THỨ HAI, NGÀY 20 THÁNG 01 NĂM 2025 04:03

Kỷ niệm ngày mất nhà thơ Kiên Giang: Nhớ ông-“Ký giả đi ăn mày”

Nhà thơ Kiên Giang còn là người gắn liền với phong trào “Ký giả đi ăn mày” mà lịch sử báo chí đã ghi nhận đây là sự kiện quan trọng cho sự đấu tranh vì tự do báo chí của những người làm báo Sài Gòn trước giải phóng.

Và khi nói về soạn giả Hà Huy Hà, giới mộ điệu cải lương không khỏi nhắc đến vở Người vợ chưa bao giờ cưới, vở này đã định danh với cô đào Thanh Nga (chị của NSƯT Bảo Quốc).

Nhà thơ Kiên Giang (tên thật: Trương Khương Trinh) là một nhà thơ, ký giả, soạn giả cải lương Việt Nam, nổi danh với bài thơ "Hoa trắng thôi cài trên áo tím". Bài thơ này về sau được nhạc sỹ Huỳnh Anh phổ nhạc. Bút danh Kiên Giang lấy tên quê hương của nhà thơ. Ông còn các bút danh khác như Hà Huy Hà - Ngân Hàm nổi tiếng từ năm 1955 ở miền Nam. Kiên Giang còn được biết đến là bậc thầy của hai soạn giả cải lương nổi tiếng khác là Hà Triều - Hoa Phượng.

Kiên Giang sinh ngày 17/2/1929 tại làng Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Rạch Giá (nay thuộc tỉnh Kiên Giang), là đồng hương và là “tri kỷ” của nhà văn Sơn Nam (ông già Nam Bộ). Năm 1943, ông theo học trường tư Lê Bá Cang tại Sài Gòn. Trên văn đàng, ai cũng biết “cặp đôi” Kiên Giang - Sơn Nam là “đặc sản Nam bộ”. Lời thơ ý văn, các tác phẩm mộc mạc mà sâu lắng, gần gũi, đọng mãi trong mọi tầng lớp trong xã hội. Hai đồng hương sinh thời đã từng hiểu nhau, sống xuề xòa, giản dị. Kiên Giang thích đi “la cà” trong khi Sơn Nam thì lại thích “cuốc bộ”. Ăn uống bình dân, không bia rượu bê tha nhưng cả hai đều nghiện thuốc  lá.

Nhà thơ Kiên Giang thăm mộ tri kỷ, nhà văn Sơn Nam tại Hoa viên nghĩa trang Bình Dương (KP.1B, P. Chánh Phú Hòa, Tx. Bến Cát, Bình Dương).             

Trước 1975, Kiên Giang còn làm ký giả kịch trường cho nhiều tờ báo lớn của Sài Gòn như Tiếng chuông, Tiếng dội, Lập trường, Điện tín, Tia sáng,... Ông từng tham gia phong trào “Ký giả đi ăn mày” và dẫn đầu đoàn biểu tình chống lại những quy chế khắt khe do chính quyền VNCH áp đặt lên giới báo chí.

“Ngày 20/2/1970, tổng trưởng kinh tế Phạm Kim Ngọc đã ban hành nghị định tăng giá giấy gần 100%, nhằm âm mưu bóp chết tự do báo chí, triệt hạ đệ tứ quyền, thực thi một chánh sách ngu dân...”. Đây là phần đầu bức tâm thư của Ủy ban tranh đấu bảo vệ tự do báo chí, đăng trên báo Đuốc Nhà Nam số 357 ngày 9-3-1970.

Tức nước vỡ bờ, đó là quy luật tự nhiên. Đến ngày 10/10/1974 với bị gậy, nón lá và khẩu hiệu mang trên ngực “10/10/1974 ngày ký giả đi ăn mày vì sắc luật”, những người làm báo, dân biểu và một số thành phần khác đã tập họp tại số 15 đường Lê Lợi. Sau khi ký giả Nguyễn Kiên Giang (bút danh), chủ tịch Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt, đọc lời tuyên bố “ký giả phải đi ăn mày vì luật 007”, các ký giả Trần Tấn Quốc, Nam Đình, Tô Nguyệt Đình, Văn Mại, Ái Lan, Kiên Giang ... cùng một số dân biểu kéo nhau xuống đường biểu tình.

Đoàn biểu tình do ký giả Kiên Giang dẫn đầu xuống đường biểu tình (Ảnh: Báo Điện Tín).

Không thể thống kê hết được thành phần các đoàn thể, cá nhân cùng tham gia xuống đường với giới báo chí. Chỉ có thể kể một số đoàn thể như: Ủy ban bảo vệ văn hóa dân tộc, phong trào bảo vệ nhân phẩm và quyền lợi phụ nữ, các đoàn thể trong công nhân, lao động, trong sinh viên, học sinh, chị em tiểu thương các chợ, đồng bào theo đạo Phật, đạo Thiên Chúa, các đoàn thể hướng đạo, Hội truyền bá quốc ngữ, giới nhân sĩ trí thức tiến bộ, các nhà giáo... Buổi sáng 10/10/1974, đoàn biểu tình đã làm chủ con đường Lê Lợi và cuộc xuống đường đúng theo lộ trình đã dự kiến, tập kết trước trụ sở Hạ viện, họp meeting, hô khẩu hiệu, đốt tượng trưng luật 007 về báo chí trước sự hò reo của những người cầm bút và đồng bào tham gia. Cuộc đấu tranh của làng báo Sài Gòn chống chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã đạt được mục tiêu, giáng một đòn chí tử vào chủ trương đàn áp báo chí. Tổng thống Thiệu choáng váng trước đòn đau này. Và lịch sử báo chí đã ghi nhận ngày này là một ngày đấu tranh vì tự do báo chí và bảo vệ công lý của những người làm báo Sài Gòn.

Sau 1975, Kiên Giang làm Phó Đoàn cải lương Thanh Nga, kiêm cán bộ Phòng nghệ thuật sân khấu. Ông từng làm Ủy viên Ban chấp hành Hội Sân khấu thành phố Hồ Chí Minh qua ba nhiệm kì. Ngoài sáng tác thơ, Kiên Giang còn là một soạn giả cải lương rất nổi tiếng thời đó, cùng với các soạn giả khác như: Năm Châu, Viễn Châu, Hà Triều - Hoa Phượng,... Ông nổi danh với nhiều vở cải lương như: Áo cưới trước cổng chùa, Người vợ không bao giờ cưới (tức Sơn Nữ Phà Ca) và cả trăm bài vọng cổ khác. Trong đó, vở Người vợ không bao giờ cưới đã giúp cho nghệ sĩ Thanh Nga đạt giải Thanh Tâm danh giá và trở thành một ngôi sao trong giới cải lương lúc bấy giờ. Ông còn là ký giả sân khấu kịch trường của nhiều tờ báo Sài Gòn xưa như: Tiếng Chuông, Lẽ Sống, Điện Tín, Lập Trường… Bút danh Hà Huy Hà đã làm say đắm lòng người, nhất là giới mộ điệu cải lương.

Nhà văn Đào Tăng (trái) thăm mộ Kiên Giang, tại Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương.

Ngày 31/10/2014, “chuyến tàu thơ” Kiên Giang đã về đến “trạm cuối” của cuộc đời. Ông đã về với người bạn tri kỷ Sơn Nam, hưởng thọ 86 tuổi và được an táng tại Hoa Viên Nghĩa trang Bình Dương, P. Chánh Phú Hòa, Tx. Bến Cát, Bình Dương. 

ThS. LÊ HOÀNG TRỌNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh