THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:13

Thi sĩ Bùi Giáng: "Còn hai con mắt khóc người một con"

 

“ Còn hai con mắt khóc người một con”. Đó là câu thơ cuối của bài thơ “Mắt buồn” mà sinh thời ông viết tặng khi người đẹp Thu Trang đăng quang hoa hậu ở Sài Gòn vào năm 1963.

Câu thơ có sức lay động và ám ảnh tâm can người đọc này sau đó được cố nhạc sĩ tài danh Trịnh Công Sơn đưa vào làm lời mở đầu cho ca khúc nổi tiếng “Con mắt còn lại”.

 Bài thơ “Mắt buồn” được cố thi sĩ Bùi Giáng viết bằng thể thơ lục bát truyền thống, nhưng đầy biến hóa và mới mẻ về cấu tứ, ngôn từ: “Bỏ trăng gió lại cho đời/ Bỏ ngang ngửa sóng với lời hẹn hoa/ Bỏ người yêu, bỏ bóng ma/ Bỏ hình hài của tiên nga trên trời/ Bây giờ riêng đối diện tôi/ Còn hai con mắt khóc người một con”.

Nhiều nhà lý luận, phê bình văn học nhận xét thơ ông ngay từ lúc khởi đầu phát tiết đã có sự khác biệt đến kỳ bí. Ông là thi sĩ tái dựng thể thơ lục bát truyền thống trong bối cảnh của thời đại hiện sinh.

 Sở dĩ ông rất kỳ công trong việc làm mới thể thơ truyền thống dân tộc này, vì theo ông: “Lục bát Việt Nam là cõi thi ca hoằng viễn nhất, kỳ ảo nhất”.

Thơ ông dường như luôn được thăng hoa sáng tạo ra trong trạng thái chông chênh giữa thực và mộng mị. “ Hỏi tên? rằng biển xanh dâu/ Hỏi quê? rằng mộng ban đầu rất xa/ Gọi tên là một hai ba/ Đếm là diệu tưởng, đo là nghi tâm”.

Cố thi sĩ "di biệt" Bùi Giáng (phải) và cố nhạc sĩ tài danh Trịnh Công Sơn trong một lần gặp gỡ đàm luận về thi ca, âm nhạc


Bốn câu thơ ấy, theo nhận xét của Thụy Khuê là đã gói trọn bản chất sáng tạo thi ca và tư tưởng của Bùi Giáng tiên sinh. Và đây: “ Hỏi rằng: Người ở quê đâu?/ Thưa rằng tôi ở rất lâu quê nhà”.

Với ông dường như không có khái niệm về tên tuổi, quê quán. Ông một đời phiêu bồng rong chơi giữa cõi ta bà trần ai. “Sài Gòn Chợ Lớn rong chơi/ Đi lên, đi xuống đã đời du côn”. Có vẻ như ông rất tếu táo, hóm hỉnh, đùa cợt với đời, coi cuộc đời là “cõi tạm” là “quán trọ trần gian”. Nhưng thực ra trong cõi thẳm sâu của tâm hồn ông không phải vậy.

Ông luôn đau đáu chiêm nghiệm và làm thơ về sự sinh tồn về những phù du dâu bể trong kiếp người trần ai hữu hạn. “ Trần gian bất tuyệt một lần/ Nghe triều biển lục xa dần non xanh” và “Xin chào nhau giữa con đường/ Mùa xuân phía trước miên trường phía sau”.

 Ông là một thi sĩ nói nhiều về tình yêu và thân phận con người. Ông nói về những kiếp người khốn cùng với những câu thơ tràn đầy sự cảm thông chia sẻ và như thể ông cũng là người trong cuộc vậy. “Anh cứ tưởng đầu đường thương xó chợ/ “Ai có ngờ xó chợ cũng thương nhau”.

Những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, tôi vẫn thỉnh thoảng gặp ông lai rai uống bia ở Văn Nghệ quán, số 81 Trần Quốc Thảo, quận 3, TP.HCM. Ông tới quán bằng xích lô, với trang phục thường được chắp vá bằng nhiều mảnh vải sặc sỡ đủ màu sắc.

 Những lần như thế bao giờ ông cũng mua vài lít bia hơi mời bác xích lô cùng đối ẩm, để rồi kết thúc cuộc nhậu lại chở ông về nhà. Ông uống không nhiều và cũng rất kiệm lời.

Nếu có ai trong đám văn nghệ sĩ chúng tôi gợi chuyện thơ phú, cao hứng lắm ông mới đọc vài câu. Đó thường là những câu thơ ông vừa ứng tác tức thì. Ông là người có biệt tài xuất khẩu thành thơ.

Những câu thơ xuất thần như ma xui quỷ khiến ấy, nghe ông đọc cứ ám ảnh day dứt tâm can: “ Ngày mai vĩnh biệt cõi đời/ Trùng lai có lẽ cuối trời biệt ly”; “Thưa rằng: Ly biệt mai sau/ Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân”; “Biết bao dâu bể nổi chìm/ Đôi lần con mắt lim dim nhớ gì”.

Là người dị biệt không bình thường, ông rất ít khi được sống trong trạng thái thật tỉnh táo và thanh thản. Nhưng trong những khoảng khắc hiếm hoi của sự tỉnh táo ấy ông là một thi sĩ thật tinh tế trong quan sát và cảm nhận về thiên nhiên cỏ cây, hoa lá quanh mình.

Ông cảm nhận được cả cỏ cây dậy thì sinh nở dưới trời xuân vô lượng: “ Em đi cây cỏ dậy thì/ Ngày xuân vô lượng cùng đi lên đường/ Trùng lại giây phút phố phường/ Niềm vui quá khứ phu thường hồi sinh” (Cây cỏ dậy thì). Trong mắt ông cỏ hoa cũng có hồn có vía: “Cỏ hoa từ bỏ ruộng đồng/ Hồn du mục cõi xa gần hử em” (Cỏ hoa hồn du mục). Thơ ông không thách đố người đọc bằng những ngôn từ bí hiểm. Nhưng cảm nhận được thơ ông thật không dễ.

 Những câu thơ mang đậm tính triết lý Phật giáo của ông dường như đã được viết ra từ trong sự tột cùng của cô đơn và đau khổ, từ sự nhận chân về hư vô, về hữu hạn. “Cũng vô lý như lần kia với lá/ Con chim bay để lại nhánh khô cành/ Đời đã mất tự bao giờ giữa dạ/ Khi lỡ nhìn viễn tượng lúc đầu xanh” (Hư vô và vĩnh viễn). Nhiều người gọi ông là “thi sĩ Bồ Tát” kể cũng không ngoa ngôn.                                          

LƯƠNG ĐỊNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh