Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Cần tiếp tục đổi mới thi cử để giảm áp lực cho toàn xã hội.
- Tây Y
- 00:06 - 17/11/2016
Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, về giáo dục của Việt Nam, tuy không có báo cáo nào có tính định tính chính xác, tuy nhiên, hàng năm có nhiều tổ chức đưa ra nhận xét ở nhiều giác độ khác nhau. Với Việt Nam những năm gần đây về chỉ tiêu tính theo thu nhập đầu người thì xếp hạng vào khoảng 130, nhưng giáo dục đa phần xếp hạng chúng ta từ 60-70. So với trình độ KT-XH phát triển chung thì giáo dục Việt Nam nhỉnh hơn những nước có trình độ tương đương. Điều đó cho thấy có nhiều điều chưa hài lòng với giáo dục, nhưng cũng phải đánh giá nỗ lực của ngành. Đổi mới là có quá trình, có khi hôm nay đổi mới mà 10 năm sau mới có kết quả.
Về giáo dục phổ thông cần đặc biệt lưu ý giáo dục với người dân tộc thiểu số. Dù đã cố gắng nhưng tới đây phải có chương trình chính sách cụ thể hơn, để giáo dục cho đồng bào tốt hơn.
Thứ hai là chất lượng giáo dục đại học, số liệu đánh giá khác nhau, nhưng nhìn chung bậc học càng cao thì trình độ so với thế giới càng kém. Ở trình độ cao nhất, có tới 80% số nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu của các công ty đa quốc gia vào Việt Nam, cần đào tạo bồi dưỡng tiếp. Điều đáng ngạc nhiên là người lao động kỹ thuật đơn giản chỉ có 20% cần đào tạo tiếp. Điều này có nguyên nhân là do kiểm định chất lượng quá trình học và đầu ra chưa tốt, tới đây cần làm mạnh, khuyến khích các trường tự kiểm định và có trung tâm kiểm định công khai kết quả.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh ngành giáo dục cần lắng nghe dư luận để tiếp tục đổi mới
Bên cạnh đó, Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo cố gắng chỉ đạo đẩy mạnh tự chủ, cả về chuyên môn, tài chính và nhân sự. Tự chủ tài chính không có nghĩa Nhà nước cắt toàn bộ, không đầu tư. Thực chất tự chủ là bớt can thiệp, đi kèm với đó là chính sách tiếp cận trình độ cao của người nghèo... Tới đây, hoạt động của nhà trường, đầu vào đầu ra, cựu sinh viên làm ở đâu phải tổng hợp để công bố công khai cho toàn xã hội giám sát.
Về vấn đề thi cử luôn luôn được toàn xã hội quan tâm. Đây là khâu xã hội bức xúc nhất, chúng ta có nhiều kỳ thi, trong đó kỳ thi phổ thông trung học chủ yếu do hình thức, không trung thực nên nhiều ý kiến cho rằng thi vào ĐH, CĐ quá căng thẳng, dẫn đến học lệch, học tủ. Theo Phó Thủ tướng, đây cũng là yếu tố làm giáo dục Việt Nam không thật tốt.
“Làm sao để kỳ thi trung thực, khách quan, toàn diện, bớt căng thẳng? Các nước đều làm rồi, đa số thi quy mô lớn là thi trắc nghiệm. Tại sao ta không thể tổ chức kỳ thi trắc nghiệm như các nước?”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng, đổi mới thi cử trong những năm qua có nhiều điểm tốt và Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục nghe dư luận để ra đề sao cho thành công, trung thực, bớt áp lực cho toàn xã hội để thực hiện trong năm 2017.
Theo Phó Thủ tướng, thi trắc nghiệm hay tự luận, không có phương pháp nào toàn diện. Cơ bản là trình độ ra đề. Việc ra đề Bộ nghiên cứu và chuẩn bị đến giờ là hơn 10 năm, 2 năm qua thí điểm và thi ở diện rộng và kết quả cho thấy hoàn toàn tin tưởng được.
‘Tôi đề nghị Quốc hội có kết luận và Bộ trưởng cam kết. Như xây ngôi nhà, nhân dân muốn biết cuối cùng ngôi nhà sau cùng là như thế nào, từ nay đến lúc đó qua bao lần thay đổi nữa. Bộ trưởng cam kết ban hành sớm, muộn nhất là đến kỳ thi sang năm. Tôi nghĩ rằng các đại biểu có thể yên lòng, nhân dân và học sinh yên lòng tiếp tục tin tưởng vào hướng dẫn của Bộ để có kỳ thi trung thực, khách quan, bớt áp lực”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh