì Bộ có chuẩn bị được 1 triệu máy tính hay không? Hơn nữa, với một số lượng lớn thí sinh dự thi diễn ra cùng một thời điểm, nếu hạ tầng không đảm bảo có thể dẫn đến nhiều sự cố xảy ra như nghẽn mạng, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thi của thí sinh. Hay Bộ có phương án tổ chức thi thành nhiều đợt khác nhau thì đề thi ở các đợt thi phải có độ khó, dễ tương đương nhau để đảm bảo công bằng, khách quan cho các thí sinh. “Chính vì thế, khi đưa ra chủ trương mới Bộ cần chuẩn bị sẵn sàng tất cả các điều kiện để đảm bảo tính khả thi” - ông Nhĩ nhấn mạnh.
Với kinh nghiệm nhiều năm xây dựng ngân hàng đề thi, TS. Lê Thống Nhất - người sáng lập trường học trực tuyến lớn nhất VN-Bigschool cho rằng: “Đối với kỳ thi trên máy tính thì yếu tố quyết định sự thành công chính là khâu xây dựng và chuẩn hóa ngân hàng câu hỏi thi THPT.
Trước tiên cơ quan xây dựng đề cần hiểu rõ ưu điểm đề thi trắc nghiệm so với tự luận và ngược lại. Nếu đề thi tự luận việc kiểm tra bao quát kiến thức là khó thì ngược lại, đề trắc nghiệm có thể bao quát kiến thức rộng hơn nhiều. Thế nhưng, kỳ thi vừa qua cho thấy, đề thi trắc nghiệm vẫn làm theo kiểu “trắc nghiệm hóa” đề thi tự luận, dẫn đến việc quá nhiều kiến thức quan trọng bị bỏ qua và như vậy, lại vẫn sa vào nhược điểm của thi tự luận. Vì thế, xây dựng và chuẩn hóa ngân hàng câu hỏi thi là rất quan trọng”.
Ngày 17/4, Bộ GD&ĐT đã phê duyệt đề án "Đổi mới thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH&CĐ sư phạm, trung cấp sư phạm hệ chính quy giai đoạn 2018-2020". Theo khái toán tổng kinh phí thực hiện, trong ba năm, từ năm 2018-2020, đề án này sẽ tiêu tốn hơn 749 tỉ đồng. Cụ thể, năm 2018 sẽ chi hơn 344 tỉ đồng, năm 2019 chi hơn 203,6 tỉ đồng và năm 2020 chi hơn 201,6 tỉ đồng. Trong đó, riêng năm 2018, dự kiến đề án này chi gần 84,8 tỉ đồng cho việc xây dựng ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa. Năm 2019-2020, mỗi năm chi trên 90,7 tỉ đồng cho việc xây dựng ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa. Ngoài ra, tổng kinh phí đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật phục vụ tổ chức thi THPT quốc gia, tuyển sinh và xây dựng, đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng trung tâm tổ chức thi vệ tinh quốc gia với tổng kinh phí khoảng 300 tỉ đồng. Sau khi nhận được phản ứng của dư luận, ngày 22/5, Bộ GD&ĐT đã quyết định thu hồi đề án để tiếp tục hoàn thiện. |